Thực hiện nhiệm vụ được giao từ tháng 12/2019, các trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP đã triển khai xây dựng tài liệu mô đun 2,3,4 bồi dưỡng giáo viên THCS và THPT trong năm 2020 (cấp Tiểu học do RGEP thực hiện) và mô đun 2,34 bồi dưỡng CBQLCSGDPT ở cả 3 cấp.
Ông Hoàng Đức Minh – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu tài liệu bồi dưỡng CBQLCSGDPT cho biết: Quá trình xây dựng, các trường ĐHSP đã tuân thủ nghiêm túc quy trình 18 bước đảm bảo chất lượng tài liệu (quy trình đã được Ngân hàng Thế giới, các đơn vị liên quan đồng thuận), bám sát các yêu cầu, nội dung cần đạt theo QĐ 4660/QĐ-BGDĐT.
Các trường, nhóm biên soạn tài liệu đã tham vấn ý kiến các Vụ/Cục; WB; chuyên gia tư vấn quốc tế; chuyên gia độc lập; giáo viên, CBQL các cơ sở GDPT góp ý tài liệu.
Để hỗ trợ cho các trường, Ban quản lý ETEP đã tổ chức các hội thảo hỗ trợ kỹ thuật trong tháng 5&7/2020; đồng thời tổ chức cho các Ban soạn thảo làm việc với các cục/vụ liên quan, chuyên gia quốc tế để góp ý trực tiếp cho từng mô đun; thường xuyên đôn đốc các trường về tiến độ, quy trình và kết nối với chuyên gia độc lập và chuyên gia của WB.
Các Hội đồng thẩm định do Nhà trường thành lập nhưng được ETEP giám sát để đảm bảo có ít nhất đại diện của 2 trường ĐHSP khác và đại diện lãnh đạo, chuyên viên của cục/vụ chuyên môn của Bộ trong mỗi hội đồng.
Kết quả phát triển các tài liệu mô đun 2,3,4 cho thấy, với tài liệu bồi dưỡng giáo viên: Mô đun 2 do trường ĐHSP TP.HCM biên soạn; Mô đun 3 do Trường ĐHSP Hà Nội biên soạn; Mô đun 4 do Trường ĐHSP Đà Nẵng biên soạn - được tiến hành thẩm định với kết quả 25/25 bộ tài liệu được đánh giá ở mức đạt nhưng cần sửa chữa. Các trường ĐH đã hoàn thiện theo yêu cầu của các Hội đồng thẩm định và chuyển sản phẩm về BQL ETEP.
Đối với Tài liệu bồi dưỡng CBQLCSGDPT (TH, THCS, THPT). Mô đun 2: Do trường ĐHSP Hà Nội biên soạn; Mô đun 3 do trường ĐHSP Đà Nẵng biên soạn; Mô đun 4 do Trường ĐHSP Huế biên soạn. Tất cả đã hoàn thành thẩm định và gửi về BQL ETEP để nghiệm thu sản phẩm.
Đặc biệt, tại các Hội thảo – Tập huấn giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt tại Hà Phòng, TP Hồ Chí Minh và Vinh - một lần nữa các bộ tài liệu, học liệu được các đại biểu rà soát và góp ý nhằm đảm bảo tính đồng bộ tạo thành chỉnh thể thống nhất giữa các tài liệu mô đun 2, 3, 4.
Các bộ tài liệu của các Mô đun cơ bản đáp ứng yêu cầu cần đạt, định hướng nội dung chính được quy định tại Quyết định số 4660/QĐ-BGDĐT và yêu cầu sản phẩm tài liệu, học liệu theo quy định bao gồm tài liệu dạng in, infographic, video, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài tập tự luận đánh giá hoàn thành mô đun.
Đồng thời, các tài liệu này đã được tải lên hệ thống học tập trực tuyến (LMS) theo kịch bản sư phạm đáp ứng yêu cầu tự học, tự bồi dưỡng của học viên trước khi tham gia bồi dưỡng trực tiếp.
Đánh giá chung về công tác xây dựng tài liệu, ông Hoàng Đức Minh – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu tài liệu bồi dưỡng CBQLCSGDPT khẳng định: Chủ trương giao các trường ĐHSP chủ chốt chủ trì xây dựng các tài liệu bồi dưỡng GV và CBQLCSGDPT là hoàn toàn đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cho các trường và tăng cường sự kết nối giữa các trường ĐHSP với các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông.
Ban Quản lý ETEP đã phối hợp với các cục/vụ, WB để ban hành các quy định về đảm bảo chất lượng, bao gồm: Quy trình xây dựng tài liệu và Quy trình tiến hành thẩm định tài liệu; Ban Quản lý dự kiến thành lập để tiến hành nghiệm thu sản phẩm của các mô đun trước khi các trường ban hành tài liệu phục vụ cho tập huấn cốt cán.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu tài liệu bồi dưỡng CBQL CSGDPT cũng cho rằng, quá trình xây dựng tài liệu còn bộc lộ một số điểm cần cải thiện như: Một số tài liệu cần cân nhắc giảm thiểu nội dung lý thuyết hàn lâm và cố gắng bám sát thực tế và nhu cầu bồi dưỡng cho GV và CBQL CSGD để thực hiện CTGDPT 2018. Do đó, tài liệu cần tiếp tục được phản hồi, hoàn thiện trong quá trình chuyển giao tài liệu cho giảng viên sư phạm và quá trình bồi dưỡng đội ngũ cốt cán trước khi được sử dụng cho bồi dưỡng đại trà.
Mặt khác, cần tăng cường kết nối, trao đổi giữa các cục/vụ với các Ban biên soạn ngay từ giai đoạn đầu để đảm bảo tài liệu đáp ứng được cả tính học thuật lẫn hướng dẫn của Bộ…
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đánh giá cao chất lượng Mô đun 1. Ở Mô đun 1, CBQL, GV đã được bồi dưỡng tập huấn, hướng dẫn tìm hiểu về CTGDPT tổng thể (phương pháp dạy học, định hướng đổi mới, các điều kiện để đảm bảo chất lượng…) và triển khai thành công. Tuy nhiên việc phát triển nghiệp vụ của GV là một nhu cầu bắt buộc, vì vậy Bộ ban hành thêm các Mô đun còn lại để bồi dưỡng và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV, đáp ứng với yêu cầu đổi mới CTGDPT.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, 3 Mô đun 2, 3,4 cùng với Mô đun 1 sẽ quyết định sự thành bại của việc đổi mới giáo dục. Mô đun 1 là sự khởi đầu để dạy học CTGDPT mới nhưng để dạy hay, đảm bảo chất lượng đầu ra tốt… cần đến Mô đun 2, 3, 4. Và để triển khai Mô đun 2, 3,4 một cách đại trà đến các giảng viên sư phạm, cán bộ cốt cán, GV tại địa phương thì cần thiết phải trải qua nghiệm thu cấp Bộ. Như vậy mới đảm bảo tính pháp lý.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị tất cả thành viên trong hội đồng thẩm định 3 mô đun 2, 3,4 phải rà soát lại các tiêu chuẩn, tiêu chí… để đánh giá tính khoa học, tính chính xác, tính thực tiễn, đảm bảo được yêu cầu của CTGDPT mới. Những sản phẩm được nghiệm thu cần chính xác, phù hợp với văn bản chỉ đạo của Bộ.
Sau khi Hội đồng thẩm định nghiệm thu các Mô đun 2, 3, 4 sẽ là cơ sở pháp lý để Bộ GD&ĐT ra quyết định trở thành tài liệu chính thống sử dụng trong cả nước. Hội đồng nghiệm thu sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ về tính khoa học, tính chính xác, phù hợp với thực tiễn để triển khai CTGDPT mới.
Mặt khác cũng đòi hỏi sự gắn kết trách nhiệm của Hội đồng thẩm định với lãnh đạo Bộ và Bộ GD&ĐT trong quá trình triển khai, giải trình với xã hội nếu có vướng mắc liên quan và trong quá trình tổ chức bồi dưỡng cho CBQL,GV...