Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường: Để đọc sách không còn giới hạn

GD&TĐ - Nhiều trường học tại Nghệ An đã xây dựng thư viện mở rộng đến mỗi lớp học, từng ghế đá, gốc cây trong sân trường.

Sách là món quà tinh thần quý giá đối với học sinh dân tộc thiểu số.
Sách là món quà tinh thần quý giá đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để phát triển phong trào đọc sách. Điều này không chỉ hình thành tình yêu sách ở học sinh, mà còn hỗ trợ việc dạy học các bộ môn hiệu quả hơn, bồi đắp cả tri thức, cảm xúc, giá trị sống cho các em ở độ tuổi hình thành nhân cách. 

Tiết đọc sách ở ngôi trường nông thôn

Tiết đọc truyện của lớp 4B, Trường Tiểu học Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) thu hút sự theo dõi chăm chú của các bạn nhỏ. Trên bục giảng, cô Trần Thị Mai Loan – giáo viên chủ nhiệm - kể câu chuyện 7 điều ước, cùng với những hình ảnh minh họa bắt mắt, sinh động. Sau khi nghe xong, học sinh tự nói về cảm xúc, suy nghĩ của mình. Cuối giờ, cô giáo cho các bạn ngồi theo nhóm và cùng vẽ tranh liên quan đến chủ đề gia đình.

Em Trần Thị Thanh Trúc hào hứng chia sẻ: Câu chuyện 7 điều ước kể về 2 anh em, người anh thì lười biếng, tham lam, còn người em thật thà, chăm chỉ. Người em được con gái Ngọc Hoàng cho 7 điều ước đã nhường cho anh 4 điều, mình chỉ giữ lại 3 điều thôi.

Sau đó, người anh ước được giàu có, lên cung trăng, lên xứ sở mặt trời và nóng quá bị rơi xuống sông. Người em đã dùng điều ước của mình để cứu anh sống lại, từ đó 2 anh em sống vui vẻ, hòa thuận cùng nhau. Câu chuyện muốn nói là anh em sống trong gia đình phải yêu thương, nhường nhịn nhau, không được ích kỷ.

Tiết đọc của cô trò Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Tiết đọc của cô trò Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Nhiều năm nay, tiết đọc sách tại Trường Tiểu học Nghĩa Đồng trở thành nội dung của hoạt động dạy học ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, trường dành riêng một phòng đọc với đầy đủ trang thiết bị. Mỗi tháng, một lớp sẽ có 2 tiết đọc sách. Các giáo viên chủ nhiệm cũng được tập huấn để lựa chọn những câu chuyện ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi, khả năng tiếp nhận của học sinh.

“Mục đích để các em hiểu được ý nghĩa câu chuyện, thể hiện tình cảm của mình với nhân vật và rút ra bài học liên hệ với bản thân. Sau mỗi tiết đọc, tôi cũng giới thiệu thêm cho học sinh những câu chuyện, cuốn sách khác để các em tự đọc ở nhà. Việc đọc sách giúp tư duy ngôn ngữ của trò tốt hơn, hỗ trợ cho việc học các môn khác ở trường. Ví dụ như kỹ năng tiếng Việt của học sinh phát triển tốt, làm văn trôi chảy, nhiều em đã viết được đoạn văn hay, giàu cảm xúc, ngôn từ phong phú”, cô Mai Loan phấn khởi cho hay.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Thìn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, học sinh hiện có nhiều nguồn thông tin, đặc biệt là xem từ điện thoại, tivi, máy tính... Nhưng để các em tự do sử dụng những kênh trên, rất dễ sa vào chơi game hoặc không tự nhận biết được đâu là chương trình tốt, lành mạnh, đâu là tin tức độc hại. “Về phía nhà trường, chúng tôi muốn chăm lo, hướng học sinh đến với sách. Bởi đây là nguồn tri thức lớn và đã được nhà trường “kiểm duyệt, chọn lựa” để đem về cho học sinh”, cô Thìn nói.

Các bạn học sinh vẽ tranh theo truyện.
Các bạn học sinh vẽ tranh theo truyện.

Lan tỏa phong trào

Nằm ở vùng nông thôn, nhưng đến nay, thư viện Trường Tiểu học Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có hơn 1 nghìn đầu sách ở nhiều thể loại. Đây không phải là số sách cố định mà được luân chuyển, thay đổi thường xuyên. Để đảm bảo nguồn sách cho học sinh, nhà trường đã liên hệ với thư viện tỉnh Nghệ An để mượn. Mỗi năm, sẽ có 3 đợt thư viện tỉnh chuyển sách mới cho Trường Tiểu học Nghĩa Đồng và thu sách cũ. Bên cạnh đó, nhà trường liên hệ với các nhà hảo tâm, tổ chức nhân ái tặng sách cho học sinh.

Sách không chỉ được đặt trong phòng thư viện, mà còn được chuyển về tủ sách mini của mỗi lớp, đặt ở dưới gốc cây trong sân trường... tạo thuận lợi cho học sinh và cả phụ huynh có thể sử dụng bất cứ lúc nào như trước giờ vào học, lúc ra chơi, và chờ đón con em đi học về.

Để phong trào đọc sách được lan tỏa, nhà trường còn thường xuyên lồng ghép các buổi giới thiệu sách kết hợp trình diễn thời trang sách trong tiết chào cờ đầu tuần. Tổ chức ngày hội đọc trong tuần lễ học tập suốt đời với sự tham gia của cả phụ huynh, người dân trong xã... “Học sinh của trường đã có thói quen đọc sách có chủ đích, háo hức tìm, mượn sách, chủ động hỏi thầy cô về thông tin về sách mới. Qua đó, không chỉ phát triển văn hóa đọc cho học sinh, mà còn lan tỏa đến cộng đồng, xã hội”, cô Nguyễn Thị Bích Thìn chia sẻ.

Trường học huyện miền núi sáng tạo không gian đọc sách cho học sinh.
Trường học huyện miền núi sáng tạo không gian đọc sách cho học sinh.

Xây dựng thư viện thân thiện, đưa sách đến gần và trở thành nhu cầu thiết yếu với học sinh đã được nhiều trường học tại Nghệ An chú trọng. Không chỉ với vùng thuận lợi, các huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn, phong trào đọc sách trong nhà trường càng lan tỏa và có nhiều cách làm sáng tạo.

Tương Dương là huyện miền núi cao, nơi sinh sống của hầu hết bà con dân tộc thiểu số, nhưng lại là đơn vị đi đầu của tỉnh trong xây dựng thư viện thân thiện. Tất cả trường học trong huyện đều có thư viện và không gian xanh, thân thiện cho học sinh đọc sách. Không chỉ vậy, các trường còn đưa thư viện về từng điểm lẻ, thôn bản để không học sinh nào thiếu sách.

Trường Tiểu học Tam Thái (huyện Tương Dương) có tới 4 điểm lẻ, nhưng không nơi nào học sinh thiếu sách. Hơn 2.000 đầu sách đều được luân chuyển thường xuyên giữa các điểm trường. Cơ sở vật chất khó khăn, nhưng nhà trường linh hoạt xây dựng điểm đọc ngay dưới gốc cây, phiến đá...

Có nơi, thầy cô nhờ phụ huynh dựng gian nhà lá bằng tranh tre để học sinh ngồi đọc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em ở xa, cô Kha Thị Hằng (GV cắm bản) đã biến nhà thành thư viện cho học sinh. “Học sinh miền núi khó khăn, thiếu thốn, sách chính là một món quà tinh thần vô giá với các em nơi đây. Nhất là học sinh dân tộc, đọc sách giúp tăng cường tiếng Việt rất hiệu quả”, cô Hằng bày tỏ.

Bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An nhận xét: Tôi bất ngờ trước khả năng sáng tạo của các giáo viên và nhà trường qua hoạt động hưởng ứng Tuần lễ đọc sách và Ngày văn hóa đọc. Với chúng tôi, đó là ngày hội lớn để các em học sinh vùng cao đến gần hơn với sách. Hoạt động sôi nổi từ các nhà trường cũng chứng minh được hiệu quả và giá trị thực chất của việc phát triển văn hóa đọc của ngành Giáo dục vùng cao, khó khăn.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ