Phát triển nguồn nhân lực trong CMCN 4.0

GD&TĐ - Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). 

Phát triển nguồn nhân lực trong CMCN 4.0

Quá trình này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển, mang tới nhiều việc làm mới có chất lượng cho người lao động. Tuy nhiên, cơ hội lớn thường đi đôi với những thách thức tương ứng đối với thị trường lao động.

Điểm sáng chuyển dịch cơ cấu lao động

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đến năm 2025, khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) Việt Nam sẽ tăng thêm 6 triệu việc làm so với kịch bản cơ sở, chiếm 10% tổng việc làm tăng thêm của khối (60 triệu), chủ yếu ở các ngành sản xuất lúa gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực.

Hội nhập đang mở ra các cơ hội phát triển nghề nghiệp, kèm theo là việc thực hiện các quyền cơ bản của người lao động, cơ chế đối thoại xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng việc làm của Việt Nam.

Đánh giá về thị trường lao động Việt Nam trong năm 2017, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, về cơ bản thị trường lao động năm nay không có chuyển biến lớn so với năm ngoái:

Số người có việc làm, lao động làm công hưởng lương tăng nhẹ; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn giữ ở mức 76%, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2% và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị vẫn ở mức 3% (đạt theo mục tiêu đề ra là dưới 4%), tỷ lệ thất nghiệp thanh niên giảm nhẹ từ 7,86% (quý III/2016) xuống 7,63% (quý III/2017).

“Điểm sáng của thị trường lao động nước ta năm nay là chuyển dịch cơ cấu lao động khá nhanh, tỷ lệ lao động làm trong khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản đã xuống tới mức 40,4% (gần đạt được mục tiêu đề ra tiến đến năm 2020, tỷ lệ này dưới 40%)” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Điểm cần khắc phục trong những năm tới là giải quyết việc làm cho lao động ở trình độ cao từ đại học trở lên thất nghiệp ở mức cao, tại quý II/2017 là 183,1 nghìn người, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (191,3 nghìn người tại quý II/2016) nhưng tăng khá nhiều so với quý I/2017 (138,8 nghìn người).

Hỗ trợ phát triển thị trường lao động

Đảm bảo việc làm cho người lao động trước những tác động của cuộc CMCN 4.0, thì một công tác quan trọng cần được đẩy mạnh là dự báo thị trường lao động, trong đó nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các vấn đề như:

Quy mô, chất lượng của lực lượng lao động; xu hướng việc làm; việc làm phi chính thức; chuyển dịch lao động trên thị trường; thất nghiệp; năng suất lao động; thị trường lao động khu vực ven biển; đối tượng và xu hướng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; việc làm thanh niên; tác động của hội nhập quốc tế đến thị trường lao động...

Nâng cao hiệu quả thực hiện dự án phát triển thị trường lao động và việc làm, góp phần thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2018 - 2020, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết:

Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ phát triển thị trường lao động qua việc hỗ trợ các địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tổ chức điều tra, khảo sát thị trường lao động phục vụ công tác quản lý và phân tích, dự báo thị trường lao động;

Hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn;

Nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tập trung vào phát huy giá trị cốt lõi là tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tránh sa thải và duy trì việc làm cho người lao động, đào tạo nâng cấp kỹ năng hoặc trang bị kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với những yêu cầu mới của vị trí việc làm trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động...

Theo ILO, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn đang ở mức thấp của bậc thang năng lực quốc tế. Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Đặc biệt, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp (trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp) và kỷ luật lao động kém.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Su-34 và Su-57 mới đi vào trực chiến

Su-34 và Su-57 mới đi vào trực chiến

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được bàn giao máy bay ném bom chiến đấu Su-34 và máy bay chiến đấu Su-57, theo Tập đoàn nhà nước Rostec.