Điều lạ là phần lớn những người tìm thấy và mang được ngọc về lại là nữ giới nhờ giữ hơi giỏi, mỡ dày chống được cái lạnh dưới biển, đồng thời xử lí khéo léo những tình huống bất ngờ. Họ được gọi là các hải nữ - ama hoặc kaito, uminchu…
Các Ama có một hình ảnh rất quen thuộc là chuyên để ngực trần đóng khố và vận một cái quần màu trắng rất mỏng tránh bị cá mập tấn công. Tuy nhiên, đôi khi họ cũng quấn một cái khăn rằn trên đầu, không phải để chống sức ép của nước mà chủ yếu làm vật hộ mệnh - bình an.
Từ trước năm 1920, tất cả ama đều chỉ ăn vận đơn giản như vậy! Họ rất e thẹn khi phải đứng trước nam giới hay người lạ. Sau này, dưới sự bảo trợ từ nhà nuôi cấy trai đầu tiên của Nhật Bản và thế giới - ông Kokichi Mikimoto, ama được cung cấp đồng phục để lặn và giúp an toàn hơn.
Các ama có thể lặn từ 100 - 150 lần/ngày và sâu đến 40m dưới biển. Mỗi lần như vậy, họ lặn trong hai phút, sau đó lại ngoi lên, nghỉ một chút rồi lại lặn tiếp.
Ai nấy buộc mình với một cái thùng gỗ nhẹ và khi lên khỏi mặt biển thì bám vào nó nghỉ ngơi. Xưa kia, khi chưa được các trang trại thuê để mò các loại trai ngọc, cấy nhân xong lại trả chúng về biển, các hải nữ thường đi bắt tôm, cua, cá, bạch tuộc, nhím biển và đặc biệt là bào ngư cho vua chúa, một bộ phận cũng mò ngọc trai vì châu ngọc có giá trị rất lớn trong mọi thời đại.
Song không phải con trai nào cũng có ngọc và ngọc đủ lớn để làm trang sức, nên họ phải lặn rất sâu và vất vả. Bù lại, ama có thu nhập khá cao. Hiện, mỗi ngày lặn để cấy và khai thác ngọc trai, họ có thể kiếm được 1.200 USD.
Vào năm 1893, ông Kokichi Mikimoto bắt đầu khám phá ra cách cấy nhân vào trai và đến năm 1914 thì lập một số trang trại nuôi trai lấy ngọc. Và để có những con trai đa dạng cho các thực nghiệm nuôi cấy ông đã thuê ama. Có thời điểm ông Kokichi đã thuê khoảng 1.000 ama và hàng nghìn người khác làm trong dây truyền nuôi cấy ngọc trai.
Dù tồn tại đến cả một nghìn năm, nhưng hải nữ mới được ghi chép thành văn vào năm 750 trong một bài thơ của Nhật Bản. Từ đó cũng có nhiều tranh vẽ, tranh in khắc gỗ như các tác phẩm của Hokusai đặc tả về họ.
Những bức tranh đã miêu tả về những cô gái can đảm, dũng cảm khi xuống thủy cung tìm ngọc, được sự trợ giúp đồng thời cũng bị sự truy đuổi của đoàn bạch tuộc, cá kình, rồng biển… Với tài năng bơi lội điêu luyện, có thể nói họ chính là những nàng ‘tiên cá” bằng da bằng thịt có thực của Nhật Bản nhờ sắc đẹp và thân hình mỹ miều.
Thay vì tiếng hát du dương, luyến láy trước khi gặp họ, từ xa đều nghe thấy những tiếng huýt gió isobue là tiếng thở ra “có nhạc” của các hải nữ khi ngoi khỏi mặt nước. Tiếng huýt thật dài cho thấy cột hơi thật trường và khả năng nhịn thở phi phàm khi lặn.
Một điều nữa, tuy bơi lội làm cơ thể thon thả song mỗi ama đều có lớp mỡ rất dày, hơn nhiều nam nhân và là nguồn năng lượng dư thừa để bơi và chống lạnh. Hiện ở nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản, du khách vẫn được thấy ama vận một chiếc khố fundoshi và đóng một cái khăn băng đầu tenugui, để lộ mình trần rất quyến rũ.