Phiên bản mới của vở kịch kinh điển Hedda Gabler

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 30/9, Nhà hát Tuổi trẻ chính thức ra mắt công chúng yêu nghệ thuật vở kịch kinh điển Hedda Gabler.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama và các diễn viên tái hiện vở kịch.
Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama và các diễn viên tái hiện vở kịch.

Đây là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của kịch tác gia Na Uy lừng danh Henrik Ibsen. Vở kịch được dàn dựng bởi Tsuyoshi Sugiyama - một trong những đạo diễn tài năng của sân khấu Nhật Bản đương đại.

Tái hiện vở kịch 130 tuổi

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - cho biết, vở kịch kinh điển Hedda Gabler ra mắt khán giả vào 20 giờ ngày 30/9, tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), sau một thời gian dài dàn dựng và tập luyện kỹ lưỡng.

“Mặc dù Hedda Gabler đã từng được dàn dựng tại Việt Nam, nhưng với sự hợp tác cùng đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama lần này, Nhà hát Tuổi trẻ muốn mang đến cho khán giả Việt Nam - đặc biệt là các bạn trẻ một phiên bản hoàn toàn mới của vở kịch với những thông điệp chưa bao giờ cũ.

Đồng thời, chúng tôi cũng có tham vọng sẽ mang Hedda Gabler tham dự “Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế” lần thứ V vào tháng 11/2022. Đây là cơ hội quý báu để các nghệ sĩ trẻ được tiếp cận với tác phẩm văn học nổi tiếng của Na Uy, được làm việc và học hỏi cùng với đạo diễn tài ba của Nhật Bản”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho hay.

Vở diễn với sự tham gia của các diễn viên tài năng và hai kíp diễn: Lương Thu Trang, Hương Thủy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Chí Huy, Duy Anh, Lệ Quyên, Anh Thơ, Anh Tú, Mạnh Đạt, Thanh Tú.

Trong số những nhà viết kịch có sức ảnh hưởng lớn với những tác phẩm được trình diễn nhiều và lâu dài nhất trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua - sau William Shakespeare chính là Henrik Ibsen – cha đẻ của kịch hiện thực, một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa hiện đại của sân khấu kịch.

Hedda Gabler được viết vào năm 1890 khi Henrik Ibsen 62 tuổi, và trở thành tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Câu chuyện kể về Hedda Gabler kết hôn với một học giả tên là Jørgen Tesman, nhưng cô vẫn tiếp tục sử dụng tên thời con gái của mình.

Vở kịch làm sáng tỏ những vấn đề chung của phụ nữ trong một xã hội do nam giới xây dựng. Hedda phải chịu sự sắp đặt của cuộc sống đời thường, trong khi bản thân luôn mong muốn vượt qua với những vấn đề không dễ giải quyết.

Không chỉ được ghi nhận như một tác phẩm sân khấu kinh điển, sức hút xuyên thời gian của Hedda Gabler còn thể hiện ở những giá trị chân chính, mẫu mực có thể tìm thấy trong bất kỳ thời đại nào, dù chuyện kịch chỉ xoay quanh đề tài về hôn nhân gia đình.

Sự yêu thương, trăn trở, cay đắng và cả sự trống rỗng trong tâm hồn con người vào những thời điểm cam go trong đời sống hôn nhân. Nhân vật chính của vở kịch, mặc dù mong muốn vượt ra khỏi những rào cản mặc định nhưng cô không thể và sau đó rơi vào bế tắc.

Đến một quãng nào đó trong cuộc đời, hầu hết con người đều trải qua dư âm của dĩ vãng và trong đó có thể những điều ấp ủ nào đó đã không trở thành hiện thực, như một đứa con mà không bao giờ được sinh ra. Vậy làm thế nào để cuộc sống tươi đẹp trở lại? Cùng với những khát khao cháy bỏng của tương lai mà bên cạnh luôn tiềm ẩn những điều ngược lại.

Thông điệp gửi tới người trẻ

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho biết, vở diễn được đầu tư bài bản từ thiết kế mỹ thuật sân khấu đến phục trang, âm nhạc, ánh sáng. Trong đêm diễn, các nghệ sĩ sẽ không sử dụng micro, khán giả có thể thấy chất giọng và nội lực thật của các diễn viên.

Vở diễn mang đến vẻ đẹp trong văn chương và trong tâm hồn của mỗi nhân vật. Lắng nghe những gì họ đã trải qua để thấy cuộc sống cần thật nhiều những lối thoát, để rồi chúng ta sẽ cảm thông với nàng Hedda Gabler, hay trách móc? Nàng sẽ đi đâu, và nàng là ai trong đời sống hôm nay?

Đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama đã dành nhiều kinh nghiệm, trăn trở và cả tâm huyết của mình cho nàng Hedda.

Sau thành công của “Cậu Vanya”, đạo diễn cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa để chinh phục khán giả Việt Nam và những người nước ngoài đang sống tại Hà Nội cho một tác phẩm mang quy chuẩn, vóc dáng quốc tế.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho biết: “Chúng ta ai cũng một lần trong đời từng ở trong tình trạng hay tâm trạng như rơi xuống vực sâu. Và đó không phải là một nơi có thể dễ dàng thoát ra mà chỉ khiến cho ta thấy ngột ngạt, chán nản, cô đơn, tuyệt vọng, bức bối.

Các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện này đều là những con người bị rơi xuống vực thẳm bởi muôn vàn lý do. Có những người thỏa hiệp một cách vô thức, và khi nhận ra thì đã thấy mình nằm dưới đáy vực; cũng có những người bị đẩy xuống bởi những định kiến xã hội”.

Vở kịch tái hiện cách mà họ chiến đấu với nỗ lực thoát khỏi vực thẳm. Thông qua cuộc chiến này, chính người xem sẽ nhận ra điều gì là quan trọng với cuộc đời mỗi người. Chúng ta sống vì điều gì và muốn trở thành ai?

Trong bất cứ trận chiến nào, thứ cần nhất là ý chí mạnh mẽ. Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama nói rằng, ông thích câu thành ngữ “biết cỏ sắc qua gió lốc” gần nghĩa với “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Nghĩa của câu là ta chỉ có thể biết được ngọn cỏ có vững hay không khi có trận gió mạnh thổi qua - chỉ khi đối diện với khó khăn mới hiểu được ý chí mạnh mẽ và chân giá trị của con người.

“Tôi cảm nhận được ý chí và khát khao mãnh liệt kiên định với phẩm giá và tự tôn của mình từ các nhân vật trong câu chuyện. Chúng tôi mong rằng, tác phẩm sẽ là cơ hội để khán giả Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ trong khoảng từ 20 – 30 tuổi gặp gỡ được với những điều mới mẻ ngỡ như đã từng ngủ vùi từ sâu thẳm bên trong mình”, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ngộ độc từ bánh mì

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.