#Metoo, một chiếc hashtag làm rung chuyển xã hội Hàn Quốc đặc biệt trong lĩnh vực giải trí nay tiếp tục được lan truyền mạnh mẽ sau hàng loạt bê bối chấn động liên quan đến bạo lực tình dục và quấy rối tình dục của nhiều thần tượng xứ Hàn.
Trong bối cảnh người người sục sôi muốn phanh phui toàn bộ danh tính và tội trạng của loạt bê bối hiện tại cũng như vụ án chấn động trong quá khứ, cùng nhìn xem phim ảnh của chính đất nước này đã phản ánh vấn nạn này ra sao qua 6 trong số những phim ít ỏi đề cập trực tiếp đến bạo lực và quấy rối tình dục trong xã hội hiện đại.
1. Hope - Hành trình tìm lại hy vọng đẫm nước mắt
Hope (Hy Vọng) là phim điện ảnh dựa trên vụ án Nayoung gây rúng động ở Hàn Quốc năm 2008. Chuyện phim tái hiện quá trình phục hồi sau chấn thương bị lạm dụng tình dục của bé gái tám tuổi tên So Won (Lee Re).
Trên đường đi bộ đến trường một mình, So Won gặp phải một kẻ say rượu và bị ông ta cưỡng hiếp, bạo hành tình dục rồi bỏ lại. Từ đó, cô bé sợ hãi đàn ông và thế giới, mà đau lòng nhất là sợ cả bố mình, trở nên hoảng loạn mỗi khi ông đến gần.
Hành trình bố mẹ So Won cùng em đương đầu với tổn thương là một chặng đường dài đầy nước mắt, nhưng "hy vọng" vẫn cháy mãi trong lòng những con người khát khao hạnh phúc.
Trong số các tác phẩm thẳng thắn đề cập đến ấu dâm, Hope chứa những thước phim tinh tế nhất trong việc tái hiện nỗi đau vượt ngoài khuôn khổ diễn tả bằng lời.
Bộ phim bóc tách những nỗi đau chân thật nhất của một gia đình không may mắn, khắc họa hành trình bị bủa vây rồi đương đầu với thương tổn của một đứa trẻ tám tuổi dưới lăng kính nhân văn và cảm động.
Hope khiến người xem phải tự ngẫm về nỗi đau dai dẳng của những trẻ em, nhất là trẻ em nữ, không may trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục.
Thật may mắn họ đã không bỏ cuộc trên con đường kiếm tìm "hy vọng".
2. Silenced - Bạo lực tình dục lên đến tột cùng ghê sợ
Nhắc đến chủ đề bạo lực tình dục, không thể bỏ qua Silenced (Buộc Phải Im Lặng), tác phẩm dựa trên chuyện thật về những bê bối tại trường Gwangju Inhwa vào những năm 2000.
Nhân vật chính là thầy giáo mỹ thuật In Ho (Gong Yoo) sau khi đến dạy ở trường Mujin dành cho trẻ câm điếc đã phát hiện ra sự thật về những vụ lạm dụng tình dục ghê tởm trong trường.
Những đứa trẻ khuyết tật trở thành nạn nhân của gã hiệu trưởng đồi bại, nhân viên trong trường thờ ơ, và sự suy đồi lan đến cả chính quyền khi thanh tra cảnh sát có dính díu còn sở công tố, sở giáo dục cũng lộ ra nhiều góc tối. Không thể làm ngơ, In Ho quyết định cùng Yoo Jin (Jung Yu Mi) đưa sự việc ra ánh sáng.
Silenced được đánh giá là đã bóc trần đúng bản chất xã hội hiện đại Hàn Quốc, nơi nữ sinh vị thành niên và phụ nữ khuyết tật dễ dàng trở thành đối tượng bị tấn công và lạm dụng tình dục.
Bộ phim thu hút lượng lớn khán giả, gây ấn tượng mạnh cho tổng thống Lee Myung Baek - một trong những người đầu tiên lên tiếng kêu gọi thay đổi luật pháp và thể chế, các thẩm phán, công tố viên cũng như nhiều nhà xã hội học. Bạo lực tình dục trong Silenced đã đạt đến ngưỡng giới hạn của "nhân tính".
Chà đạp lên hạnh phúc, danh dự, tương lai của trẻ em khuyết tật đã là tội lỗi không cách nào tha thứ.
Điểm đáng nói ở Silenced, chính là việc lột tả "sự câm lặng". Phẫn nộ với những kẻ đồi bại và nhẫn tâm đã đành, khán giả càng bức bối khi thấy sự im lặng của xã hội sau khi vụ việc được phanh phui.
Đây mới là điểm cốt tử, rằng dư luận và xã hội nhiều lúc đã bóp nghẹt cái gọi là hy vọng vào công lý của các nạn nhân. Khán giả bức bối và phẫn nộ, nhưng nhìn vào thực tế mới thấy, đó chính là cái đang diễn ra, rằng rất nhiều rất nhiều vụ việc đã bị vùi dập không thương tiếc trong sự đau xót của nạn nhân vì cách dư luận phản ứng.
Những đứa trẻ trong Silenced, tuy khiếm khuyết nhưng rất dũng cảm, chúng đã có dũng khí đứng lên ra tòa, làm nhân chứng, tìm kiếm giúp đỡ, để tìm lại công bằng cho bản thân.
Thế nhưng ở đời thât, có bao nhiêu người như In Ho, có bao nhiêu đứa trẻ dũng cảm như những nhân vật trong Silenced, hay công bằng của các nạn nhân bạo lực tình dục sẽ mãi mãi khuất chìm dù người ta biết nó vẫn ở đó
Đáng ngẫm hơn, trên thực tế sẽ có bao nhiêu người dám đứng lên liều mình vì những đứa trẻ?!
3. Witch at Court - Khi kẻ tội đồ là "tai to mặt lớn"
Witch at Court (Tòa Án Của Ma Nữ) là một bộ phim truyền hình hiếm hoi đề cập trực tiếp và dày đặc những vấn đề liên quan đến bạo lực tình dục và quấy rối tình dục trên rất nhiều phương diện.
Nhân vật chính của phim là nữ công tố Ma Yi Deum (Jung Ryeo Won) đã phải lớn lên trong cô độc vì mẹ cô đột nhiên mất tích. Về sau, Yi Deum phát hiện ra mẹ mình bị hãm hại bởi Choi Gap Soo (Jun Kwang Ryul), một cựu cảnh sát đã có hành vi bạo lực tình dục các công nhân nữ của nhà máy và được trắng án nhờ những thủ đoạn đen tối.
Mẹ Yi Deum, nạn nhân duy nhất còn đủ tỉnh táo và dũng cảm muốn nói lên sự thật đã bị Gap Soo bắt được trên đường đến gặp công tố viên.
Đáng sợ hơn, Choi Gap Soo sau khi rời ngành cảnh sát đã lợi dụng quan hệ vừa kinh doanh vừa trở thành chính trị gia và cuối cùng là bước lên vị trí thị trưởng bằng những thủ đoạn nhơ nhuốc.
Gã đã nhúng tay vào hàng loạt tội ác khó tưởng tượng nổi, từ bạo lực tình dục đến giết người bất thành, ăn hối lộ, làm ăn phi pháp, và nhất là trao đổi lợi ích bằng phụ nữ. Gã thị trưởng có hẳn một "sào huyệt" nơi các quan chức đến hưởng thụ và bàn chuyện lợi ích.
Xuyên suốt hành trình Ma Yi Deum đi tìm công lý cho mẹ mình, nữ công tố gặp rất nhiều vụ án đều liên quan đến phụ nữ. Đó có thể là quấy rối tình dục, chuyện mà chính bản thân cô cũng bị, là bị gắn camera ẩn quay cảnh nhạy cảm và đỉnh điểm là bị bạo lực tình dục rồi sát hại vứt xác.
Witch at Court chú trọng phản ánh nhiều khía cạnh của nỗi đau mà những phụ nữ phải gánh chịu, từ cảm giác bất lực không dám nói vì sợ điều tiếng đến sự cam chịu uất ức trước cường quyền và nặng hơn là tuyệt vọng phải tự sát.
Đến cuối cùng, dù kẻ thủ ác lần lượt đền tội, nhưng những mất mát mà những cô gái vô tội đã chịu, không cách nào bù đắp được.
Và đỉnh điểm là bóc trần thói trác táng nhẫn tâm của các thiếu gia khi sẵn sàng đánh đập và thậm chí giết hại phụ nữ.
4. Live - Nỗi đau của những đứa trẻ quyết định im lặng
Năm 2018, Live (Cuộc Sống) của đài tvN được đánh giá là một trong những phim hay nhất bởi thẳng thừng lột tả nhiều mặt tối của xã hội Hàn Quốc.
Câu chuyện xoay quanh những cảnh sát đồn Hongil trong guồng quay hằng hà sa số những vụ án mỗi ngày. Đáng chú ý, đội gặp phải một vụ hai chị em nữ sinh cùng bị cưỡng hiếp nhưng gia đình không muốn tố cáo, không hợp tác điều tra.
Hai đứa trẻ mất phương hướng, không muốn nói ra, lại không chịu uống thuốc tránh thai cảnh sát đưa vì sợ. Là nữ chính Jung Oh (Jung Yu Mi) đã thuyết phục được hai cô bé, bởi bản thân cô cũng là nạn nhân của bạo lực tình dục thời nữ sinh nhưng chưa từng dám tiết lộ với ai.
Live đã mang đến một khía cạnh đáng suy ngẫm trong vấn đề nhạy cảm này. Thực tế rất nhiều người đã từng bị bạo lực tình dục, nhưng phần lớn trong số đó sẽ chọn cách im lặng.
Có nhiều người không muốn nói ra và hẳn nhiên không muốn nhắc lại, điều họ mong mỏi duy nhất là có thể cất chuyện đó đi và mạnh mẽ trưởng thành. Tuy rằng như vậy khó có thể bắt được kẻ thủ ác, nhưng quyết định và tương lai của nạn nhân thật sự là vấn đề buộc chúng ta phải coi trọng.
Có những người đã quyết định im lặng mà sống tiếp.
5. Marionette - Khi nạn nhân trở thành mồi ngon của bạo lực mạng
Nhiều năm sau, Min Ah thay tên đổi họ và trở thành giáo viên với cái tên Seo Rin (Lee Yoo Young). Nhưng trớ trêu thay, một gã đàn ông gửi cô những bức hình chụp nhạy cảm và đe dọa cô tuân lệnh nếu không muốn cơn ác mộng năm xưa tái diễn.
Đáng nói chính là, nhân vật nữ chịu đựng rất nhiều khổ ải trong đơn độc. Thời trung học dư luận đã quay lưng với cô dù cô là nạn nhân, cô lớn lên trong mặc cảm và không hé một lời về quá khứ của mình, đến lúc trưởng thành cô vẫn phải tiếp tục chịu đựng.
Marionette phản ánh nghịch lý ở đời khi xã hội râm ran đòi nữ quyền nhưng số đông lại sẵn sàng nhục mạ một cô gái bị phát tán hình ảnh riêng tư và biến họ thành "nạn nhân kép" của cả bạo lực tình dục và bạo lực ngôn từ.
Seo Rin từ thời trung học đến lúc trưởng thành không khác gì một "con rối" dưới bàn tay của "bạo lực".
6. Don’t Cry, Mommy - Khi lằn ranh giữa mưu cầu công lý và hận thù mù quáng bị xóa nhòa
Phim điện ảnh Don’t Cry, Mommy (Mẹ Ơi Đừng Khóc) ra mắt năm 2012 kể về người mẹ Yoo Rim (Yoo Sun) sống cùng con gái Eun Ah (Nam Bo Ra) sau li hôn.
Ở trường mới, Eun Ah cảm mến cậu bạn cùng lớp Jo Han (Shin Dong Ho) nhưng không ngờ có ngày lại bị chính Jo Han và lũ bạn cưỡng hiếp rồi dọa tung clip lên mạng. Không thể chịu đựng, Eun Ah đã tự sát. Do thủ phạm vẫn còn dưới tuổi chịu trách nhiệm, pháp luật không thể áp khung hình phạt cao nhất và cứ thế những kẻ phạm tội lại tiếp tục an hưởng cuộc sống.
Người mẹ mất con Yoo Rim đã quyết định tự mình trả thù bằng cách biến cuộc sống của đám nam sinh thành địa ngục. Tuy nhiên hành động trả thù càng lúc càng man rợ và dần tiến đến ranh giới của sự điên cuồng.
Don’t Cry, Mommy là lời cảnh tỉnh đanh thép về hậu quả của bạo lực tình dục lên nạn nhân, gia đình và chính kẻ thủ ác. Phim đặt ra vấn đề nan giải về lằn ranh giữa mưu cầu công lý và hận thù điên cuồng khi con người tự đòi thực thi "công lý" mà pháp luật chưa thỏa mãn được.
"Phim ảnh không bao giờ theo kịp thực tế". Nhìn vào tình hình hỗn loạn những ngày qua, nổi bật là việc vụ án của cố nữ diễn viên Jang Ja Yeon đang có nguy cơ bị vùi lấp một lần nữa cũng như loạt bê bối chấn động của hàng loạt nam thần tượng, ta mới thấm thía rằng phim ảnh Hàn Quốc chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ của nạn bạo lực tình dục và quấy rối tình dục trong thực tế.
Hy vọng những bộ phim kể trên và nhiều tác phẩm tương lai có thể đưa đến khán giả nhiều khía cạnh hơn của vấn đề, góp phần phản ánh và lên án vấn nạn nhức nhối đã và đang tồn tại nhan nhản trong xã hội hiện đại.