Sự việc trở nên nghiêm trọng vì có liên quan đến những phiền phức do virus gây ra. Đây là dấu hiệu chứng tỏ sức đề kháng của các phi hành gia đã bị yếu đi.
Theo các chuyên gia NASA, virus HSV xuất hiện ở một nửa số phi hành gia tham gia các sứ mệnh vũ trụ ngắn ngày; virus HSV cũng được phát hiện ở 60% số phi hành gia tham gia các sứ mệnh vũ trụ kéo dài vài tháng. Phần lớn các phi hành gia không có biểu hiện bệnh rõ ràng.
Các cuộc tấn công của virus HSV trên mặt đất thường liên quan tới sức đề kháng cơ thể yếu và sự căng thẳng. Ở trên quỹ đạo sự việc cũng diễn ra đúng như vậy. Các phi hành gia thường bị căng thẳng; còn hệ miễn dịch của họ không thể chế ngự được virus.
Rắc rối càng gia tăng trong trường hợp những chuyến bay kéo dài, chẳng hạn như chuyến bay lên sao Hỏa và quay về Trái đất trong tương lai.
“Các phi hành gia sống hàng tuần, thậm chí hàng tháng trong điều kiện không trọng lượng và bức xạ vũ trụ cao, ngoài ra họ còn phải chịu tải trọng lớn trong thời gian tàu vũ trụ khởi hành hoặc hạ cánh” - Tiến sĩ Satish K. Mehta ở Trung tâm điều khiển bay Houston của NASA giải thích: “Cần phải bổ sung những yếu tố gây căng thẳng khác nữa vào danh sách những thách thức này, chẳng hạn như sự chia ly gia đình, sống trong các khoang chứa chật hẹp, rối loạn nhịp sống ngày và đêm…”.
Để tìm hiểu xem những yếu tố nói trên ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe như thế nào, Tiến sĩ Mehta cùng các cộng sự đã phân tích các mẫu nước bọt, máu và nước tiểu của các phi hành gia, được lấy trước, trong và sau khi kết thúc các sứ mệnh vũ trụ, kể cả các sứ mệnh ngắn hạn cũng như dài hạn.
“Trong thời gian diễn ra chuyến bay, mức hormon căng thẳng, cortisol và andrenaline tăng dần. Như chúng ta biết, cortisole và andrenaline hạn chế hoạt động của hệ miễn dịch” - Tiến sĩ Mehta cho biết: “Trong thực tế, các tế bào của hệ miễn dịch các phi hành gia, đặc biệt các tế bào ngăn chặn và loại bỏ virus trở nên ít hiệu quả. Tình trạng này sau đó duy trì đến 60 ngày”.
Chính vì vậy, khi dưới ảnh hưởng của căng thẳng, hệ miễn dịch trở nên suy yếu nên thậm chí các virus đang “ngủ yên” cũng có thể hoạt động trở lại.
Các phân tích cho thấy, virus HSV xuất hiện trong nước bọt và nước tiểu của 47 trong số 89 phi hành gia trong thời gian tham gia các sứ mệnh tàu con thoi (53%) và của 14 trong số 23 phi hành gia sống và làm việc dài ngày trên Trạm vũ trụ ISS (61%).
Đáng chú ý là, mặc dù virus hoạt động, nhưng các biểu hiện bệnh xuất hiện ít. Các dấu hiệu đặc trưng chỉ được quan sát thấy ở 6 phi hành gia. Tuy nhiên biểu hiện bệnh chỉ trở nên rõ ràng sau khi các phi hành gia quay trở về Trái đất.
Trong quá trình chuẩn bị những chuyến bay vũ trụ, trong đó có các sứ mệnh lên sao Hỏa, yếu tố rủi ro này cần được lưu ý. Chắc chắn là cùng với thời gian, virus hoạt động ngày càng mạnh, có thể khiến người nhiễm bị hỏng một số cơ quan hoặc gặp vấn đề về thị giác, thính giác. Tìm ra các biện pháp ngăn ngừa sự suy yếu của hệ miễn dịch có thể có ý nghĩa quan trọng, làm nên thành công của sứ mệnh sao Hỏa.