Phát triển sản xuất thương mại cá nemo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Viện Hải dương học đã làm chủ kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương mại cá nemo.

Một số sản phẩm cá khoang cổ nemo đột biến của dự án.
Một số sản phẩm cá khoang cổ nemo đột biến của dự án.

Viện Hải dương học đã làm chủ kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương mại cá nemo. Đây là nơi duy nhất sản xuất giống và cung cấp cá nemo từ sinh sản nhân tạo cho cả nước.

Sản xuất thành công giống cá cảnh quý

Cá khoang cổ nemo Amphiprion ocellaris thuộc họ cá thia Pomacentridae là loài cá cảnh biển được ưa chuộng phổ biến nhất hiện nay. Chúng đứng đầu danh sách các loài cá nhập khẩu vào Mỹ và Châu Âu, với hơn 45 quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng sinh vật cảnh biển trên toàn cầu.

Trong đó, Phillipines và Indonesia chiếm 2/3 tổng sản lượng cá khoang cổ nemo xuất khẩu. Mỹ là nước nhập khẩu số lượng cá khoang cổ lớn nhất, với khoảng 650 nghìn con/năm, chiếm tới với hơn 80% số lượng cá nhập khẩu.

Giá bán cá khoang cổ nemo xuất khẩu hiện tại dao động từ 2,0 – 3,5 USD/con tùy thuộc vào kích cỡ và màu sắc. Cá được phân ra nhóm có nguồn gốc từ sản xuất giống nhân tạo có giá bán cao hơn so với giá cá cùng loài có nguồn gốc từ đánh bắt tự nhiên từ 20 - 25%.

Tại Việt Nam, cá khoang cổ nemo chỉ hiện diện ở vùng ven bờ của một vài đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Sản lượng khai thác, đánh bắt khoảng từ 3.000 – 5.000 con/năm, chỉ đáp ứng phần rất nhỏ so với nhu cầu thị trường.

Tuy vậy, hoạt động khai thác quá mức kết hợp với phương thức khai thác thiếu khoa học đã hủy hoại các rạn san hô, nguồn lợi cá nemo hoang dã nhanh chóng cạn kiệt. Vì thế, nghiên cứu sinh sản nhân tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất thương mại cá nemo nói riêng và cá cảnh biển nói chung để đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm áp lực khai thác tự nhiên là vô cùng cần thiết.

Theo thông tin từ Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề tài “Nghiên cứu qui trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương mại một số loài cá cảnh có giá trị xuất khẩu” và dự án “Hoàn thiện qui trình và thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương mại cá khoang cổ nemo Amphiprion ocellari” đã được các nhà khoa học Viện Hải dương học thực hiện thành công.

Ông Hồ Sơn Lâm, Phó phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Viện Hải dương học cho biết, đến nay Viện Hải dương học đã làm chủ kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương mại cá nemo, hiện là nơi duy nhất sản xuất giống và cung cấp nguồn cá nemo từ sinh sản nhân tạo cho cả nước.

Quy trình kỹ thuật của Viện Hải dương học có thể ứng dụng quanh năm, sản xuất với số lượng lớn cá nemo đồng đều về kích cỡ, màu sắc, thích nghi nhanh với điều kiện nuôi nhốt và sạch bệnh, đảm bảo khả năng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, kỹ thuật này lại phổ thông, phù hợp và dễ dàng ứng dụng tại những trại sản xuất giống hải sản sẵn có. Tuy nhiên, điểm hạn chế là quy mô sản xuất còn chưa cung ứng đủ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, chưa xây dựng các phương án kinh doanh, tiếp cận các nguồn thông tin để kết nối cung – cầu, chuẩn bị các quy định pháp lý để đưa sản phẩm xuất khẩu.

Đem lại giá trị cao

Dựa trên việc có sự giống nhau trong một số đặc điểm sinh học của các loài cá khoang cổ và cá thia trong họ cá Pomacentridae, các nhà khoa học Viện Hải dương học cũng đang từng bước thử nghiệm sinh sản nhân tạo, đa dạng nhiều loài cá không chỉ cho sinh vật cảnh biển mà còn góp phần phục hồi và bảo vệ nguồn lợi cá rạn san hô hoang dã.

Ông Hồ Sơn Lâm cho biết, Viện Hải dương học đã phối hợp một doanh nghiệp thực hiện dự án “Dự án thương mại hóa cá khoang cổ nemo Amphiprion ocellaris đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”.

Dự án tiến tới mục tiêu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá khoang cổ nemo đạt năng suất 5.000 con/300m2/đợt, đề xuất giải pháp quản lý môi trường và phòng trị bệnh nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể gặp trong quá trình sản xuất.

Sản phẩm sẽ được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho các tỉnh ven biển và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản.

Với nhãn hiệu hàng hóa được thiết kế “Nemo farm Việt Nam” được bảo hộ và thuộc quyền sở hữu Viện Hải dương học, dự án bước đầu thực hiện các chiến lược quảng bá sản phẩm, nhận diện thương hiệu, thiết kế logo trên toàn bộ bao bì đóng gói các sản phẩm cá khoang cổ nemo xuất bán trên thị trường.

Toàn bộ sản phẩm cá khoang cổ nemo của dự án đều có hồ sơ chứng minh nguồn gốc thương mại xuất bán với cá khoang cổ nemo bố mẹ là thế hệ F1 thông qua hồ sơ CITES và đảm bảo qui định sức khỏe thủy sản và an toàn sinh học đối với sản phẩm xuất nhập khẩu cá nemo làm cảnh qua các nước.

Để cải thiện chất lượng sản phẩm, dự án cũng đã thành công sản xuất giống các dòng Nemo đột biến bên cạnh loài cá khoang cổ Nemo nguyên bản, với chất lượng sản phẩm tốt hơn về màu sắc, kiểu dáng.

Dự án hợp tác sản xuất và xuất khẩu cá khoang cổ nemo và các dòng đột biến với công ty kinh doanh cá cảnh biển tại TPHCM qua các nước Pakistan, Pháp, Đan Mạch, Kuwait.

Từ những kết quả đạt được, dự án tiếp tục hướng đi xuất khẩu sản phẩm sinh vật cảnh biển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Với nhu cầu thị trường dòng cá khoang cổ nemo lai tạo ngày càng lớn, dự án mong muốn tiếp tục các nghiên cứu để mở rộng sản xuất giống loài cá này bên cạnh dòng cá khoang cổ nemo truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ