Nhà trẻ - vấn đề bức xúc hàng đầu của công nhân khu công nghiệp

GD&TĐ -Theo báo cáo năm 2016 của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng về kết quả khảo sát nhu cầu của công nhân lao động, vấn đề nhà trẻ, nơi gửi con đứng thứ 3 trong 7 vấn đề bức xúc của công nhân lao động.

Cô trò nhóm lớp tư thục Búp Măng Non (Liên Chiểu, Đà Nẵng) - cơ sở hầu hết nhận con công nhân trong khu công nghiệp
Cô trò nhóm lớp tư thục Búp Măng Non (Liên Chiểu, Đà Nẵng) - cơ sở hầu hết nhận con công nhân trong khu công nghiệp

Cụ thể, những bức xúc này được xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: Thu nhập; nhà ở, nhà trọ; nhà trẻ, nơi gửi con; môi trường làm việc, điều kiện lao động; an toàn vệ sinh lao động; đời sống văn hóa tinh thần; thời gian làm việc, nghỉ ngơi.

Thông tin này được nêu trong báo cáo của Sở GD&ĐT Đà Nẵng tại buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và khảo sát liên ngành về tình hình trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) tại thành phố Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn chiều nay (24/1).

Tham dự buổi làm việc cùng đoàn khảo sát có lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Phòng GD&ĐT các quận huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, các sở ban ngành liên quan và đại diện Ban quản lý KCN.

Còn nhiều khó khăn

Tại Đà Nẵng, khi tổ chức công đoàn xây dựng các nhà trẻ tại KCN, có khoảng 47,9% người lao động có nhu cầu gửi trẻ và có khoảng 50,16% người lao động cho rằng, mức học phí nên khoảng từ 800.000 đồng trở xuống.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - khởi đầu bằng sự hình thành KCX An Đồn (nay là KCN Đà Nẵng) được thành lập vào năm 1993, đến nay thành phố Đà Nẵng có 6 Khu công nghiệp tập trung.

Trẻ mầm non tại KCN-KCX chủ yếu có hộ khẩu nơi khác đến, theo cha mẹ đến ở nhà tập thể của KCN-KCX, số lượng trẻ không ổn định, dân nhập cư nơi khác đến nhiều và một số trẻ phải theo bố mẹ đi nơi khác…

Hầu hết con của công nhân nữ làm việc tại KCN-KCX được gửi vào các nhóm lớp độc lập tư thục (chỉ có 35% là đi học tại các trường mầm non) do trường mầm non không có khả năng nhận trẻ ở độ tuổi nhỏ, không linh hoạt về giờ giấc, trường mầm non tư thục có chi phí cao. Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ.

Đến nay, Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non tại các KCN-KCX, quan tâm và có cơ chế phù hợp để xây dựng trường mầm non trong KCN, KCX. Bằng chứng có 1 số trường mầm non do doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài tài trợ hình thành trên địa bàn và đi vào hoạt động.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng – ngoài theo chủ trương chung, Đà Nẵng còn có thêm những dự án lớn, quyết sách lớn của UBND thành phố, như: Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2014: Thí điểm xây dựng nhà trẻ tại các KCN, KCX; rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc
Trẻ ra lớp trên địa bàn toàn thành phố Đà Nẵng đạt 92,80%. Tổng số trẻ mầm non ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục cơ sở giáo dục là 68.194, trong đó nhà trẻ: 16.743, mẫu giáo: 51.451 (tăng 2.704 trẻ).

Tuy nhiên, khó khăn cũng còn rất nhiều.

“Trường mầm non ở địa bàn KCN-KCX hiện tại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa có do việc đầu tư quỹ đất xây dựng nhà trẻ tại các nơi này còn hạn chế về kinh phí. Tuy vậy, nhu cầu gửi con trong độ tuổi mầm non tại các KCN-KCX này rất bức thiết.

Vì vậy, các phòng GD&ĐT thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nhóm trẻ về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, chất lượng chăm sóc giáo dục nuôi dưỡng trẻ và các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn tính mạng cho trẻ” – bà Lê Thị Bích Thuận cho hay.

Đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và khảo sát liên ngành về tình hình trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX tại TP Đà Nẵng
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và khảo sát liên ngành về tình hình trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX tại TP Đà Nẵng

Nhiều kiến nghị từ địa phương

Trong buổi làm việc, nhiều ý kiến từ địa phương đưa ra mong được Bộ GD&ĐT tham mưu với chính phủ. Sở GD&ĐT kiến nghị điều chỉnh đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ đối với các nhà giáo chuyển về công tác tại cơ quan Sở GDĐT và phòng GDĐT quận, huyện.

Đồng thời, tham mưu các cấp có văn bản hướng dẫn bổ sung UBND quận, huyện là cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập; có văn bản hướng dẫn khi có phát sinh trường hợp thay đổi chủ đầu tư của trường mầm non và nhóm lớp độc lập tư thục.

Tham mưu các cấp có văn bản quy định tăng thêm định mức giáo viên/lớp đối với những trường mầm non công lập trên địa bàn có KCN-KCX để có thể đáp ứng được nhu cầu đón trẻ sớm (vào buổi sáng), trả trẻ trễ (vào buổi chiều), do đa số phụ huynh đang công tác tại KCN-KCX đều làm theo ca.

Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực cụ thể hơn để khuyến khích phát triển trường mầm non ngoài công lập. Hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên (cấp dưỡng), hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho các trường ngoài công lập; hỗ trợ một phần đồ dùng đồ chơi cho trẻ ở các trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Cùng với đó, ban hành Nghị định triển khai các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế để khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển các trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác liên ngành gồm đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận nỗ lực của Đà Nẵng trong phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn nói chung, tại các KCN, KCX nói riêng. Theo đó, tỷ lệ trường ngoài công lập của Đà Nẵng cao hơn bình quân cả nước rất nhiều; mạng lưới giáo dục đa dạng; huy động trẻ ra trường đạt tỷ lệ cao…

Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường lớp, trong đó có trường lớp ở KCN, KCX; sắp xếp, dồn dịch điểm lẻ; tăng cường tính tự chủ của các trường; đồng thời, tham mưu cho thành phố tăng cường các chính sách về xã hội hóa. Sở GD&ĐT cũng tham mưu, nghiên cứu lại các đề xuất, trong đó đưa thêm những đề xuất cho địa phương và những đề xuất cần cụ thể hơn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.