Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh: Cần mở lối chính sách

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường ĐH-CĐ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như thúc đẩy tinh thần nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Đặc biệt, việc hình thành và xây dựng được những nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường sẽ tạo tiền đề lớn để vươn ra sân chơi quốc tế và hội nhập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ chế hỗ trợ vẫn “treo”

Thực tế, hoạt động NCKH trong các trường ĐH-CĐ vài năm trở lại đây đã có bước chuyển rất mạnh mẽ. Hoạt động chuyển giao công nghệ, các ứng dụng của NCKH vào đời sống đi ra từ các trường ĐH-CĐ ngày càng nhiều. Khảo sát mới nhất của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và cộng sự về các nhóm nghiên cứu trong 40 trường ĐH mới đây cho thấy, có đến 58,8% giảng viên khẳng định đang tham gia các nhóm nghiên cứu.

Khảo sát từ 142/271 trường ĐH của nhóm cũng cho biết trong các trường đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu. Như vậy một trường ĐH có trung bình 7 nhóm nghiên cứu với độ tuổi tham gia đông nhất là 35 - 45, chiếm 59,2%. Các kết quả khảo sát cũng ghi nhận, nhiều nhóm nghiên cứu mới được hình thành từ năm 2017 trở lại đây. Điều này có thể lý giải bởi áp lực của yêu cầu về công bố quốc tế dành cho đội ngũ giảng viên và nghiên cứu sinh (NCS).

Sự phát triển và đóng góp của các nhóm nghiên cứu trong 5 năm qua, theo khảo sát cho thấy, có sự chuyển biến đột phá về chất lượng khi có hơn 80% các NCS trong lĩnh vực khoa học tự nhiên - công nghệ (KHTN - CN) và 65,3% các giảng viên tham gia các nhóm nghiên cứu đã có các công bố trên các tạp chí ISI/Scopus.

Đánh giá về sự phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường ĐH, PGS.TS Hoàng An Quốc - Trưởng phòng KHCN Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: Lợi thế của các trường chính là có một đội ngũ giảng viên trẻ, trình độ, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, cái khó là nhiều trường thiếu cán bộ khoa học đầu ngành dẫn dắt nhóm nghiên cứu. Nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu còn hạn chế. Kinh phí cho các đề tài rất khiêm tốn và cung cấp chậm.

“Hạn chế lớn ở khá nhiều trường hiện nay chính là cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho nghiên cứu rất thiếu, hoặc không đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của các nhóm nghiên cứu mạnh... Đặc biệt, cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH”, PGS.TS Hoàng An Quốc kết luận.

Theo PGS.TS Bạch Long Giang - Trưởng phòng Khoa học công nghệ (KHCN) Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TPHCM, nhóm nghiên cứu có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong các cơ sở giáo dục ĐH. Họ chính là các tế bào sống của các hoạt động khoa học và thậm chí là của cả hoạt động đào tạo trong các trường ĐH. Chỉ có xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh mới được giải quyết các vấn đề khoa học đỉnh cao của ngành.

 Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, việc các trường ĐH hỗ trợ nguồn lực cho các nhóm nghiên cứu (tài chính, phòng thí nghiệm) gần như là rất hiếm, các nhóm nghiên cứu mạnh muốn tồn tại đa phần phải có mối liên hệ tốt với các trường ĐH nước ngoài hoặc xin hỗ trợ (tài chính) từ các dự án hợp tác quốc tế.

Đại diện các nhóm nghiên cứu mạnh trong lễ ra mắt tại Trường ĐHSP TPHCM. Ảnh: Kim Phong
 Đại diện các nhóm nghiên cứu mạnh trong lễ ra mắt tại Trường ĐHSP TPHCM. Ảnh: Kim Phong

Tháo khó và khai phóng sức sáng tạo

Rào cản chính sách, các thủ tục và cả cơ chế tài chính là những nguyên nhân chính khiến cho việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường ĐH-CĐ chưa tăng mạnh.

Theo TS Phạm Tiến Công - Trưởng Phòng KHCN & Môi trường Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nếu không có sự hỗ trợ hoặc có chính sách mới từ Bộ GD&ĐT thì rất khó cho các trường khối sư phạm hay các nhóm nghiên cứu thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản phát triển. Bởi với kinh phí hỗ trợ cho một đề tài nghiên cứu các trường dành cho giảng viên dao động từ 30 - 60 triệu đồng/năm/1 đề tài, hay từ 150 - 600 triệu đồng/ đề tài cấp Bộ tùy theo lĩnh vực, sẽ rất khó để các nhóm nghiên cứu duy trì.

“Cần có một chính sách hỗ trợ, hoặc một cơ chế đặc thù từ Bộ GD&ĐT, từ các trường tốt hơn cho các đề tài, bài báo khoa học ISI để kích thích giảng viên nghiên cứu. Với nhóm NCKH lĩnh vực cơ bản, khoa học giáo dục, việc chuyển giao công nghệ gần như không có. Tài chính ngân sách cấp cho NCKH eo hẹp, việc kiếm ra nguồn thu từ chuyển giao gần như không, nên nếu không có cơ chế đặc thù sẽ rất khó để thúc đẩy và xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường ĐH có tính đặc thù như ĐH Sư phạm TPHCM”.

Đồng tình với góc nhìn trên, TS Hoàng Ngọc Nhung- Phó trưởng phòng KHCN Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho rằng: Ngoài việc hỗ trợ, đầu tư mạnh cho các nhóm nghiên cứu (phòng thí nghiệm, tài chính, cơ chế phê duyệt) thì Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu lại cơ chế, tiêu chí cụ thể trong việc thẩm định, phê duyệt đề án của đề tài NCKH. Bởi theo TS Nhung, đa phần các nhóm nghiên cứu mạnh muốn duy trì được hoạt động của mình thì cần phải xin được đề tài NCKH cấp Bộ hay cấp Nhà nước, còn đề tài cấp trường thì kinh phí nếu có cũng chỉ ở mức hỗ trợ. Không có sự hỗ trợ, không xin được đề tài lớn, nhà khoa học, giảng viên sẽ bị phân tâm vì phải còn lo đời sống của mình, việc NCKH lúc ấy trở thành thứ yếu sau việc giảng dạy.

“Chúng ta xác định nhóm nghiên cứu mạnh là hạt nhân cho việc phát triển thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (Center of Excellence - CoE). Những CoE này tiêu biểu cho sức mạnh của một tổ chức có sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo. Nhưng nếu chúng ta không có cơ chế hỗ trợ đặc thù, tháo bỏ những định chế, thủ tục hành chính rườm rà thì các nhóm nghiên cứu lớn tại các trường ngoài công lập vẫn gặp khó trong việc xin đề tài, từ đó hạn chế thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh”- TS Nhung trăn trở.

PGS.TS Bạch Long Giang đề xuất, để duy trì hoạt động của nhóm nghiên cứu, cần phải có sự đầu tư kinh phí hợp lý theo nhiều nguồn, như ngân sách Nhà nước, hợp tác quốc tế, và đặc biệt là nguồn kinh phí tự chủ của nhà trường. Khi rót kinh phí xuống các nhóm nghiên cứu, nhà trường phải lưu ý đến tính hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải và chỉ tập trung một số hướng mũi nhọn của nhóm.

“Qua thực tiễn, tôi thấy rằng để một nhóm nghiên cứu trở thành một nhóm nghiên cứu mạnh vẫn cần được đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm một cách đồng bộ. Trong phần đầu tư trang thiết bị lớn cần có khoản kinh phí nhỏ duy trì hoạt động thường xuyên. Ví dụ vẫn cần giữ cho các bộ thiết bị phục vụ nghiên cứu hoạt động tương đối liên tục (stand-by), để duy trì và tạo điều kiện hoạt động trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, trước khi được duyệt đề tài. Thiếu nội lực tài chính sẽ rất khó thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh phát triển”.

Là người trực tiếp khảo sát và lắng nghe đóng góp ý kiến từ nhiều trường ĐH trên địa bàn TPHCM, về vấn đề này, GS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận: Những vấn đề các trường nêu cũng chính là “điểm nghẽn” lớn nhất đối với sự phát triển KHCN của các trường ĐH hiện nay. Vì thế, theo GS Tạ Ngọc Đôn, nếu không nhanh chóng hiện thực hóa các chính sách này (hỗ trợ, đãi ngộ, tháo khó cơ chế) thì việc giải phóng, khai phá sức sáng tạo của các nhà khoa học sẽ tiếp tục gặp khó khăn, khó có thể xây dựng thành công các ĐH trọng điểm, ĐH thông minh như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 về Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.