Còn các nhà báo chuyên nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt với những người đưa tin không chuyên, không cần lương và cũng không cần nhuận bút. Họ chỉ cần thỏa mãn nhu cầu thu hút được sự chú ý của công chúng. Cho đến những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, nghề báo còn thảm hại hơn nữa.
Cuộc “di dời” mang tính lịch sử
Với sự cạnh tranh của báo điện tử và các trang mạng xã hội, các trang web cá nhân mà bất cứ ai cũng có thể tạo ra và nuôi bằng thông tin hàng ngày, các báo giấy, thậm chí cả tạp chí chuyên ngành cũng lao đao.
Cùng với việc lượng bạn đọc sụt giảm thì dĩ nhiên doanh thu từ quảng cáo cũng giảm theo. Giải pháp phổ biến nhất là đóng cửa, sáp nhập, hoặc chuyển sang ấn bản điện tử. Đây được coi là cuộc “di dời” mang tính lịch sử trong ngành báo chí. Và lượng báo giấy phải chuyển đổi thành báo điện tử đã chiếm hơn 30% trên toàn cầu.
Thậm chí tại châu Âu và Mỹ, lượng báo in sụt giảm với tốc độ còn nhanh hơn ở châu Á. Những tờ báo lớn, mạnh, có uy tín và từng có tuổi thọ cao vẫn còn lại, nhưng buộc phải thu hẹp số lượng phát hành, cắt giảm nhân sự, giảm nhuận bút… để tồn tại.
Đây là xu thế chung toàn cầu, đẩy nghề làm báo tụt xuống thành một trong những nghề thảm nhất và dễ dàng bị thay thế, thậm chí có nguy cơ biến mất trong vòng 5 thập kỷ tới.
Trước tình hình này, các nhà báo, phóng viên phải chuyển đổi như thế nào? Cùng với việc báo in đang chết dần, tất nhiên lượng nhà báo, phóng viên đã sụt giảm tới 40% kể từ đầu thập niên tới nay.
Đầu tiên là các phóng viên ảnh bị “trảm” nhanh nhất. Bạn hãy tưởng tượng, với sự phát triển của điện thoại thông minh, bất cứ ai cũng có thể chụp ảnh dễ dàng với một chiếc điện thoại, thì việc một phóng viên viết bài đi kèm với phóng viên ảnh là không cần thiết nữa.
Phóng viên viết bài có thể tự chụp ảnh minh họa cho tin, bài của mình bằng chiếc điện thoại. Và thế là phóng viên ảnh bị loại khỏi cuộc chơi. Những phóng viên ảnh còn đam mê nghề và không muốn, hoặc không thể chuyển sang nghề khác, phải nâng cao tay nghề, thành những nghệ sỹ nhiếp ảnh, để có thể bán tác phẩm ảnh nghệ thuật của mình, hoặc được các công ty thuê chụp ảnh quảng cáo cho sản phẩm của họ.
Nghề báo ngày càng nhiều thách thức
Andras P. một nhà báo chuyên nghiệp người Hungary, từng đoạt một số giải thưởng ảnh báo chí quốc gia, nhưng cũng đã phải chuyển sang chụp ảnh dịch vụ cưới và chân dung nghệ thuật, ảnh quảng cáo. Nicolas C. nhiếp ảnh gia Pháp, chuyển từ việc chụp ảnh báo chí sang chụp ảnh theo hợp đồng cho các tổ chức phi chính phủ và chụp quảng cáo, làm các dự án ảnh xuất bản dạng sách…
Các tòa soạn ở Việt Nam hiện nay cũng cắt giảm phóng viên ảnh ở mức tối đa. Chỉ còn một số tạp chí chuyên về ảnh như: Nhiếp ảnh, các tạp chí về mốt mới, thời trang… có yêu cầu chất lượng ảnh đặc biệt mới có biên chế phóng viên ảnh, nhưng họ buộc các phóng viên ảnh này phải tích hợp khả năng viết bài, nghĩa là tự triển khai các phóng sự ảnh với bài ngắn đi kèm. Hoặc họ thuê người chụp theo hợp đồng vụ việc chứ cũng không nuôi hẳn một ông phóng viên ảnh như xưa nữa.
Còn các phóng viên chuyên viết bài, thậm chí những biên tập viên cứng tay, cũng đang chán nản với thu nhập thấp từ nghề báo, sức cạnh tranh lại càng ngày càng lớn.
Nghiêm Huyền Trang, một biên tập chủ chốt của một tờ báo ngành, mới đây cũng quyết định bỏ nghề báo để kinh doanh. Cô cho biết, thu nhập không chỉ giảm, mà sức ép cùng cách làm việc rất khó khăn từ nghề báo khiến cô đi đến quyết định từ bỏ dù đã gắn bó hai thập kỷ với nghề. Đối với cô, nghề báo là một nghề vô cùng khó, lại vất vả, thậm chí nguy hiểm, nhưng tới nay đã không còn hiệu quả về kinh tế cũng như vị thế trong xã hội.
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp trân trọng nhà báo bao nhiêu, hồ hởi chào đón báo chí, thì nay họ xua báo chí như đuổi tà! Nhà báo đi tác nghiệp không được cơ sở hợp tác, thậm chí nhà báo viết bài điều tra còn bị tấn công đến thương tích như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng của báo Lao Động. Với những cái giá đắt phải trả như thế, mà đồng lương cùng nhuận bút ngày một còm cõi hơn, thì những người tỉnh táo như Huyền Trang sẽ không trụ lại nghề báo nữa.
Không phải nhà báo nào cũng sẵn sàng chấp nhận cách làm việc thay đổi. Một số báo chỉ tuyển các phóng viên kinh tế. Những phóng viên kinh tế này không chỉ viết bài nhanh, lại có khả năng mang về những “dự án”, hợp đồng truyền thông cho tờ báo mình đang làm việc.
Mỗi phóng viên kinh tế này bị khoán mức hợp đồng hàng tháng mang về phải đạt ít nhất từ 25 triệu đồng trở lên, nếu không đạt sẽ bị đánh hạ định mức xuống thấp, đồng nghĩa thu nhập cũng thấp theo.
Một số báo không những không trả nhuận bút cho các phóng viên đi họp báo đưa tin về, họ yêu cầu phóng viên phải nộp phí thì mới đăng các tin khai thác từ các cuộc họp báo như thế. Hồng Vân, một phóng viên kể, từ lâu cô không còn đi họp báo nữa, dù được mời, bởi khi về viết tin sẽ phải nộp phí từ 300.000đ-500.000đ/tin thì mới được duyệt đăng báo. Hiện Hồng Vân viết rất ít, chấp nhận mức lương 4 triệu đồng/tháng, trong lúc chờ cơ hội việc làm khác.
Thu Hoài, một phóng viên kinh tế của một tờ tạp chí ngành, sau 10 năm phải coi việc viết bài như một chiêu để moi hợp đồng từ các đối tác được viết, cảm thấy rất mệt mỏi và chán nản với nghề báo. Cô quyết định mở quán cà phê để kiếm sống. Hoài chia sẻ, bây giờ, viết một bài phải nghĩ nát óc, mà chỉ được nhuận bút có 20.000 đồng, trong khi đó cô bán một ly cà phê đã có lãi 20.000 đồng rồi, vừa nhanh mà không phải nghĩ! Nghề viết báo là nghề khó nhất mà cô đã từng làm được, thì với nghề kinh doanh quán cà phê, dễ hơn nhiều, cô tin sẽ thành công.
Những nhà báo còn trụ lại với nghề, họ phải làm thế nào với tương lai ngày một thách thức hơn? T. Nghĩa, một phóng viên mảng văn hóa, văn nghệ cho biết, anh phải viết nhiều gấp đôi ngày trước, và phải quan hệ rộng hơn, kết hợp làm thương hiệu cho vài ca sỹ, mới có đủ thu nhập duy trì cuộc sống. L.L thì dùng chiêu thâm canh, nghĩa là với mỗi chủ đề, cô triển khai nhiều bài cho các báo khác nhau, có như thế mới đảm bảo nguồn thu đủ bù chi.
Hay một số nhà báo giỏi khác, thì họ tự học hỏi và nâng mình lên ở cấp chuyên gia, ngoài việc viết các bài chuyên sâu, có tính phân tích và dự đoán mà một số tạp chí chuyên ngành rất cần đăng, trả nhuận bút mức cao, thì họ còn tham gia giảng dạy về chuyên ngành họ viết, làm cố vấn trong một số dự án, cũng có thêm thu nhập. Như vậy, những người còn trụ lại với nghề, là những người giỏi nhất. Họ ở lại với nghề báo, nhưng ở tầng mức cao hơn.