Luật sư: Cần làm rõ ai chỉ đạo ghi thêm vào cuốn sổ phân công sau sự cố chạy thận
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đã chia sẻ về lời khai bất ngờ việc ghi thêm phân công nhiệm vụ cho BS Lương sau khi xảy ra sự cố chạy thận trong phiên xét xử chiều 21/5.
Theo luật sư Chiến, lời khai của bị cáo Công hoàn toàn có lợi cho bị cáo Lương. "Diễn biến của phiên toà trong ngày qua, đặc biệt là lời khai của điều dưỡng Đinh Tiến Công trong chiều 21/5 không nằm ngoài suy nghĩ của chúng tôi.
Sự việc này ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ chúng tôi đã biết sự thật là như thế nào, chứng cứ ra sao, mâu thuẫn, phản ánh sự thật không khách quan. Trong kế hoạch thẩm vấn chúng tôi cũng đã lên phương án và từng người có liên quan, từng nhân chứng một để làm sáng tỏ từng tình tình tiết một. Những ngày xét xử trước sự việc này đã được thẩm vấn và đã được sáng tỏ rồi”, luật sư Chiến nói.
Theo luật sư Chiến, thông qua những người làm chứng khai trên cơ sở sổ ghi chép biên bản thì họ không chứng kiến việc phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên chạy thận nhân tạo. Chính vì vậy đã làm sáng tỏ nội dung sổ biên bản đó là ở đâu ra? Rõ ràng cuối cùng thẩm vấn người thư ký ghi quyển sổ là ông Công xác định cuộc họp không có nội dung phân công giao nhiệm vụ cho bác sĩ Lương phụ trách.
"Lời khai của điều dưỡng Công chiều 21/5 phù hợp với các nhân chứng, điều dưỡng là người trong khoa Hồi sức cấp cứu đặc biệt tại đơn nguyên chạy thận nhân tạo rằng họ chỉ tham dự cuộc họp về bình xét cuối năm chứ không có nội dung phân công nhiệm vụ. Lời khai của điều dưỡng Công phù hợp với thực tế vì xem xét bút tích trong cuốn sổ rõ ràng thấy có hai sự khác biệt, như vậy có lợi cho bị cáo Lương", luật sư Chiến phân tích.
Trước đó, trong suốt những ngày qua, nội dung được xét hỏi nhiều nhất là có liên quan đến cuốn sổ ghi lại biên bản họp cuối năm của khoa Hồi sức tích cực (HSTC) có nhiều điểm chưa rõ ràng. Đây được xem là chứng cứ quan trọng để xác định trách nhiệm của bị báo, bác sĩ Hoàng Công Lương.
Đáng chú ý, cuối giờ chiều 21/5, phiên tòa bắt đầu nóng lên khi điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực Đinh Tiến Công đột ngột thay đổi lời khai. Ông Công là người phụ trách ghi biên bản 2 cuộc họp cuối năm 2015 và 2016 của khoa Hồi sức tích cực, trong đó có nội dung phân công nhiệm vụ cho BS Hoàng Công Lương.
Cuốn sổ được xem là một trong những chứng cứ quan trọng để xác định trách nhiệm của BS Lương. Khi HĐXX vừa gọi lên bục khai báo, ông Công đã thừa nhận có những lời khai chưa chính xác những ngày qua và cho biết, nội dung công nhiệm vụ cụ thể trong cuốn sổ họp giao ban được ghi thêm sau sự cố chạy thận.
Khi nghe thông tin này, nhiều người dân xem xét xử đồng loạt vỗ tay và cho rằng “như thế thì bác sĩ Lương vô tội rồi”.
Ông Công khai rằng sở dĩ viết thêm nội dung này vì được chỉ đạo của lãnh đạo khoa là BS Khiếu và phó khoa Hoàng Công Tình với mục đích hoàn thiện thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn, ngoài ra không có mục đích gì khác.
Công ty ký hợp đồng với BV về sửa chữa hệ thống lọc RO
Cũng tại phiên tòa sáng nay, chủ tọa hỏi về trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn là Công ty ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc RO, sau đó chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh để Bùi Anh Quốc thực hiện việc xử lý nước dẫn đến hậu quả 9 người tử vong trong vụ án chạy thận xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (đại diện theo ủy quyền của công ty này) cho biết, hợp đồng sửa chữa giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn là hợp đồng trọn gói. Trước đó Công ty Thiên Sơn đã tiến hành khảo sát tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình từ cuối 2016. Đầu năm 2017, Công ty Thiên Sơn báo giá đề xuất thay thế, sửa chữa một số hạng mục sửa chữa hệ thống chạy thận. BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đưa ra phương án: Thay cát sỏi, tẩy màng, xét nghiệm toàn bộ hệ thống trước khi đưa vào sử dụng…
Sau đó, Công ty Thiên Sơn gửi báo giá cho Trần Văn Sơn, Phòng Vật tư – thiết bị (BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) báo giá, thương thảo ký kết hợp đồng. Sau đó, hợp đồng được ký kết.
Bà Hương nói thêm, ngay sau khi sự việc xảy ra, công ty Thiên Sơn đã nhanh chóng xuống bệnh viện để hỗ trợ xử lý vụ việc, kịp thời hỗ trợ các nạn nhân trong vụ án. "Công ty Thiên Sơn đã bàn bạc với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân tổng số tiền 370 triệu đồng. Tuy nhiên, do không đạt được thỏa thuận với Bệnh viện nên số tiền 370 triệu đồng đã được nộp vào tài khoản cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình", bà Hương thông tin.
Về vấn đề này, bà Hương khẳng định, hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh được ký vào tối 25/5/2017 (4 ngày trước khi xảy ra sự cố).
Trong khi đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) vẫn khẳng định hợp đồng được ký vào tối 29/5 sau khi xảy ra sự cố chết người để hợp thức hóa thủ tục.
Bà Hương nhấn mạnh: "Công ty Thiên Sơn không chấp nhận bất cứ yêu cầu bồi thường nào mà chỉ tự nguyện hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân khi sự việc xảy ra", bà Hương nói. Theo bà Hương, công ty Thiên Sơn chính là công ty ký hợp đồng với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình về hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc RO. Sau đó "bán thầu" cho công ty Trâm Anh để Bùi Anh Quốc thực hiện việc xử lý nước, dẫn đến hậu quả 9 bệnh nhân tử vong do chạy thận.