Ngày 23/1, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, các bác sỹ của bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu, phẫu thuật thành công cho bé trai 11 tuổi bị cành chanh đâm xuyên đùi, từ sau ra trước.
Theo đó, bệnh nhân là bé trai N.K. (11 tuổi, ở Trà Vinh). Hai ngày trước đó, bé K. trèo lên cây me hái trái không may bị trượt chân ngã. Cú ngã đã khiến bé rơi xuống gốc chanh phía dưới có một cành bị chặt nhọn.
Đùi phải của K. bị nhành cây nhọn này đâm vào, xuyên thủng từ sau đến phần da của mặt phía trước.
Sau tai nạn, cháu K. được gia đình đưa đến cơ sở y tế địa phương băng bó tạm thời trong tình trạng cành chanh xuyên đùi và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Tại đây, bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật cấp cứu, mở rộng vết thương, cắt lọc và lấy dị vật ra khỏi đùi thành công.
Theo các bác sĩ, đối với trường hợp cháu K. vết thương bị đâm xuyên qua đùi, sơ cứu rất quan trọng, việc chỉ băng tạm vết thương, không rút cành chanh ra khỏi đùi cháu bé là quyết định đúng đắn của nhân viên y tế địa phương, do xung quanh cành chanh đầy gai nhọn, nếu rút dị vật ra, gai sẽ xé rách phần mềm xung quanh, gồm gân cơ và bó mạch đùi.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, trẻ em chưa nhận biết được những nguy hiểm có thể xảy ra, đặc biệt là leo trèo rất dễ xảy ra tai nạn và thương tổn thường rất nặng.
Các bác sĩ lưu ý, cha mẹ nên quản lý chặt khi để trẻ tự chơi đùa; giáo dục trẻ biết và phòng tránh những tai nạn không đáng có; chủ động tạo sân chơi cho trẻ để đảm bảo không bị tai nạn.
Về vấn đề sơ cứu, các bác sĩ khuyên rằng, với vết thương bị đâm xuyên qua các bộ phận trên cơ thể như đâm qua đùi, hay đâm qua mạch máu lớn vùng cổ là những vết thương chí mạng do mất nhiều máu, tính mạng của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sơ cứu ban đầu.
Do đó, với những vị trí thuận lợi thì garo là kỹ thuật tốt nhất, còn những vị trí khó như vùng cổ, bẹn thì có thể dùng tay chặn chặt trên vết thương để giảm mất máu. Nếu làm tốt giai đoạn sơ cứu ban đầu thì khả năng bệnh nhân được cứu sống sẽ cao hơn.