Phát triển năng lực học sinh với dạy học Tiếng Việt lớp 3

GD&TĐ - Cô Lê Thị Thanh Mai, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) chia sẻ về phát triển năng lực học sinh.

Cô Mai cùng học sinh lớp 3A5 trong giờ học.
Cô Mai cùng học sinh lớp 3A5 trong giờ học.

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 3, cô Lê Thị Thanh Mai, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) đã cùng học sinh lớp 3A5 lên chuyên đề cấp quận bài 2: Về thăm quê với tiết Đọc: Về thăm quê và Viết: Ôn chữ viết hoa: A, Ă, Â. Chuyên đề được PGS.TS Trần Thị Hiền Lương - Chủ biên sách Tiếng Việt bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đánh giá cao.

Tăng cường tính trải nghiệm

Bài dạy chuyên đề của cô Mai được chia thành 2 tiết, tiết 1 đọc hiểu văn bản, tiết 2 tập viết. Khởi động bài học, học sinh lớp 3A5 cùng cô hát ca khúc: “Em yêu mùa hè quê em”. Âm điệu rộn ràng của bài hát đã mang lại năng lượng tích cực cho học sinh. Qua đó cô giáo đã dẫn dắt các em vào bài “Về thăm quê” bằng những câu hỏi gợi ý về kì nghỉ hè.

Với lối dẫn dắt mềm mại, nhẹ nhàng cô Mai hướng cho học sinh tiếp cận văn bản rất tự nhiên, học sinh nghe cô đọc văn bản như đang được cô dắt về thăm quê, như đang sống trong miền kí ức với hình ảnh người bà thân thương, mảnh vườn xanh mướt nhiều cây trái.

Giọng cô Mai mượt mà, có đoạn nhấn nhá khiến bài thơ thêm hay và giàu xúc cảm, thu hút sự quan tâm, hào hứng của học sinh. Học sinh được nghe cô đọc mẫu văn bản và cùng nhau luyện đọc văn bản, từng phần văn bản theo hình thức: Đọc cá nhân, đọc đôi, đọc theo dãy; cùng sửa cho nhau dưới sự điều hành của cô giáo. Qua phần đọc của trò, cô Mai cùng sửa cho các em lỗi phát âm, nhấn giọng….

Dưới sự dẫn dắt của cô giáo qua các câu hỏi gợi mở, câu hỏi tình huống, học sinh lớp 3A5 cùng nhau thảo luận nhóm tìm hiểu những điều thú vị khi về quê, tình cảm của nhân vật trong đoạn thơ. Từ văn bản, học sinh được cô giáo dục về tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước. Tiếp theo bài đọc hiểu văn bản, học sinh được luyện viết chữ hoa A, Ă, Â trong thời gian 20 phút dưới sự hướng dẫn, nhận xét của giáo viên.

Cô Thanh Mai chia sẻ: Tiết dạy chuyên đề được đánh giá rất thành công, học sinh tham gia vào tiết học tích cực, chủ động đảm bảo yêu cầu đặt ra về các mặt kiến thức, kĩ năng và phát triển năng lực, phẩm chất.

“Dạy học môn Tiếng Việt lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018 là dạy học phát triển năng lực. Vì vậy trong tiết chuyên đề, để phát huy tính trải nghiệm thực tế của bộ môn Tiếng Việt mới, giáo viên hướng học sinh vào những câu hỏi mở rộng trong hoạt động đọc hiểu. Tôi đã sử dụng những câu hỏi có tính thực tế đòi hỏi các em phải đặt mình vào vị trí của nhân vật. Ví dụ, nếu em là bạn nhỏ em thích điều gì nhất? Khi về thăm ông bà hoặc người thân, em từng có cảm xúc và suy nghĩ như của bạn nhỏ không? Việc làm nào của bà bạn nhỏ giống bà của em? Chúng ta cần làm gì để đáp lại tình yêu thương đó?”, cô Mai cho hay.

PGS.TS Trần Thị Hiền Lương.

PGS.TS Trần Thị Hiền Lương.

Gắn với thực tiễn giao tiếp

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy lớp 3, cô Đào Thị Hồng Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho hay: Chương trình mới có nhiều ưu điểm, vừa mang tính kế thừa vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì thế, bản thân cô không ngừng trau dồi, sáng tạo, tìm hiểu, tiếp cận thêm các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới làm phương tiện giảng dạy Chương trình GDPT 2018.

Trong giảng dạy cô luôn tích cực hóa mọi hoạt động của học sinh, giúp các em được thực hành nhiều, bộc lộ nhiều. Chú trọng đến dạy học theo nhóm. Theo cô Duyên, để có bài dạy hay, đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kĩ nội dung bài học để phân bố thời gian cho các hoạt động một cách linh hoạt. Trong các tiết học, bài học, nếu các nội dung đơn giản, học sinh đã quen và có kĩ năng thì không nên dành quá nhiều thời gian, ưu tiên phân bố thời gian cho những nội dung chính, nội dung khó. Đồng thời giáo viên chú trọng dành thời gian hợp lí cho các trải nghiệm, giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.

Tại chuyên đề nhiều giáo viên lớp 3 của quận Hồng Bàng đã bày tỏ băn khoăn về: Cách thức lên lớp một bài học, logic bài đọc 1,5 tiết; hướng dẫn học sinh tập viết, nhất là với từ khó khi chương trình mới chỉ có nửa tiết cho phần tập viết.

Trước những băn khoăn trên, PGS.TS Trần Thị Hiền Lương - Chủ biên sách Tiếng Việt bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã hướng dẫn thầy cô cách thức triển khai tiết dạy, kĩ thuật bố trí thời gian linh hoạt.

PGS.TS Hiền Lương cho rằng, phần đọc học sinh được học 1,5 tiết. Trong tiết đọc, các em được luyện đọc thành tiếng, đọc diễn cảm, đọc hiểu. Với lớp 3, các em không chỉ thể hiện kĩ thuật đọc văn bản mà còn đọc diễn cảm và thể hiện cảm nhận của mình qua việc trả lời câu hỏi. Giáo viên linh hoạt trong việc ngắt tiết, tăng cường các câu hỏi bổ sung nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. PGS.TS Hiền Lương cũng hướng dẫn và nhấn mạnh cho thầy cô một số yêu cầu cơ bản về kĩ thuật viết trong chương trình lớp 3.

Tiếp mạch ý tưởng của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 và Tiếng Việt 2, môn Tiếng Việt 3 nội dung học tập được tổ chức theo các mạch tương ứng với các kĩ năng ngôn ngữ, không chia tách các phân môn. Cách tiếp cận này giúp cho hoạt động dạy học môn Tiếng Việt gắn với thực tế giao tiếp, tạo được sự hứng thú ở người học và nâng cao hiệu quả môn học. Hệ thống chủ điểm được sắp xếp hợp lý, mỗi trang sách sẽ lần lượt dẫn dắt các em từ trải nghiệm của bản thân, đến nhà trường, gia đình, cộng đồng, thiên nhiên, đất nước… Theo các chủ điểm, học sinh sẽ rèn luyện và phát triển các kĩ năng đọc, viết, nói, nghe cùng các kiến thức của môn Tiếng Việt đáp ứng nhu cầu của Chương trình GDPT 2018. - Bà Hoàng Thị Minh Hương (Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ