Có thể kể đến các phim như: “Haikyu trận chiến bãi phế liệu”, “Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu”, “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”, “Garfield: Mèo béo siêu quậy”…
Dễ dàng nhận thấy, đây đều là những tác phẩm có điểm tựa từ truyện tranh hay tác phẩm văn học nổi tiếng, hoặc là những thương hiệu hoạt hình lớn phát hành toàn cầu như “Haikyu”, “Doraemon”, “Kẻ trộm mặt trăng”.
Là bom tấn - sản phẩm của những nền công nghiệp điện ảnh lớn như Mỹ, Nhật Bản, lại ra mắt đúng dịp hè, nên các phim này dễ dàng đứng đầu phòng vé về doanh thu. Ngay như phim “Haikyu trận chiến bãi phế liệu” ra rạp từ giữa tháng 5, sang tháng 6 dù suất chiếu ít ỏi khán giả trẻ đi xem vẫn khá đông đảo và không tiếc lời khen.
Còn phim hoạt hình Việt Nam đi đâu?
Tham khảo lịch chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, lọt thỏm giữa “rừng” phim hoạt hình ngoại là chùm 6 phim hoạt hình nội (“Bà của Đỗ Đỏ”, “Cái đuôi của cậu Ấm”, “Người hùng”, “Gia sản kếch sù”, “Cô bé tóc xù”, “Giấc mơ của con”) với suất chiếu duy nhất trong ngày.
Tổng thời lượng 6 phim này là 60 phút. 10 phút cho một phim không khác nào một tiểu phẩm nhỏ nhỏ xinh xinh, và chắc chỉ phù hợp với khán giả mẫu giáo nhi đồng. Một lượng lớn khán giả là thanh thiếu niên sẽ không chọn những phim/tiểu phẩm ấy khi tới rạp.
Từ lâu, ngành hoạt hình nước ta đã xác định đối tượng người xem không chỉ là trẻ em, mà ở mọi lứa tuổi. Thực tế đúng là như thế, khi hàng thập kỷ qua hàng loạt phim anime của Nhật gây sốt trong cộng đồng.
Từ lâu, hai giải thưởng điện ảnh trong nước là Bông sen và Cánh diều đều tôn vinh các tác phẩm hoạt hình. Hãng phim hoạt hình Việt Nam được cấp ngân sách để thực hiện các tác phẩm có tính phi lợi nhuận.
Nhiều studio tư nhân ở hai miền Nam Bắc được đánh giá là có tiềm năng lớn. Các hội thảo về điện ảnh nói chung và hoạt hình nói riêng đều nhận định hoạt hình Việt đang có bước phát triển vượt bậc, tiếp cận được với thị trường thế giới.
Thế nhưng, nhiều mùa Hè đã qua. Các khán giả yêu hoạt hình vẫn mải miết mua vé xem phim ngoại, nói cười với những tình tiết gây cười và trầm trồ thán phục với những nét vẽ, những chuyển động linh hoạt trong phim.
Hoạt hình Việt đã và vẫn bỏ trống khoảng thời gian vàng – khoảng thời gian dễ tiếp cận khán giả nhất trong năm – đặc biệt là khán giả nhí. Nguyên nhân quan trọng của việc “bỏ trống” ấy vẫn là không có tác phẩm, không có một lộ trình với những bước đi bài bản và thống nhất để có thể đưa phim Việt ra với rạp Việt.
Chúng ta chỉ mải miết nói về những khó khăn, mà khó khăn thì lúc nào chẳng có. Sẽ càng khó nếu không bắt tay vào thực hiện. Kết quả là tác phẩm nhỏ như tiểu phẩm thì chẳng thiếu còn một bộ phim hoạt hình dài có đủ năng lực cạnh tranh ngoài rạp chiếu thương mại vẫn thuộc về phía trước.
Mùa Hè, xem phim hoạt hình, trông người lại ngẫm đến ta là thế.