Chuyên gia lo ngại tình cảnh này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giáo dục tại Philippines.
Liên Hợp Quốc cho biết, gần như mọi quốc gia trên thế giới đã tái mở cửa một phần hoặc toàn bộ trường học. Tuy nhiên, Philippines vẫn đóng cửa trường học từ khi bắt đầu dịch Covid-19.
Tổng thống Rodrigo Duterte đến nay vẫn bác bỏ đề xuất thí điểm tái mở cửa trường tiểu học, trung học vì lo ngại trẻ em nhiễm Covid-19 và lây lan cho người thân.
Kylie Larrobis, 7 tuổi, sống ở khu ổ chuột tại Manila, cho biết, suốt một năm học trực tuyến, em vẫn chưa biết đọc. “Cháu muốn đi học. Cháu không biết một lớp học trông như thế nào vì cháu chưa bao giờ đến trường”, em Kylie cho hay.
Chị Jessielyn Genel, mẹ của Larrobis, từng phản đối việc học trực tiếp nhưng đến nay cũng phải thừa nhận tình trạng học trực tuyến là không tốt. Theo dõi bài giảng qua điện thoại di động của mẹ, Larrobis nhiều lần bật khóc vì không hiểu nội dung giáo viên giảng. Em cũng cảm thấy bí bách vì bị cấm ra ngoài chơi.
Trước đó, vào tháng 10/2020, Philippines đã xây dựng chương trình học tập kết hợp gồm tổ chức học trực tuyến, in tài liệu bản cứng và phát sóng bài học trên truyền hình, mạng xã hội. Tuy nhiên, chương trình này phải đối mặt với nhiều rào cản. Trong đó, đặc biệt phải kể đến hầu hết học sinh Philippines không có máy tính hoặc Internet tại nhà.
Ông Isy Faingold, Giám đốc Phụ trách Giáo dục tại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Philippines, cho biết, hơn 80% phụ huynh lo lắng con cái học kém đi. Khoảng 2/3 trong số họ ủng hộ tái mở cửa trường học ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp.
“Học từ xa không thể thay thế học trực tiếp. Trước Covid-19, Philippines đã hứng chịu một cuộc khủng hoảng học tập. Nó thậm chí sẽ diễn ra tồi tệ hơn”, ông Faingold bày tỏ.
Hầu hết, học sinh Philippines đang theo học các trường công lập, nơi sĩ số đông, phương pháp giảng dạy lạc hậu. Các trường thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng như nhà vệ sinh.
Nghèo đói cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh nước này tụt hậu. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thanh thiếu niên 15 tuổi tại Philippines đạt điểm thi Đọc, Toán và Khoa học gần cuối danh sách các nước OECD.
Khi Covid-19 bùng phát, tỷ lệ trẻ em nhập học giảm. Trong năm học 2020, số lượng đăng ký giảm còn 26,9 triệu em. Sang năm học 2021 - 2022, con số này chỉ còn gần 22 triệu.
Giáo sư Mercedes Arzadon, làm việc tại Trường Đại học Philippines, đánh giá đóng cửa trường học là hành động “nực cười” trong khi nhiều nước khác như Indonesia, bị Covid-19 tàn phá nặng nề, có thể tái mở cửa trường học an toàn.
“Tương lai và hạnh phúc của người trẻ đang rơi vào tình thế bấp bênh. Kéo theo đó, sự phát triển của đất nước cũng lâm nguy”, Giáo sư Arzadon bày tỏ.
Các chuyên gia giáo dục đề xuất kịch bản lạc quan rằng, trường học tại Philippines có thể tái mở cửa vào năm tới. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch tiêm chủng vắc-xin quốc gia. Ước tính, hiện chỉ khoảng 20% người dân Philippines tiêm 2 mũi trong khi trẻ em chưa được phép tiêm chủng.