Kỹ năng trong kỷ nguyên 4.0

GD&TĐ - Dự báo mới đây của ManpowerGroup - công ty cung cấp dịch vụ nhân sự quốc tế, cho thấy, mối đe dọa chính trong cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là Tự động hóa, Robots, Trí thông minh nhân tạo và Số hóa. 

Kỹ năng trong kỷ nguyên 4.0

Hơn 90% giới chủ dự đoán tổ chức của họ sẽ bị tác động số hóa trong vòng hai năm tới. Vì vậy, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng trong kỷ nguyên 4.0 đang là vấn đề được đặt ra.

Đơn vị tiền tệ mới

Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông Simon Matthews cho rằng, trong CMCN 4.0 nhu cầu về kỹ năng của lực lượng lao động sẽ được nâng cao, ví dụ các kỹ năng của CEO sẽ thành kỹ năng quản lý cấp trung và kỹ năng quản lý cấp trung sẽ trở thành kỹ năng của nhân viên; Máy móc sẽ thay thế kỹ năng giản đơn và lặp đi lặp lại.

Để tồn tại và phát triển trong nền công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trong nước phải tự trau dồi và nâng cao các kỹ năng. Từ năm 2018, các nước thành viên trong khối ASEAN có thể tạo ra nhiều cơ hội cho lực lượng lao động của mình dịch chuyển tự do trong khu vực, khi đó những ai có được bộ kỹ năng thích hợp sẽ là người có lợi thế.

Theo Chủ tịch, CEO Manpower Group Jonas Prising, con người sẽ cần những kỹ năng mới và họ sẽ thường xuyên cần đến chúng hơn để có thể tìm được cơ hội việc làm, thậm chí đối với những công việc còn chưa tồn tại. Kỹ năng sẽ trở thành đơn vị tiền tệ mới trong kỷ nguyên nhân tài.

“Chúng ta không thể làm chậm sự phát triển của công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa, nhưng chúng ta có thể đầu tư vào kỹ năng của nhân viên để tăng khả năng thích nghi của con người trong công việc” - ông Jonas Prising nhấn mạnh.

Khuyến nghị phát triển kỹ năng nghề

Các chuyên gia cho rằng, CMCN 4.0 cũng đồng thời được xem như là cơ hội nhiều hơn là mối đe dọa, bởi sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và linh hoạt trong nhận thức là những kỹ năng nêu bật tiềm năng của con người, giúp họ vẫn là lực lượng lao động quan trong, không thể bị thay thế bởi robots.

Công nghệ sẽ thay thế các hoạt động thủ công có tính chu kỳ để con người có thể đảm nhiệm công việc không mang tính chu kỳ và phức tạp hơn, nhu cầu nâng cấp kỹ năng và đa dạng hóa trong nhiều lĩnh vực mới sẽ trở nên bức thiết. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà giáo dục và Chính phủ phải chủ động nâng cao kỹ năng và đào tạo cho người lao động.

Tại Việt Nam nguồn nhân lực vẫn chưa phát triển kịp với đà tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật toàn xã hội chiếm tới trên 81% tổng số lao động; lực lượng lao động thiếu nhiều kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường làm việc mới. Năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém. Đây là vấn đề đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhằm giải quyết những vấn đề này, ManpowerGroup Việt Nam khuyến nghị: Mở rộng kênh cung cấp thông tin về cơ hội việc làm, thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối doanh nghiệp với người lao động; Tăng cường các chương định hướng nghề nghiệp, tư vấn cho người lao động về lộ trình nghề nghiệp; Chú trọng phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên và học viên trường nghề; Xây dựng các dự án đào tạo nâng cao kỹ năng, tái đào tạo kỹ năng, đảm bảo khả năng tìm việc và phát triển bền vững của người lao động trong kỷ nguyên 4.0.

Những kỹ năng cần thiết sẽ thay đổi vào năm 2020 bao gồm: Kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp làm việc nhóm, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán và khả năng linh hoạt của nhận thức.

Trung bình, vào năm 2020, hơn 1/3 số kỹ năng cốt lõi của hầu hết các công việc yêu cầu, sẽ bao gồm các kỹ năng mà công việc hiện nay chưa xem trọng. Trong khi tự động hóa có khả năng thay thế 45% các hoạt động trong các loại hình việc làm và thay thế 5% toàn bộ công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ