Hội nghị có sự tham dự của TS Nguyễn Đức Nghĩa- Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam, đại diện Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, các thầy trong Hội đồng quản trị, Ban giám Hiệu trường STU, các Lãnh các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM và các tỉnh bạn, cùng với toàn thể Cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của trường, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh các trường bạn, các đơn vị doanh nghiệp cùng dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Cao Hào Thi – Hiệu trưởng, Trường STU cho biết: Nhà trường thành lập đến nay vừa tròn 20 năm. Mỗi năm, trường STU luôn không ngừng cố gắng, nỗ lực và từng bước gây dựng nên một ngôi trường ĐH đạt chuẩn chất lượng và có uy tín trong nước và ngày càng tiếp cận các chuẩn quốc tế.
Trong chiều hướng đó và cũng nằm trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập (1997-2017). Hội nghị khoa học được tổ chức trên tinh thần Nhà trường mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, báo cáo viên trình bày các nghiên cứu và tham luận của mình nhằm tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu và đánh giá sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đối với giáo dục ĐH Việt Nam nói chung và trường STU nói riêng. Từ đó, đề ra các chiến lược và kế hoạch hành động để phát triển Nhà trường.
Cần nhắc lại, CMCN 4.0 bắt đầu vào đầu thế kỷ XXI, đó là cuộc cách mạng dựa trên cuộc CMCN lần thứ 3; là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (Internet of Things- IoT), S.M.A.C [ là nền tảng mới nhất của ngành CNTT thế giới, dựa trên 4 xu hướng hiện đại là Social - xã hội (S), Mobile- di động (M), Analytics-phân tích dữ liệu (A) và Cloud- đám mây (C)], công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới…
Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của CMCN 4.0. Các nước đang phát triển đã xác định CMCN 4.0 là chiến lược bản lề cần phải nắm bắt để theo kịp với xu hướng thế giới, mở ra bước ngoặc mới cho sự phát triển của con người và giáo dục.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua trên phạm vi quốc tế và tại Việt Nam. Một cuộc cách mạng được dự đoán sẽ tác động và làm thay đổi mạnh mẽ trong các mặt của cuộc sống và xã hội như việc làm, ngành nghề, quản trị, cách giao tiếp, chăm sóc sức khỏe,... và đặc biệt tác động rất lớn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
Hội nghị đã tập trung nghe những tham luận của các nhà khoa học và các báo cáo viên cũng như thảo luận về các chủ đề: Phân tích, đánh giá những thách thức và cơ hội của CMCN 4.0 đối với giáo dục Việt Nam nói chung và đối với các trường Đại học Việt Nam nói riêng; Phân tích, đánh giá và nhận định những ngành nghề mới được hình thành và những ngành nghề bị mất đi hoặc thay đổi trong thời đại CMCN 4.0 trên thế giới và tại Việt Nam;
Thay đổi về quan niệm, tư duy của quá trình dạy và học để tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện nề giáo dục nói chung và đổi mới theo hướng giáo dục 4.0 nói riêng; Những thách thức về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0;
Làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của thế giới; Định nghĩa về công dân toàn cầu (trình độ, kỹ năng, đạo đức…) và làm sao để đào tạo ra công dân toàn cầu; Phương pháp dạy và học trong thời đại CMCN 4.0; Nhận định về các hình thức đào tạo được hình thành, phát triển và sẽ thay thế hình thức giáo dục truyền thồng trong thời đại CMCN 4.0;
Sự tương tác giữa trường Đại học và doanh nghiệp trong thời đại CMCN 4.0; Các trường Đại học Việt Nam phải làm gì để nắm bắt cơ hội trong thời đại CMCN 4.0; Trường STU phải chuẩn bị gì, làm gì và nắm bắt cơ hội như thế nào trong thời đại CMCN 4.0 để phát triển nhanh, bền vững và chất lượng…
Báo cáo tham luận tại Hội nghị ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu và thị trường lao động TPHCM chia sẻ: Nhu cầu thị trường lao động hội nhập và nhân lực thời đại CMCN 4.0. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia Công đồng kinh tế ASEAN (AEC), số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.
Trong giai đoạn 2015-2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23% và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13% và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của hàng triệu người…
Thực tế, Việt Nam đang thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Năng suất lao động không đạt hiệu quả cao cho dù được đánh giá là có óc sáng tạo, thông minh và cần cù. Trước thực tế như vậy cùng với làn sóng của cuộc CMCN 4.0 mối lo tụt hậu trình độ lao động ngày càng hiện hữu…
Chia sẻ tham luận tại Hội nghị, PGS.TS Thoại Nam- Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Bách Khoa TPHCM nhận định “Công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn bùng nổ và phát triển nhanh chóng. Nó đang đặt ra nhiều yêu cầu cũng như thách thức đối với từng cá nhân, từng tổ chức và cả quốc gia. Việc nhận thức những thách thức và nắm bắt những cơ hội là rất cần thiết.
Trường ĐH phải là tổ chức tiên phong trong vấn đề này vì việc đào tạo con người cho giai đoạn đổi mới này mất nhiều thời gian, nhân lực và tài lực. Vì vậy Chính phủ nên cho các trường ĐH một cơ chế hoạt động năng động hơn và đặc biệt nên có chính sách đầu tư trọng điểm cho một số trường ĐH tiểm năng nhằm ươm mầm hình thành các tổ chức đào tạo và nghiên cứu mạnh cho sự phát triển bền vững của quốc gia trong tương lai gần hướng đến công nghiệp 4.0”…