Ở buổi trò chuyện liên quan cuốn sách "Chân dung Hồ Biểu Chánh" của tác giả Nguyễn Khuê, ngày 11/5 tại TPHCM, đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho rằng, nhiều năm trước, ông thống kê có hơn 500 tập phim làm từ tiểu thuyết của ông, bây giờ có thể cao hơn.
Tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh có nhiều yếu tố phù hợp để các nhà làm phim đưa lên màn ảnh.
Trong đó, cốt truyện cô đọng; ngôn ngữ rất đời, thể hiện được tính cách khác nhau của từng nhân vật. Bối cảnh được nhà văn tả sinh động, chi tiết giúp người làm phim dễ hình dung không gian, thời gian.
"Đặc biệt, nhiều phim từ tiểu thuyết của Hồ Biểu chánh làm 20 năm trước nhưng 20 năm sau xem vẫn thấy thời sự, đúng với đời sống xã hội", đạo diễn Xum nói.
Là một trong những nhà tiểu thuyết tiên phong của Việt Nam đầu thế kỷ 20, Hồ Biểu Chánh đã đóng góp cho văn học dân tộc trên 70 tác phẩm.
Ông là tác giả lớn của văn chương miền Nam, người mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam giai đoạn 1913-1932.
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là bức tranh trung thực về xã hội miền Nam đương thời, trong đó đủ loại nhân vật, nhìn thấy đủ mọi quang cảnh, tập tục, lề thói cũng như sự sinh hoạt từ thành thị đến nông thôn, hình ảnh xã hội và đặc điểm ngôn ngữ miền Nam trước đây
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum được biết đến là người có nhiều tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Một số phim đã thực hiện như Ngọn cỏ gió đùa, Hai khối tình, Con nhà nghèo, Lòng dạ đàn bà, Tơ đồng vương vấn, Gieo nhân…
Nói về cuốn sách "Chân dung của nhà văn Hồ Biểu Chánh", tiến sĩ Nguyễn Nam - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, hiện nay bất kỳ ai cần viết bài hay làm khảo cứu về nhà văn Hồ Biểu Chánh đều đọc qua cuốn sách này.
Sách "Chân dung Hồ Biểu Chánh" của tác giả Nguyễn Khuê được phát hành năm 1974, sau đó tái bản vào năm 1998 và đến 2024, sách được tái bản lần 2.
Đây là tác phẩm khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Hồ Biểu Chánh được nhìn ở nhiều góc độ nên khi tái bản, cuốn sách là nguồn tư liệu quý với bạn đọc thế hệ sau.
Tác giả Nguyễn Khuê sinh năm 1935 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông từng là Giảng sư trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Giảng sư thỉnh giảng trường Đại học Văn Khoa Cần Thơ, Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn; Giảng viên bộ môn Hán Nôm, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM; trưởng bộ môn Hán Nôm, khoa Ngữ văn và Báo chí (nay là khoa Văn học), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM.