Đẩy mạnh khoa học công nghệ, tháo gỡ 'nút thắt' thương mại hóa nghiên cứu

GD&TĐ - Chiều 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Cử tri là đại diện cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu; cán bộ, công chức, viên chức ngành Khoa học công nghệ trên địa bàn TP Cần Thơ.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã kiến nghị những vấn đề quan tâm, gồm đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ chế nghiên cứu khoa học, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 57; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Cử tri Nguyễn Thúy Kiều Tiên (nhà khoa học, Viện Lúa ĐBSCL) chia sẻ, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đã đặt ra mục tiêu rất đúng đắn là đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, theo cử tri, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu tại Viện Lúa ĐBSCL được ứng dụng, nhưng vẫn gặp nhiều rào cản trong việc thương mại hóa một cách bài bản, quy mô lớn.

Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ “nút thắt” này.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 Nghị định về phân định, phân cấp, phân quyền đối với lĩnh vực GD&ĐT. Sắp tới, dự kiến sẽ có Nghị quyết về hiện đại hóa và đột phá trong phát triển GD&ĐT.

thu-truong.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng phát biểu.

Bộ GD&ĐT đã được Chính phủ giao xây dựng các đề án đầu tư xây dựng trường bán trú, trường nội trú tại 248 xã biên giới. Bộ cũng đang xây dựng các Nghị định về chính sách học bổng cho sinh viên trong các nhóm ngành ưu tiên, quyết tâm hoàn thành sớm.

Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã được Thủ tướng rất quan tâm đối với hiện đại hóa, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Trong đó, có tiểu dự án về chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và các chương trình học, đặc biệt xem tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, hiện nay, nước ta đang triển khai trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phấn đấu đến năm 2025, đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện nước ta đang triển khai thực hiện Nghị định 179 ngày 31/12/2024 về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng. Trong đó, có chính sách thu hút chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước.

Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đề án xây dựng Đại học Cần Thơ thành một trong những đại học then chốt, trọng điểm của vùng ĐBSCL.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri và câu trả lời của đại diện các Bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu và làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm.

Thủ tướng cho biết, trong năm nay sẽ bảo đảm 3% ngân sách Nhà nước, và năm sau sẽ dành ít nhất 5% ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Sắp tới cũng có các chính sách về thuế, phí, lệ phí ưu đãi, tiếp cận nguồn lực bình đẳng và ưu đãi tín dụng; các chính sách liên quan đào tạo nhân lực bán dẫn; thu hút và trọng dụng nhân tài... Ví dụ như, các cơ chế thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, chính sách Visa, lao động, nhà ở, bảo vệ nhà khoa học trước rủi ro trong quá trình nghiên cứu.

Sau hội nghị, Thủ tướng đã đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành giải quyết theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ