Phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh THCS

GD&TĐ - Từ một nghiên cứu nhỏ về năng lực giao tiếp của học sinh cuối cấp THCS, ThS Lê Thị Minh Nguyệt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã đưa ra những đề xuất về việc dạy học Tiếng Việt nhằm phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh bậc học này.

Phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh THCS

Yếu kĩ năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ

Bên cạnh ý kiến của chuyên gia, để đánh giá năng lực giao tiếp của học sinh THCS một cách độc lập và khách quan, nhóm nghiên cứu của ThS Lê Thị Minh Nguyệt đã phát phiếu điều tra về năng lực giao tiếp cho 200 học sinh lớp 8 ở Hà Nội và 150 học sinh lớp 8 ở Yên Bái.

Trong 10 nhóm kĩ năng, kĩ năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ của học sinh THCS đang ở mức báo động. 

Trong nhà trường phổ thông, kĩ năng này của học sinh chủ yếu được rèn và phát triển ở môn Ngữ văn, phần Tiếng Việt.

Vì thế, việc tổ chức dạy học phần Tiếng Việt nhằm nâng cao năng lực giao tiếp cho học sinh đứng từ thực tế cuộc sống là hết sức cấp bách và cần thiết.

Công cụ là phiếu đánh giá năng lực giao tiếp của tác giả V.P. Da-kha-rốp - một phiếu đánh giá đã được Việt hóa và sử dụng rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam.

Trắc nghiệm của Da-kha-rốp là một hệ thống 80 câu hỏi, chia theo 10 nhóm kĩ năng, mỗi nhóm gồm 8 câu. Mỗi câu có ba hình thức điểm: 0, 1 và 2.

Dựa vào thang điểm của V.P.Dakharop cho mỗi kỹ năng có thể chia 4 mức độ: Mức 1: từ 15 đến 16 là loại giỏi; mức 2: từ 11 đến 14 là loại khá; mức 3: Từ 8 đến 10 là loại trung bình; mức 4: Từ 7 trở xuống là loại yếu.

Kết quả cho thấy thực trạng năng lực giao tiếp của học sinh Hà Nội ở mức trung bình. Với học sinh Hà Nội, có hai kĩ năng là nghe đối tượng giao tiếp và linh hoạt, mềm dẻo trong giao tiếp đạt mức “khá”, 8 kĩ năng còn lại chỉ đạt mức trung bình. 

Với học sinh Yên Bái, thực trạng năng lực giao tiếp của các em ở mức độ yếu. Khác với học sinh Hà Nội, học sinh Yên Bái có kĩ năng đạt điểm cao nhất ở mức độ khá là kĩ năng cân bằng nhu cầu cá nhân và đối tượng (kĩ năng này, học sinh Hà Nội xếp thứ bậc 7). Các kĩ năng còn lại chỉ đạt mức độ yếu.

Điểm tương đồng thú vị trong bảng đánh giá năng lực giao tiếp của học sinh là kĩ năng diễn đạt cụ thể, dễ hiểu của học sinh Yên Bái và Hà Nội đều xếp thứ 10 (kĩ năng yếu nhất).

Từ kết quả nghiên cứu ở trên, ThS Lê Thị Minh Nguyệt nhận thấy năng lực giao tiếp của học sinh cuối cấp THCS chỉ đạt mức trung bình và yếu.

Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của chương trình giáo dục trong nhà trường là phát triển, nâng cao năng lực giao tiếp cho các em - một năng lực chung, then chốt đã và luôn được đề cao trong mục tiêu đào tạo con người ở hầu hết các nước trên thế giới.

Đề xuất dạy học Tiếng Việt phát triển năng lực giao tiếp

ThS Lê Thị Minh Nguyệt cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai “Đề án xây dựng chương trình GDPT sau 2015” với sự đổi mới toàn diện, đồng bộ và nhất quán nền giáo dục từ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Chương trình đã khẳng định là được cấu trúc lại theo định hướng phát triển năng lực. Trong đó, năng lực giao tiếp được coi là một năng lực chính không thể thiếu trong việc đào tạo con người.

Để phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh, phần Tiếng Việt trong nhà trường cần đồng thời thực hiện các nhiệm vụ:

Cung cấp cho học sinh những tri thức Việt ngữ học, giúp học sinh tìm hiểu, học tập văn hóa giao tiếp của người Việt và cả người nước ngoài, tạo điều kiện để học sinhcó thể vận dụng tri thức ngôn ngữ vào giao tiếp linh hoạt, năng động, phù hợp với chuẩn ngôn ngữ và chuẩn giao tiếp xã hội.

Năng lực đó phát triển đến một mức độ nhất định có thể trở thành “nghệ thuật giao tiếp”.

Với mục tiêu như vậy, ThS Lê Thị Minh Nguyệt cho rằng, cần có chương trình dạy học theo định hướng giao tiếp.

Chương trình Ngữ văn mới cần được thiết kế nhằm phát triển đầy đủ các thành tố của năng lực giao tiếp (năng lực ngôn ngữ, năng lực diễn ngôn, năng lực hành ngôn, năng lực văn hóa xã hội, năng lực chiến lược).

“Chọn lựa vấn đề nào của ngôn ngữ học để đưa vào dạy học trong chương trình Ngữ văn THCS có ý nghĩa quan trọng với việc phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh. Bởi vì, chỉ khi nào chương trình và sách giáo khoa được biên soạn một cách thực sự khoa học thì việc dạy học của giáo viên và học sinh mới đạt được mục tiêu đề ra” - ThS Lê Thị Minh Nguyệt cho hay.

Để dạy học Tiếng Việt nhằm phát triển năng lực cho học sinh, theo ThS Lê Thị Minh Nguyệt, không thể không sử dụng các phương pháp dạy học điển hình cho quan điểm giao tiếp như phương pháp đóng vai, phương pháp học thông qua dạy, phương pháp dạy học theo nhóm ...

Bên cạnh đó, ThS Lê Thị Minh Nguyệt cũng nhấn mạnh, việc đổi mới mục tiêu, cấu trúc chương trình và phương pháp dạy học tất yếu phải có hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp, điều chỉnh lại những hạn chế của các hình thức kiểm tra đánh giá hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ