Chủ động tâm thế
Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long thuộc vùng khó huyện Yên Minh (Hà Giang). Vì vậy, nguồn lực - nhân lực để triển khai CT GDPT mới ở năm thứ 3 đòi hỏi nỗ lực không ngừng của ban giám hiệu, giáo viên nhà trường.
Thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng phấn khởi trao đổi: Các điều kiện cơ bản để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 3 được chuẩn bị. Đội ngũ giáo viên được phân công đứng lớp đều thực hiện bồi dưỡng chuyên môn; sách giáo khoa mới đã về tới trường; đồ dùng dạy học, cơ sở vật chất vừa được tu bổ vừa đầu tư mua sắm mới một phần.
Đặc biệt, trước đây học sinh của trường “trắng” Tiếng Anh, Tin học, song để đáp ứng điều kiện triển khai môn Tin học bắt buộc ở lớp 3, trường được hỗ trợ phòng với 20 đầu máy. Trường đầu tư đường mạng, lắp đặt Internet cũng như các điều kiện cần thiết để triển khai dạy môn Tin học.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bình, Yên Bái) cũng cho biết, đến thời điểm này, các trường tiểu học của huyện đã đáp ứng được điều kiện triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới lớp 3.
Ngành đã tiến hành bồi dưỡng 100% giáo viên giảng dạy lớp 3 cùng cán bộ quản lý về chương trình mới. Các trường sẵn sàng phòng học chuyên dụng cho môn Tin học, Ngoại ngữ. Việc mua sắm máy móc đã đề xuất và sẽ phân bổ về trường trước khai giảng. Đặc biệt, tình trạng thiếu về lượng, yếu về chất của đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học cũng có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm triển khai 2 môn học bắt buộc ngay từ đầu năm học.
Đi liền với cơ sở vật chất, thì tâm thế, nhận thức, sự chủ động vào cuộc của đội ngũ giáo viên lớp 3 cũng quyết định lớn tới thành công, hiệu quả quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, các nhà trường rất chú trọng đến vấn đề này.
Chia sẻ quan điểm trên, theo cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên lớp 3 Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội), 100% giáo viên dạy lớp 3 đã hoàn thành tập huấn chương trình, sách giáo khoa lớp mới. Nhà trường cũng hỗ trợ để giáo viên tiếp cận với nguồn tài liệu chính thống từ các nhà xuất bản; động viên khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ để nắm vững tinh thần, yêu cầu về nội dung chương trình… trước khi bước vào triển khai.
Cô Loan khẳng định: Bước sang năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên đã có quá trình đã tiếp cận với sách giáo khoa các lớp 1, lớp 2 mới nên nắm được yêu cầu cơ bản, tính liên thông, liền mạch của nội dung, chương trình. Cùng đó, việc bồi dưỡng, tập huấn khá kỹ càng… nên tâm thế chung của giáo viên khi bước vào năm học mới đầy tự tin, các điều kiện triển khai cũng thuận lợi, hiệu quả.
“Sách giáo khoa lớp 3 có sự tiếp nối các năm trước, là tài liệu mở nên giáo viên có thể sử dụng linh hoạt, sáng tạo từ phân bổ thời lượng về bài học, các hoạt động học tập, ngữ liệu, câu hỏi... Điều này đồng nghĩa quá trình dạy học có thể dựa vào sách giáo khoa như một tài liệu phục vụ chứ không phải tuân thủ nghiêm ngặt. Điều này phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, điều kiện của trường vùng khó”, cô Lý chia sẻ.
Là giáo viên vùng cao với điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới còn hạn chế song cô Ôn Thị Lý, Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) lại chia sẻ tinh thần chủ động bước vào giảng dạy lớp 3 năm học tới. Có được điều đó bởi nhà trường đã lên danh sách và thông báo từ sớm để giáo viên chuẩn bị tinh thần, bố trí thời gian trong hè phù hợp để tham gia tập huấn đầy đủ.
Mặt khác, theo cô Lý, năm nay dịch bệnh được khống chế, quá trình bồi dưỡng diễn ra tập trung, giáo viên cùng nhau trao đổi, bàn thảo, rút kinh nghiệm trực tiếp. Những vướng mắc trong chuyên môn được tổ chuyên môn của trường, tập thể khối, ban giám hiệu tháo gỡ ngay cùng giáo viên.
Học sinh Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang). Ảnh: Đức Trí |
Linh hoạt tháo gỡ khó khăn
Năm nay, Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) có 4 lớp 3 với 134 học sinh. Để triển khai Tiếng Anh, Tin học bắt buộc không dễ nếu không chủ động tháo gỡ sớm.
Thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Một mặt, trường tìm và biên chế được 1 giáo viên Tiếng Anh. Cử 1 giáo viên Tin học học nâng cao chuyên môn. Như vậy, giáo viên Tiếng Anh sẽ đảm nhiệm hoàn toàn việc triển khai môn học cho học sinh lớp 3 tại điểm chính và 4 điểm lẻ. Đối với môn Tin học, ở các điểm lẻ nhà trường bố trí giáo viên văn hóa dạy phần lý thuyết và huy động máy tính của giáo viên cho học sinh tiếp cận ban đầu trong thực hành. Lên lớp 4, số học sinh điểm lẻ sẽ được củng cố phần thực hành tại điểm chính.
“Trong điều kiện nguồn lực, nhân lực hạn hẹp, nhà trường cố gắng bố trí, sắp xếp sao cho linh hoạt, hiệu quả nhất trước khi trông chờ vào đầu tư, hỗ trợ của địa phương. Dẫu chưa đầy đủ, trọn vẹn xong các điều kiện triển khai lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cơ bản sẵn sàng…”, thầy Tường khẳng định.
Chia sẻ cách tháo gỡ khó khăn về giáo viên Tiếng Anh, Tin học tại huyện Yên Bình, ông Nguyễn Văn Lịch cho hay: Phòng ưu tiên toàn bộ giáo viên Tiếng Anh dạy đủ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần. Sau đó tùy theo điều kiện mỗi trường mới triển khai dạy tiếng Anh theo yêu cầu cho lớp 1, lớp 2.
Phòng cũng lên danh sách, tính toán và bố trí giáo viên Tiếng Anh dạy liên trường song mỗi giáo viên chỉ dạy tối đa 2 trường, tránh đi xa hoặc quá tải. Với môn Tin học sẽ lấy giáo viên Tin học THCS xuống dạy hỗ trợ bậc tiểu học. Những tiết dạy vượt ra khỏi định mức chung, giáo viên sẽ được tính và trả tiền thừa giờ theo quy chế chi tiêu nội bộ từng trường.
Để bảo đảm cơ sở vật chất, đủ số lượng giáo viên triển khai Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với lớp 3, một trong những giải pháp được ngành đẩy mạnh là dồn học sinh ở điểm lẻ ra trung tâm. Số học sinh điểm lẻ chưa thể dồn hết về trường chính sẽ dồn về điểm lẻ trung tâm có đủ cơ sở vật chất. Như vậy năm học tới, 100% học sinh lớp 3 của Bắc Giang được học Tin học, Ngoại ngữ... - Ông Hà Huy Giáp (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang)