(GD&TĐ) - Sáng nay 27/2, tại Trường THCS Yên Biên, thành phố Hà Giang đã diễn ra Hội nghị Giao ban công tác thi đua 15 tỉnh Vùng 1 lần 2 năm học 2011-2012. Tới dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến, cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện Bộ GD-ĐT, đại biểu các Sở GD-ĐT trong Vùng 1.
Hội nghị Giao ban công tác thi đua 15 tỉnh Vùng 1 lần 2 năm học 2011-2012 |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, công tác giao ban lần này nhằm giúp 15 tỉnh miền núi phía Bắc đánh giá kết quả học kỳ 1, trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau bàn bạc, đề ra những giải pháp quan trọng để triển khai tốt hơn trong học kỳ 2 của năm học.
Báo cáo của trưởng Vùng 1, ông Lê văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Năm học 2011-2012, mạng lưới trường, lớp và quy mô HS trong vùng được duy trì, củng cố và phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập phổ thông và thường xuyên của nhân dân các dân tộc trong vùng.
Toàn vùng có 9.281 trường mẫu giáo, mầm non, phổ thông với 3.120.895 HS. Tổng số trường mầm non, phổ thông và HS trong toàn vùng đều tăng so với năm học trước, đặc biệt là cấp mầm non (tăng 123 trường, 70.457 học sinh) và cấp tiểu học (46 trường với 15.910 HS). Tuy nhiên, số trường mẫu giáo lại giảm (giảm 8 trường so với năm học trước) nguyên nhân do chuyển đổi loại hình trường mẫu giáo sang mầm non (Cao Bằng) và do quy mô trường nhỏ không đảm bảo theo quy định (Phú Thọ).
Theo thống kê, 15/15 tỉnh có 100% các trường mầm non, phổ thông tham gia phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Công tác y tế trường học được quan tâm, chỉ đạo sát với thực tiễn, đặc biệt là công tác bảo vệ sức khoẻ và phòng chống dịch bệnh trong trường học. Nhiều tỉnh không có HS phải nghỉ học do thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở (Quảng Ninh, Hòa Bình). Các cơ sở GD vùng thuận lợi đã nhận kết nghĩa, giúp đỡ những trường khó khăn góp phần tạo nên tình đoàn kết, thân thiện giữa các đơn vị trường học.
Các Sở GD-ĐT trong vùng đã có những giải pháp tích cực trong việc huy động tối đa HS ra lớp, HS đi học chuyên cần, hạn chế học sinh bỏ học. Học kỳ I năm học 2011-2012, toàn vùng có 6.795/2.167.275 học sinh phổ thông bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,31% (giảm 0,09% so với cùng kỳ năm học trước), trong đó: Tiểu học, tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 0,03% (giảm 0,03%); THCS, tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 0,36% (giảm 0,09%); THPT, tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 1,02% (giảm 0,21%). Có 6 tỉnh không có học sinh cấp tiểu học bỏ học: Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình.
Tuy nhiên, số lượng HS bỏ học trong vùng đã giảm song vẫn còn cao, đặc biệt là cấp THPT. Nguyên nhân chính là do HS có học lực yếu, kém không ham học; HS thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Phòng ở cho HS nội trú còn thiếu; Tiến độ chuyển đổi và thành lập các trường PTDT bán trú của một số tỉnh còn chậm. Các trường THPT có nhiều HS bán trú nhưng không được công nhận là trường PTDTBT THPT nên HS không được hưởng chế độ HS bán trú, ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp và chất lượng GD toàn diện. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp của vùng còn thấp, một số tỉnh tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp dưới 15% (Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La).
CSVC, đồ dùng thiết bị phục vụ cho việc dạy và học tại các địa phương vùng cao, vùng khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới GD. Chất lượng GD giữa các tỉnh vùng thuận lợi và các tỉnh vùng khó khăn còn có khoảng cách lớn.
Các đại biểu về tham dự Hội nghị |
Đại diện các Sở GD-ĐT Lào Cai; Cao Bằng, Lai Châu, Hoà Bình mong muốn Bộ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ thanh tra, hướng dẫn sơ kết, tổng kết, tổ chức tập huấn và ra văn bản chỉ đạo về thi tốt nghiệp THPT năm 2012 (vào đầu tháng 3/2012).
Bắc Giang đề nghị Trung ương cấp bổ sung số kinh phí còn thiếu để thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ GV là 127.265 triệu đồng vốn TPCP vì biến động về giá trong thời gian qua.
Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh Nguyễn Văn Thuấn cũng đưa ra một số khó khăn của địa phương như: Biên chế cán bộ phòng GD&ĐT, các tính hưởng thâm niên GV và phụ cấp đứng lớp, chỉ đạo của Bộ về thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh...?
Về mức hỗ trợ của trung ương cho tỉnh thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về GD-ĐT, Lào Cai đề nghị tăng mức hỗ trợ từ 57,950 tỷ năm 2011 lên 120 tỷ năm 2012, nhằm tăng mức đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhân lực CNTT; Dạy và học ngoại ngữ; Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, phát triển giáo dục dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời mong muốn nâng tỷ lệ hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác của Trung ương từ 80% như hiện nay lên 100% do Lào Cai là một trong các tỉnh đặc biệt khó khăn, khả năng đóng góp (đối ứng) của nhân dân thấp do tỷ lệ hộ nghèo cao (43%), vốn địa phương hạn hẹp.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng chủ trì hội nghị |
Sau khi đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ giải đáp những thắc mắc của các Sở ngay tại HN, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá, học kỳ I năm học 2011- 2012, các Sở Vùng I đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học; Quy hoạch phát triển GD giai đoạn 2011-2015, đề án dạy và học ngoại ngữ, phát triển hệ thống trường PT DTBT; Tổ chức các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ GV và CBQL các cấp học; Triển khai công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, củng cố và nâng cao chất lượng GDTH đúng độ tuổi và PC GDTHCS, giải quyết tốt chế độ, chính sách cho HS dân tộc.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị các Sở tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm ở học kỳ II và của năm học đó là: Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 3398/CT - BGDĐT ngày 12/8/2011 của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông , giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp; Duy trì và ổn định về quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học; tăng cường các biện pháp duy trì sĩ số học sinh, tổ chức bồi dưỡng cho học sinh yếu kém, củng cố nề nếp và kỷ cương trường học; chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tốt các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011-2012, các sở chủ động trong việc lựa chọn cán bộ giáo viên từ các trường chuyên nghiệp tại địa phương để làm công tác thanh tra cho kỳ thi tốt nghiệp; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục để phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm kịp thời, phải coi đó là công tác thường xuyên không làm đại khái, qua loa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học; đổi mới công tác thi đua khen thưởng, kịp thời động viên khuyến khích, nhân rộng các cá nhân, đơn vị tiến tiến điển hình.
Việt Hoa