Thế nên, đã đến lúc thư viện trường học cần được nhìn nhận và phát huy vai trò chức năng thay vì trở thành kho chứa sách.
Nhiều bất cập
Những năm gần đây, với sự quan tâm của ngành Giáo dục các địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị (kệ sách, bàn ghế và đèn chiếu sáng) thư viện trường họcđã được đầu tư, mua sắm và bổ sung nhiều về số lượng, phong phú về hình thức. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất từ Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), mức độ đáp ứng tốt về cơ sở vật chất trong thư viện các trường tiểu học mới đạt tỷ lệ khiêm tốn về kệ sách với 23,81%; Bàn ghế: 15,87%; Đèn và thiết bị chiếu sáng: 26,98%... Mặt khác, số phòng đọc rộng rãi, phù hợp với hoạt động đọc của HS, bảo đảm an toàn, bố trí hợp lý, khoa học có tỷ lệ đạt dưới 40% tổng số các trường tiểu học trên cả nước.
Trong vấn đề học liệu, hầu hết trường học đều đầu tư mua mới sách hàng năm để thay thế sách hư hỏng và tăng cường số lượng đầu sách. Ở nhiều trường học, ban giám hiệu và GV còn huy động thêm nguồn sách từ các đơn vị cung cấp sách, sự đóng góp của phụ huynh HS, cá nhân, cộng đồng. Các chủng loại sách phù hợp với nhu cầu của HS như truyện, sách tham khảo… cũng được nhiều nhà trường quan tâm hơn. Song, thực tế đầu sách trong thư viện trường học chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo, ít loại sách về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, rèn luyện kỹ năng...
Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chia sẻ: Do không có nhân viên chuyên trách làm công tác thư viện nên trường phải cắt cử GV kiêm nhiệm. Khi GV này nghỉ chế độ thai sản phải tăng cường phó hiệu trưởng đảm trách tạm thời.
“Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng… khiến thư viện trường học rơi vào tình trạng hoạt động trầm lắng. Ít HS tới thư viện hàng ngày để đọc sách. Vai trò của thư viện mờ nhạt. Để duy trì và phát triển văn hóa đọc cho HS, nhà trường đang rất nỗ lực tăng cường các hoạt động hỗ trợ như: Tiết học thư viện (1 tuần/tiết); Tổ chức thư viện xanh; Thư viện ngoài trời; Tổ chức ngày hội đọc sách” - cô Hằng cho biết.
Đặt vấn đề thực trạng thư viện trường học cũng cần nhắc tới hạn chế chưa tổ chức được hoạt động tiết đọc cho HS theo tuần, không tổ chức hoạt động đọc tại trường, không cho HS mượn sách đọc tại trường hoặc về nhà. Việc mở cửa thư viện của nhiều nhà trường còn mang tính hình thức. Đặc biệt, tình trạng cán bộ thư viện kiêm nhiệm nhiều nên hoạt động thư viện dành cho HS hạn chế, trang thiết bị, học liệu bị buông lơi, thiếu đầu tư.
Xây dựng văn hóa đọc
Để hình thành và phát triển văn hóa đọc cho HS ngay từ trường học thì thư viện trở thành một kênh đóng vai trò quan trọng và rất cần được đầu tư, quan tâm với những bước đi phù hợp.
Trên thực tế, nhiều trường học đã phát triển tốt thư viện theo nhiều cách khác nhau. Từ phát triển thư viện xanh, thư viện ngoài trời tới việc đặt thư viện ngay trong từng lớp học, góc cầu thang, sân chơi, chòi đọc sách trong khuôn viên trường… Thư viện được bố trí khắp nơi miễn sao HS được tạo cơ hội tiếp cận với sách nhiều nhất, qua đó kích thích tối đa HS đọc sách, truyện.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Quyết Tiến, Quản Bạ (Hà Giang), thư viện xanh đã thu hút HS đến đọc sách nhiều hơn so với thư viện trong phòng. Trường có 3/7 điểm trường tiêu biểu trong việc xây dựng thư viện xanh. Trường sẽ tiếp tục phát triển hệ thống thư viện xanh tới từng điểm trường lẻ để hỗ trợ tốt nhất cho việc đọc và học của HS dân tộc. Qua thư viện xanh, nhà trường cũng đặt niềm tin hy vọng sẽ nâng cao văn hóa đọc để tăng cường chất lượng giáo dục toàn diện.
Hiệu trưởng nhà trường, thầy Phạm Như Ý cho biết: 100% HS của trường là người dân tộc (trong đó 72% thuộc dân tộc Mông, còn lại dân tộc Tày, Bố Y, Nùng). Kể từ khi xây dựng phát triển thư viện xanh khả năng nói tiếng Việt của HS dân tộc tăng lên đáng kể. Sự thân thiện, tiện lợi và giảm phiền hà trong việc mượn trả sách cũng giúp hình thành cho HS thói quen, sự tự giác và văn hóa đọc. Thực tế cũng cho thấy, khi thư viện trường học được vận hành hiệu quả thì nhận thức của HS trên nhiều khía cạnh, kiến thức, kỹ năng… được nâng lên và hỗ trợ tích cực cho việc học tập trên lớp.
Đặc biệt lúc HS hòa mình với bạn bè đọc sách cũng giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp hàng ngày với thầy cô, bạn bè và hoạt động bán trú tại trường. Nếu trước đây, HS thờ ơ và ngại đọc sách thì hiện nay các giờ ra chơi, thời gian trước và sau giờ học đều được tận dụng để tìm đến thư viện xanh của trường đọc sách, truyện theo nhu cầu tìm hiểu, giải trí.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) chia sẻ: Những góc đọc sách trong lớp, sân trường, cầu thang đều được trường quan tâm tạo cảnh quan xanh, sạch khiến HS cảm nhận sự thân thiện và hứng thú đọc sách. HS đến với thư viện ngày càng đông đồng nghĩa chất lượng giáo dục được nâng cao, HS được tăng cường khả năng tiếng Việt; bổ sung nhiều kiến thức kỹ năng không có trong sách giáo khoa và các giờ học chính khóa. Cô Thắm khẳng định: “Đến nay, thư viện đã thực sự phát huy được vai trò trong hoạt động giáo dục cũng như tăng cường văn hóa đọc cho HS khi hoạt động thư viện được tổ chức và vận hành đúng cách”.
Thực tế chứng minh, thư viện trường học tốt sẽ hỗ trợ tích cực cho việc dạy và học. Đây cũng là cơ hội, điều kiện quan trọng để HS phát triển văn hóa đọc. Chính vì vậy, mỗi nhà trường cần coi đây như một hỗ trợ tích cực để nâng cao chất lượng dạy học. Từ đó cần có sự quan tâm, vận hành linh hoạt phù hợp để thư viện trường học phát huy tối đa vai trò hiệu quả vào giáo dục.