Phát triển đội ngũ cán bộ để nâng cao vai trò Phòng GD&ĐT

GD&TĐ - Phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD&ĐT ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật. 

Phát triển đội ngũ cán bộ để nâng cao vai trò Phòng GD&ĐT

Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đòi hỏi phải đổi mới cách thức tổ chức, quản lý, tư duy, trí tuệ, năng lực của đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT, để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đáp ứng được những yêu cầu phát triển GD&ĐT trong tình hình mới.

Vai trò quan trọng của cán bộ Phòng GD&ĐT

Theo Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (ngày 29/5/ 2015) giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, Phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận/huyện giúp UBND quận/huyện quản lý nhà nước về GD&ĐT. Vì vậy, cán bộ Phòng GD&ĐT có trách nhiệm tham mưu cho UBND xây dựng kế hoạch, triển khai quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong hệ thống chính trị, ngành GD&ĐT và toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong việc xem GD&ĐT là quốc sách hàng đầu.

Trước những yêu cầu đó, cán bộ Phòng GD&ĐT cần đổi mới công tác thông tin và truyền thông để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển GD. Tham mưu quận/huyện ủy, UBND quận/huyện xây dựng quy hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phát triển nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, trình độ. Trên cơ sở đó chỉ đạo, phối hợp với các cơ sở GD tổ chức thực hiện.

Cán bộ Phòng GD&ĐT có trách nhiệm chính trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế trên địa bàn. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Như vậy, ở đây, cán bộ Phòng GD&ĐT có thêm vai trò là người phát triển đội ngũ. Với vai trò này, đòi hỏi cán bộ Phòng GD&ĐT phải có ý tưởng và năng lực phát triển đội ngũ; kỹ năng xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ; tạo động lực và xây dựng môi trường làm việc cho cán bộ quản lý và giáo viên ở các cơ sở GD...

Năng lực cán bộ Phòng GD&ĐT nhìn từ GD Hà Nội

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện toàn thành phố Hà Nội có 30 Phòng GD&ĐT quận, huyện; trong đó có 12 Phòng GD&ĐT các quận. Số lượng cán bộ của 12 Phòng GD&ĐT trực thuộc UBND quận gồm 221 nhân sự, trong đó có 41 lãnh đạo (chiếm 18,55%), 92 chuyên viên (chiếm 41,63%) và 50 nhân viên (chiếm 22,62%).

Cơ cấu giới của đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT của ngành GD Hà Nội Hà Nội khá hợp lý, với tổng số 118 cán bộ nữ (chiếm tỷ lệ 53,39 %), 103 cán bộ nam (chiếm 46,61%). Số cán bộ cấp Phòng có trình độ ĐH và sau ĐH là 137 người (chiếm 61,99%); 46,00% cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 35,70% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 8,25% có trình độ cử nhân chính trị. Hầu hết cán bộ Phòng GD&ĐT của Hà Nội đã được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đa số bộ Phòng GD&ĐT ở các quận, thành phố Hà Nội được đánh giá là có khả năng hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phương pháp dạy học và GD tích cực phù hợp với người học (chiếm 70.80); có kỹ năng hướng dẫn các cơ sở GD kiểm tra nội bộ (chiếm 78.22%). Bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ chưa có kỹ năng hướng dẫn các cơ sở GD thực hiện phương pháp dạy học tích cực cho người học (chiếm 2.35%).

Phần lớn cán bộ Phòng GD&ĐT ở các quận, thành phố Hà Nội được đánh giá là có kỹ năng xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tốt (chiếm 74.27%); có 11,46% ý kiến đánh giá là các kỹ năng xây dựng tập thể Phòng GD&ĐT thành tổ chức học tập và kỹ năng xây dựng tập thể ngành GD ở quận thành tổ chức học tập của cán bộ còn hạn chế. Đặc biệt, có 70.33% ý kiến đánh giá là cán bộ Phòng GD&ĐT còn yếu về ngoại ngữ và 17.09% cho rằng cán bộ chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong công việc và quản lý.

Cần có tiêu chí đánh giá chất lượng

Từ thực tiễn đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT của ngành GD Hà Nội – một trong những địa phương dẫn đầu về GD&ĐT cả nước, đặt ra yêu cầu cần thiết phải có tiêu chí để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, từ đó phát huy được vai trò của Phòng GD&ĐT ở các cơ sở.

Thứ nhất là về số lượng và cơ cấu cán bộ. Để tham gia có hiệu quả tạo nên chất lượng tốt của đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT thì số lượng cán bộ phải hợp lý, tốt nhất là đủ số lượng theo quy định. Không nên có tình trạng thiếu cán bộ phụ trách chuyên môn trong các Phòng GD&ĐT, cũng không nên để tình trạng thừa cán bộ, ảnh hưởng đến ngân sách trả lương của Nhà nước, dẫn đến đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Cơ cấu đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT gồm các loại cơ cấu chủ yếu như: Cơ cấu độ tuổi, cơ cấu giới tính, dân tộc (đặc biệt ở những địa phương có đồng bào dân tộc ít người sinh sống), tôn giáo, thâm niên nghề nghiệp và kinh nghiệm quản lý, chuyên môn.

Thứ hai là tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ mọi mặt, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ. Tiêu chí này không chỉ cần có đối với riêng cán bộ Phòng GD&ĐT, nhưng hết sức quan trọng trong việc tham mưu định hướng phát triển GD&ĐT cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ ba là phong cách, lề lối làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật. Cũng như các cán bộ Nhà nước ở các ngành nghề khác, đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT phải có phong cách, lề lối làm việc khoa học, sâu sát mọi hoạt động của ngành; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, nhân viên, phụ huynh, HS, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình; đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ, nhân viên trong công việc; làm việc có chương trình, kế hoạch, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm để tập trung giải quyết, giải quyết dứt điểm công việc...

Cán bộ Phòng GD& ĐT phải có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, gồm kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính nhà nước và kỷ luật các đoàn thể mà người cán bộ tham gia, như kỷ luật công đoàn. Chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là kỷ luật GD, các quy định, quyết định của sở GD&ĐT và UBND tỉnh, các quy định của chính quyền địa phương.

Thứ tư là tiêu chí về đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là tiêu chí quan trọng nhất, tiêu chí thực tiễn phản ánh sát thực, tập trung và rõ nhất chất lượng đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT.

Việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT cần được xem xét một cách toàn diện, về kết quả quản lý ngành GD &ĐT trên địa bàn, nâng cao chất lượng dạy và học, GD, rèn luyện đạo đức, lối sống cho HS, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng, đoàn thể, kết quả xây dựng môi trường học tập, rèn luyện trong các cơ sở GD ở địa phương, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ thực hiện nhiệm vụ của các trường, nâng cao uy tín của ngành GD&ĐT ở địa phương và trong nhân dân. Cần quan tâm xem xét những biểu hiện của bệnh thành tích, báo cáo sai sự thật, làm sai lệch kết quả GD địa phương, từ đó có thể làm lệch hướng chiến lược phát triển trong tương lai.

Công cuộc đổi mới GD&ĐT của toàn Đảng, toàn dân và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi phải đổi mới cách thức tổ chức, quản lý, tư duy, trí tuệ, năng lực của đội ngũ cán bộ Phòng GD&ĐT. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đáp ứng được những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đồng thời căn cứ vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ Phòng GD&ĐT, mô hình nhân cách cán bộ Phòng GD&ĐT gồm các đặc trưng: Nhà GD; Nhà quản lý; Nhà hoạt động xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.