Để giáo viên phổ thông tiếp cận nguồn học liệu mở, tự bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố.
"Cây cầu" kết nối giáo viên
Là chuyên gia tư vấn về bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) của BQL Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT), PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết: Tài liệu bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) do đội ngũ giảng viên các trường đại học xây dựng và phát triển. Nguồn học liệu mở này sẽ liên tục được bổ sung, phát triển bởi các cộng đồng giáo viên, giảng viên sư phạm để cùng nhau chia sẻ, kết nối kiến thức, kinh nghiệm, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp.
TS Nguyễn Thị Ninh, Hiệu phó Trường THCS – THPT Trần Quốc Tuấn, Hà Nội, chia sẻ rằng: Tài liệu bồi dưỡng trực tuyến trên hệ thống LMS có những ưu điểm nổi bật. Nguồn học liệu này tạo nên sự tương tác tốt giữa các thầy cô với đội ngũ cốt cán các nhà trường và cụm trường, với các giảng viên của các trường ĐHSP. Các thầy cô cốt cán và giảng viên ĐHSP đồng hành, hướng dẫn, trợ giúp thường xuyên và giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình giáo viên tự bồi dưỡng tại địa phương. Qua bồi dưỡng, thầy cô giáo là người thụ hưởng nhưng cũng đồng thời cùng với đồng nghiệp kết nối, chia sẻ và kiến tạo tri thức mới.
Cô Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cho biết: Học liệu bồi dưỡng có sẵn trên hệ thống LMS nên các thầy cô có thể tải về tự học bất cứ lúc nào. Nội dung bài học rõ ràng, video dễ hiểu đồng thời có những câu hỏi giúp giáo viên tự đánh giá mức độ thông hiểu bài học.
“Lần bồi dưỡng này có hiệu quả cao. Chúng tôi tiếp thu được nhiều kiến thức, được tiếp cận trực tiếp tài liệu. Tất cả giáo viên, không chỉ cốt cán đều được bình đẳng trong tiếp cận tài liệu gốc trên Hệ thống LMS. Nhờ đó, mỗi giáo viên đều nắm được nội dung đổi mới, phương pháp mới của chương trình tổng thể cũng như phương pháp giảng dạy và giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh”, cô Thủy nhận xét.
Cô Đỗ Khánh Hoàn, giáo viên Trường THPT Tây Tiền Hải (Thái Bình) đặc biệt thích thú với các ví dụ trong tài liệu: “Nó sát thực tế, có thể áp dụng và bài giảng. Nếu có thế, cần tăng thêm nhiều video và phù hợp vùng miền” – cô Hoàn chia sẻ.
Là giáo viên môn Lịch sử tại Trường PTTH Trưng Vương, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), cô Đỗ Thị Cúc đánh giá cao sự tương tác, trao đổi giữa các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng trực tuyến, kể cả giữa giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà. Thông qua thảo luận, trao đổi, thầy cô có thể hoàn thiện kiến thức của mình.
Cô Cúc cho biết: “Tài liệu bồi dưỡng trên hệ thống LMS có nhiều ưu điểm. Tài liệu học tập từ văn bản đến video đều đa dạng. Trong quá trình tự học, nếu vướng mắc, thầy cô có thể trao đổi qua mạng. Giáo viên đã thông hiểu sẽ hướng dẫn cho đồng nghiệp còn bỡ ngỡ. Nhiều thầy cô rất tích cực, học đến gần nửa đêm.
Trong thời đại 4.0, tôi cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào bồi dưỡng trực tuyến trên Hệ thống LMS của Bộ GD&ĐT là hình thức ưu việt. Bên cạnh đó, sau khi học trực tuyến, chúng tôi có buổi sinh hoạt chuyên môn trực tiếp để trao đổi, giải đáp thắc mắc. Sự kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến trong bồi dưỡng GV là mô hình phù hợp đối với chúng tôi”.
Nâng cao chất lượng học liệu mở
Để đáp ứng được kỳ vọng của người học, hệ thống bài giảng, học liệu điện tử cầnxây dựng, phát triển kho học liệu trực tuyến phong phú và đa dạng hơn - TS Nguyễn Thị Ninh đưa đề xuất.
Trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT mới đồng thời đáp ứng nhu cầu tự học của GV, cô Ninh cho rằng nội dung và hình thức học liệu mở nên được xây dựng phong phú, đa dạng từ khóa học, bài giảng minh họa, đề thi, tài liệu tham khảo. Tài liệu nên được chia sẻ trên các cổng thông tin, trang web, hệ thống chia sẻ học liệu, hệ thống thông tin cập nhật… trên Internet nhằm cung cấp kiến thức bổ trợ thường xuyên cho giáo viên.
Nguồn dữ liệu, tài liệu từ các trường đại học có thể chia sẻ cho các trường phổ thông, tạo điều kiện liên kết gắn bó giữa nơi đào tạo và nơi sử dụng nguồn nhân lực giáo viên, phục vụ cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngay tại cơ sở trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT mới. Đội ngũ giảng viên sư phạm, cố vấn học tập cần hỗ trợ người học một cách tích cực và kịp thời hơn nữa trong suốt quá trình bồi dưỡng trực tuyến.
Theo cô Nguyễn Thị Ninh, để phát triển nguồn học liệu mở, cần xây dựng cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá quá trình bồi dưỡng trực tuyến nhằm đảm bảo tính khách quan, đáp ứng sự hài lòng của người học. Ngoài ra, xây dựng phương pháp quản lý người học trên hệ thống LMS, như quản lý thời gian học, hoàn thành các nhiệm vụ học tập, mức tiến bộ của người học, ý kiến phản hồi nhanh của người học…
Cô Ninh bày tỏ, đề tự học, tự phát triển năng lực nghề nghiệp, GV phổ thông cần trang bị tốt kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc với máy tính. Vì những kỹ năng này giúp GV tương tác thường xuyên với đồng nghiệp, khai thác tối đa các nguồn học liệu mở, cập nhật các thông tin mới, đổi mới cách thức giảng dạy đem lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học, giáo dục.
Khi các học liệu mở đã được hoàn thiện, mỗi giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng ngay trong tổ, nhóm bộ môn và hệ thống thư viện số của nhà trường. Từ đó, giáo viên chủ động tiếp cận các nguồn thông tin mới, cập nhật kiến thức của bộ môn, hỗ trợ việc giảng dạy tại trường phổ thông.