“Phây hóa” hôn nhân

Ngoài cơ hội chia sẻ, kết nối; mạng xã hội với sức hút mãnh liệt từ những màu mè phô diễn dễ khiến người ta dễ rời bỏ tổ ấm để tô vẽ nên một cuộc đời khác, một cuộc hôn nhân khác với vợ chồng con cái khác. Chỉ đến khi giật mình tỉnh ngộ, mới hay ta đã “thả mồi bắt bóng” đến mức nào…

“Phây hóa” hôn nhân

“Bi kịch hóa thân”

Đó là biệt danh ngầm mà bạn bè đặt cho Mỹ Chi (P.2, Q.10), bắt nguồn từ một cá tính đặc biệt của cô nàng - tính hay bắt chước. Từ lúc mới cưới, Minh Tân (kỹ sư xây dựng) đã khổ sở vì phương châm yêu và sống của vợ: “Luôn tìm tòi, luôn đổi mới”. 

Hồi mới về làm dâu, Chi là một cô nàng thanh lịch, đoan trang khi đi làm; về nhà chỉ rặt một “xì-tai” kín đáo, nữ tính, rất vừa ý ba mẹ chồng. Nhưng, chỉ độ tháng sau, Chi như lột xác, biến thành cô nàng trẻ trung, nhí nhảnh; suốt ngày lên các trang bán hàng ngoại nhập, săn lùng áo ba lỗ, quần thể thao. 

Bị chồng cằn nhằn, Chi ngúng nguẩy: “Đàn ông các anh hay chê vợ “cũ rích” mà cứ sợ phiền là sao?”. Thấy vợ cũng có lý, nhưng Tân không vì thế mà thôi cảm thấy phiền hà khi nhận ra cách mà Chi “vươn tới” sự mới mẻ thực chất là “vươn sang” thế giới của người khác. 

Mỗi lần “lột xác” của Chi đều bắt nguồn từ những đêm căng mắt mày mò trang cá nhân của một facebooker nổi tiếng, rồi tiến hành copy nguyên si hình ảnh ấy. 

Bị chồng “phát giác”, Chi khăng khăng: “Ai mà chẳng có thần tượng!”. Khổ nỗi, thần tượng của cô thay đổi xoành xoạch. Hôm thì một cô nàng công sở đa tài, năng động; hôm lại là một bà mẹ đơn thân nhiều kinh nghiệm, sống lặng lẽ, an nhàn.

Có lúc, mày mò hết trang cá nhân của một người nội trợ nổi tiếng, Chi đùng đùng đòi… nghỉ việc, ở nhà làm nội tướng! Tính trước tính sau, tự thấy ý định đó quá viển vông, cô lại quay sang trách chồng… bất tài, bởi không có khả năng một mình gánh vác kinh tế gia đình. 

Ông chồng trẻ đành tự an ủi là “trong rủi có may”, bởi tính vợ mình cả thèm chóng chán, nên chỉ cần “qua cơn” rồi thì đâu lại vào đấy. Tuy nhiên, facebook đối với Tân dần trở thành một cơn ác mộng, khi căn hộ vợ chồng không khác gì là cái kho chứa. 

Hễ thấy ai khoe cái đầm, đôi giày, mùi nước hoa mới, Chi lại “phát cuồng”, săn lùng bằng được. Cứ thế, đồ đạc, quần áo, mỹ phẩm, nước hoa của Chi cứ ngày một chất chồng, món này dùng chưa xong đã chuyển ngay sang món khác “hay ho hơn, thú vị hơn”, còn tiền tiết kiệm mấy năm qua cứ giẫm chân tại chỗ. 

Từ chỗ phiền hà, Tân dần mệt mỏi, chán ngán khi thường xuyên bắt gặp chút mẩu này mẩu nọ của người khác cứ được khâu vá lên vợ mình.

Phơi bày hết thảy

Niềm vui sống của Thu Tâm (Thủ Đức, TPHCM) là mang mọi thứ hay ho từ facebook về… gia đình mình. Ưa thích tham gia các diễn đàn tình yêu - hôn nhân trên mạng, lại chăm chỉ thăm hỏi, cập nhật thông tin từ mọi người chung quanh, Tâm trở thành một kho kiến thức gia đình. 

Tuy nhiên, không chỉ học hỏi mà sự áp dụng của Tâm lắm lúc đã đạt tới trạng thái… vô cực. Chồng và con trai chính là “vùng đất màu mỡ” để cô cấy ghép lên đó tất cả viễn tượng đẹp đẽ về đời sống vợ chồng. 

Quang Thắng, chồng Tâm, thừa nhận, thời gian đầu, anh rất hạnh phúc với năng lượng đổi mới và khả năng sáng tạo của vợ trong hôn nhân. Hễ thấy chị em nào bữa đó chụp ảnh đồ ăn mới làm, khoe tài vào bếp là Tâm cũng tỏ ra không hề kém cạnh. 

Thể nào hôm sau hai bố con cũng được chiêu đãi mấy món tương tự, cộng thêm cái tên facebook được gắn kế bên dòng trạng thái ngọt ngào của vợ, có đính kèm tấm hình chứng minh “chiến tích”. 

Cứ thế, dăm bữa nửa tháng, bố con Thắng lại được vợ/mẹ “tặng quà”: từ cái sơ mi mới, túi đồ ăn trưa xách theo hằng ngày, bánh trái sinh tố tráng miệng các loại Tâm hết mua rồi mày mò tự làm, đến cái gối ôm thú bông xinh xắn, cái ba lô con ong ngộ nghĩnh.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng mà theo Tâm lắm lúc thích thú nói với chồng là “công cuộc sáng tạo tận tụy” mãi rồi càng trở nên lệch pha. Đợt đó Tâm kéo đâu về mấy bộ đồ thể thao, một đôi giày xịn và ra lệnh: “Mỗi sáng Chủ nhật cách tuần vợ chồng mình bắt đầu chơi tennis anh nhé, em đã đăng ký cho con sinh hoạt ở nhà thiếu nhi cùng giờ”. 

Thắng làm kỹ sư, bận bù đầu cả tuần, chỉ mong đến Chủ nhật được ở nhà ngủ nướng và quây quần cùng vợ con, cuối cùng, cũng đành chiều vợ, gắng xỏ mấy thứ đồ có vẻ chẳng liên quan mấy đến mình ấy tới sân quơ quơ vài đường lấy lệ. 

Đến lúc tình cờ lên facebook, biết mô típ này thực chất được “sao y bản chính” từ vợ chồng Tuấn, bạn Tâm, cũng tennis, cũng con sinh hoạt ngoại khóa, ông chồng kỹ sư chỉ còn biết kêu trời!

Chuyện đâu dừng lại, bên cạnh tennis, các Chủ nhật khác Tâm tiếp tục bày biện các cuộc picnic gia đình, lúc thì cả nhà đi dã ngoại, lúc thì hai vợ chồng kéo xuống Vũng Tàu như thời đang yêu. 

Dĩ nhiên, mọi chuyến “thay đổi không khí” đó đều ghi dấu bằng những tấm ảnh gia đình hạnh phúc miêu tả mô típ “chồng chiều chuộng vợ”, “người vợ đảm đang”, “con cái thông minh đa tài”, v.v… mà cô gắng sức gồng mình diễn tròn vai trên mạng, để rồi nhận được bao nhiêu lời xuýt xoa, ngưỡng mộ.

Rồi không biết Tâm “học hỏi” thế nào mà bắt đầu chiến dịch tâm sự hạnh phúc gia đình trên facebook. Từ những dòng cập nhật kể tỉ mẩn chuyện chồng hiền lành tâm lý, thương vợ con ra sao, đến cả mấy chuyện riêng tư của hai vợ chồng cũng lần lượt “lên trang nhất các face”. 

Được bạn bè chia sẻ, lại sẵn khả năng viết lách tốt, Tâm cứ thế thừa thắng xông lên, Thắng ngày càng khó chịu khi thấy bản thân bị vợ mổ xẻ, phơi trần. 

Nhắc nhở mãi không xong vì hễ chồng nói gì là Tâm lại kêu ca, sụt sùi: “Em làm vậy cũng để đẹp mặt anh, để tụi mình cùng cố gắng, phấn đấu thôi mà!”.

Hoàn thiện bản thân, làm đầy hôn nhân là nhu cầu chính đáng để duy trì đời sống vợ chồng tươi mới, hấp dẫn. Vấn đề là, mọi sự sáng tạo đều phải bắt nguồn từ chính hiện thực hôn nhân của mình, từ chính câu chuyện cuộc đời với những người thật việc thật bên cạnh. 

Chỉ vậy thì sự áp dụng, học hỏi, vươn lên mới hòa vào bức tranh chung vừa vặn để tôn lên cái đẹp của tình yêu, của hạnh phúc đích thực. Mọi thứ vá víu, ganh đòi, “vui vay, hạnh phúc mướn” đều dễ dẫn tới các bi kịch tiềm tàng.

Theo phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ