Phát triển giáo dục STEM: Cơ hội giáo dục tích cực cho trẻ em gái

GD&TĐ - Hội thảo quốc gia về “Phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam” do Bộ GD&ĐT, Viện KHGDVN và tổ chức UNESCO diễn ra trong hai ngày 27 và 28/3 tại Viện KHGDVN. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tọa đàm với các đại biểu
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tọa đàm với các đại biểu

Tham gia Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục cùng các chuyên gia quốc tế đến từ IBE, UNESCO Hà Nội, Bộ Giáo dục Malaysia.

Mục tiêu của Hội thảo là tìm hiểu thực trạng giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam và đề xuất định hướng phát triển lĩnh vực này. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Ngành Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29. Đối với lĩnh vực giáo dục STEM ở phổ thông, một mặt thực hiện linh hoạt chương trình hiện hành theo hướng biên soạn các chủ đề tích hợp (đa môn, liên môn, xuyên môn), khuyến khích nhà trường tạo cơ hội để học sinh tham gia các câu lạc bộ, tập dượt nghiên cứu khoa học và công nghệ, tổ chức các kỳ thi vận dụng kiến thức liên môn cấp huyện, tỉnh, quốc gia,...; mặt khác, tiến hành xây dựng chương trình mới trong đó các môn STEM chiếm tỷ trọng đáng kể, với hình thức bắt buộc hoặc tự chọn bắt buộc, từ lớp 1 đến lớp 10; chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp, với hình thức tự chọn, ở lớp 11, 12 (qua các môn học Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu tin học, Tìm hiểu công nghệ, KHTN, Công nghệ và Hướng nghiệp, Tin học ứng dụng, Khoa học máy tính, Toán,...).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: Các báo cáo tại phiên "đối thoại chính sách" của Hội thảo này đã giúp hình dung rõ ràng hơn bức tranh toàn cảnh của thế giới về giáo dục STEM. Cũng qua Hội thảo này, thực tiễn giáo dục STEM và giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam được mô tả rõ nét về: chính sách bình đẳng giới của Nhà nước, vấn đề giới trong chương trình, SGK các môn STEM, nhận thức về giáo dục STEM và bình đẳng giới của các bên liên quan, việc thực hiện ở nhà trường.

Khi so sánh, đối chiếu với thành tựu và kinh nghiệm quốc tế, ngành Giáo dục Việt Nam cần tiếp tục xác định những chính sách, giải pháp và lộ trình thực hiện rõ ràng hơn để trẻ em gái và phụ nữ thực sự bình đẳng trong lĩnh vực STEM cũng như trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tại Hội thảo các ý kiến tham luận đã đi đến thống nhất: Để phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái VN, cần thiết phải tổ chức khảo sát trên diện rộng quốc gia về về giáo dục STEM, hỗ trợ và tư vấn STEM, đào tạo các ngành, nghề STEM đối với trẻ em gái (nhận thức, nhu cầu, xu hướng, hứng thú, trở ngại tâm lý, xã hội,...); Xây dựng chiến lược, chính sách, chương trình hành động quốc gia về giáo dục STEM và bình đẳng giới; Phát triển chương trình, tài liệu tích hợp STEM, liên thông từ giáo dục mầm non đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; nghiên cứu và xây dựng mô hình tổ chức giáo dục STEM; Phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ các cơ sở giáo dục về giáo dục STEM và giáo dục STEM cho trẻ em gái...   

STEM là mô hình giáo dục tiên tiến, thân thiện tạo ra môi trường hoc tập giúp người học phát triển tất cả các kĩ năng một cách toàn diện, tự tin đón đầu cuộc cách mạng công nghệ. Mô hình này kết hợp 4 môn hoc riêng biệt: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), và Toán học (Mathematics) được gọi tắt là STEM. Thông qua việc kết hợp các lĩnh vực trên, thu hút học sinh tham gia giải quyết các vấn đề thực tế thông qua việc áp dụng kiến thức, hiểu biết và kỹ năng về một hoặc nhiều môn học STEM.

STEM đang trở thành xu hướng giáo dục hiện đại trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển. Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giúp học sinh phát triển toàn diện bản thân. Đặc biệt với học sinh nữ, việc theo học các môn học STEM sẽ giúp các em chủ động thích thú hơn với việc học tập thay vì thái độ e ngại hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó, từ đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi chọn chuyên ngành cho các bậc học cao hơn và sự chắc chắn cho cả sự nghiệp về sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ