Chỉ tính riêng số lượng trẻ em chậm tăng trưởng ở đây đã là 3 triệu, trong đó có đến 618.000 em thuộc diện gày còi (theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới).
“Sao phải tốn tiền tiêm vắc-xin Covid-19, tôi thà mua thức ăn để lũ trẻ được no thêm vài bữa”, một phụ huynh bộc bạch.
7,5% trẻ em chậm tăng trưởng
Philippines có diện tích 300.000 km2 và dân số khoảng 108 triệu người. Từ lâu, họ luôn nằm trong diện quốc gia nghèo. Theo báo cáo vào cuối năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), có đến 1/4 dân số Philippines vẫn sống trong hoàn cảnh nghèo, thu nhập chỉ dưới 3 USD/người/ngày (tương đương 70.000 đồng).
Báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) vào tháng 3/2020 chỉ ra, Philippines có 3 triệu trẻ em chậm tăng trưởng. Các bé này chiếm 7,5% trong tổng số 40 triệu trẻ em trong nước. Chưa hết, số trẻ em chậm tăng trưởng nghiêm trọng, bị xếp vào diện thấp còi (618.000 bé, chiếm 22,7%). Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới.
Ngày 29/3/2021, vì chống Covid-19, chính phủ Philippines hạ lệnh phong tỏa Thủ đô Manila cùng 4 khu vực phụ cận. Khoảng 28 triệu dân, trong đó có gần 60.000 người ở Khu phức hợp Baseco bị hạn chế đi lại.
Baseco là một trong các “khu ổ chuột” nghèo nhất ở Philippines. 6 vạn dân nơi đây sống dựa vào buôn bán, làm thuê xung quanh bến tàu và đánh bắt cá. Lệnh phong tỏa khiến các hoạt động kinh tế phải tạm dừng, cấm người dân ra khơi.
“Không được bắt cá thì chúng tôi cũng chẳng có gì để mà ăn”, Nadja de Vera – một cư dân địa phương than thở. “Tôi không biết phải làm gì để kiếm ra tiền và lấy gì cho các con ăn”, Mona Liza Vito – một bà mẹ ở Basecocho biết.
Trước Covid-19, Vito nhận bóc tỏi thuê. Chị chỉ kiếm được 2 USD/ngày (khoảng 46.000 đồng). Chồng Vito thì làm công nhân xây dựng. Nhờ cả 2 vợ chồng cùng nỗ lực, cuộc sống không đến nỗi quá khó khăn.
Hiện chồng chị không thể đi làm vì thiếu việc. Vito cũng mất chân bóc tỏi, phải vật lộn kiếm từng bữa ăn mỗi ngày. “Có nhiều buổi tối, trong nhà chẳng còn bất cứ thứ gì có thể cho vào miệng. Chúng tôi chỉ đành nhịn đói mà đi ngủ”, chị kể tiếp.
Một bữa mỗi ngày
Mặc dù số ca phát hiện bị nhiễm SARS- CoV- 2 đã giảm từ đỉnh 10.000/ngày xuống 5.000/ngày, Philippines vẫn phải tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm. Những hoàn cảnh như Vito ở Baseco ngày càng nhiều. “Chúng tôi buộc lòng phải dựng các bếp chung, thu thập và phân phát thức ăn cứu đói”, Vera lên tiếng.
Bếp chung ở Baseco không do chính phủ cấp ngân quỹ, mà nhờ chính người dân ở đây tự động đóng góp. Với phương châm “lá lành đùm lá rách”, mọi người kêu gọi nhau quyên góp thực phẩm. Họ đề ra phương châm: “Hãy cho đi những gì có thể”.
Mỗi ngày, mọi người lại đem rau, gạo, muối, đường… tập trung vào bếp chung. Buổi sáng, nhóm phụ trách quản lý bếp chung phân chia, phát đều chúng cho những ai xếp hàng chờ nhận. Mỗi phần phân chia đủ chỉ để nấu 1 bữa. “Nhiều người ở đây đang ăn có 1 bữa 1 ngày”, Vera đau lòng.
Hiện Philippinescó chính sách phân phát thực phẩm cứu đói và một khoản tiền mặt cho người nghèo chống dịch. Mỗi cư dân dưới nghèo như Vito được nhận trợ cấp 4.000 peso (tương đương 1,8 triệu đồng). “Tôi vô cùng biết ơn, nhưng khoản tiền này chưa đủ để gia đình tôi sống sót”, Vito chia sẻ. “Tôi vẫn phải nương nhờ vào các bếp từ thiện, xin gạo và rau”.
Lưỡng lự trước vắc-xin
Tính đến cuối tháng 5/2021, số người hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở Philippines vẫn chưa tới 1% dân số. Tổ chức Social Weather Stations (SWS) tiến hành khảo sát nguyện vọng tiêm phòng Covid-19 trên 1.200 người và nhận được kết quả đáng buồn: 68% trả lời không muốn và không chắc sẽ tiêm.
Đối với vắc-xin phòng chống Covid-19, Philippines triển khai tiêm phòng từ ngày 19/3 vừa qua. Tuy nhiên, tiến độ tiêm rất chậm, giới hạn trong phạm vi người chăm sóc sức khỏe, người cao tuổi và người mắc Covid-19.
Trung tuần tháng 5/2021, chính phủ Philippines nhập 8,2 triệu liệu vắc-xin Covid-19. Tính đến cuối tháng, họ mới tiêm được 4 triệu liều, đa số đều là lần 1.
Nghiêm trọng hơn, lo ngại tác dụng phụ không phải nguyên nhân chính trì trệ tiến độ tiêm vắc-xin. Cũng theo SWS, 31% các hộ gia đình Philippines thuộc diện nghèo, trong đó có tới 8,7% dưới nghèo.
Tại Baseco hiện giờ, mọi người phải tằn tiện từ ngụm nước trở đi. Nhiều nhà túng đến nỗi cắt Internet, vì phí truy cập 19 USD/tháng (khoảng 440.000 đồng), khiến con cái không thể học trực tuyến.
“Tôi thà để tiền tiêm vắc-xin mua đồ ăn sáng cho mấy đứa con”, Vito vừa đi vừa trả lời phỏng vấn. Chị mới từ bếp chung bước ra, trên tay là chút đậu xanh, gạo và ít rau. Đối với những người Philippines nghèo, nỗi lo về Covid-19 xếp sau cái đói.