Chuyện những ngôi trường bị "chê"

Chuyện những ngôi trường bị "chê"

(GD&TĐ) - Mặc dù ngành Giáo dục có quy định tuyển sinh nghiêm ngặt đúng theo tuyến (có nhà ở cùng địa bàn trường) nhưng mỗi năm, cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp (lớp 1) lại xảy ra hiện tượng chạy trường cục bộ – từ phường này sang phường khác, quận này sang quận khác - dẫn đến tình trạng có những trường quá tải HS và ngược lại có nhiều trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu.

Chỉ tuyển được 50 - 70% chỉ tiêu

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh là Ban giám hiệu trường TH Điện Biên, Q.10 – TP.HCM lại rất lo lắng và… buồn rầu vì dù có “tiếp thị” mọi cách nhà trường cũng chỉ nhận được phân nửa (chỉ tiêu) hồ sơ xin nhập học là nhiều!

Trong khi phần lớn các trường trên địa bàn Q.10 nói riêng và TP.HCM nói chung đều rơi vào tình trạng quá tải, bình quân mỗi lớp 45 - 50 HS chen chúc nhau thì Trường Điện Biên năm nào cũng chỉ tuyển được ¼ so với chỉ tiêu. Cụ thể như năm học 2012-2013, chỉ tiêu của trường là 90 HS nhưng chỉ tuyển được 20 em. Hiện tại trường có 5 lớp (mỗi khối 1 lớp) với tổng cộng 120 học sinh. Thầy hiệu trưởng nói vui: “Trường Điện Biên là trường “chuẩn quốc tế” vì sĩ số học sinh rất thấp, chỉ 20-25 em/lớp”! 

Tình trạng “ế” HS cục bộ - như trường TH Điện Biên - những năm gần đây cũng xảy ra ở nhiều trường. Tại quận 5, Trường TH Chính Nghĩa và Trường TH Nguyễn Viết Xuân luôn “ế ẩm” trong việc tuyển sinh, trong khi trường TH Minh Đạo lại luôn quá tải, thậm chí phải… đón tiếp vô số trường hợp “chạy trường”. Nhiều phụ huynh ở P.11 có con trong độ tuổi vào lớp 1 khi nhận được giấy gọi vào Trường TH Chính Nghĩa hay Trường TH Nguyễn Viết Xuân đều tỏ vẻ không mặn mà, chỉ muốn “chạy” cho con vào Trường TH Minh Đạo, Trường TH Bàu Sen... Một số trường khác ở quận 5 cũng bị “chê” - như Trường TH Lê Văn Tám (phường 4), năm học 2011 - 2012 chỉ tuyển được 65 - 70 em trong toàn khối lớp 1, sĩ số chỉ khoảng 20-25 HS/lớp. Năm 2012 - 2013 cũng chỉ tuyển được 120 em.

Chuyện những ngôi trường bị "chê" ảnh 1
Những ngôi trường có điều kiện học tập tốt luôn thu hút sự quan tâm của phụ huynh - học sinh. Trong ảnh: HS Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) trong giờ học

Quận Gò Vấp được xem là điểm nóng về tuyển sinh đầu cấp do dân số nhập cư cao, cộng thêm có 3 phường chưa có trường tiểu học nên tình trạng quá tải HS ở quận càng trở nên trầm trọng. Thế nhưng, giống như một nghịch lý, ở đây vẫn có một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu, bị phụ huynh “chê”, gồm các Trường TH Lam Sơn, Phạm Ngũ Lão, TH Chi Lăng…

Quận 1, quận trung tâm cũng không có ngoại lệ. Trong khi các trường TH như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo... luôn dư dôi HS, thì Trường Trần Quang Khải lại chỉ tuyển được trên 50%. Năm học 2011-2012, mặc dù chỉ tiêu của trường là 3 lớp 1 (105 HS) nhưng trầy trật mãi chỉ tuyển được 80 em. Đến năm học 2012-2013 còn “thê thảm” hơn. Theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Q.1 thì trường sẽ tiếp nhận trẻ của các khu phố 5 và 6 - P.Tân Định. “Trong danh sách phường có hàng trăm trẻ trong độ tuổi ra lớp 1, song đợt tuyển sinh năm qua, nhà trường chỉ nhận được trên 90 hồ sơ. Đã vậy không phải tất cả các hồ sơ đều “thực” bởi có nhiều trường hợp nộp vào là “ảo”, là để giữ chỗ, phòng hờ “chạy trường” khác không được thì quay về”, thầy Lê Công Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết. 

Trường TH Cây Bàng, Q.4 năm ngoái, chỉ tiêu tuyển sinh là 105, nhưng chỉ có 65 hồ sơ HS đăng ký nhập học. Bà Phạm Thị Mai, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hằng năm, theo quy định của Sở GD&ĐT đến ngày 31.7 các trường phải công bố danh sách tuyển sinh đầu cấp nhưng với tình hình của trường Cây Bàng thì rất khó, vì còn phải nấn níu chờ và vét HS. Đó là chưa kể đến ngày tựu trường, lượng hồ sơ nhập học sẽ rơi rớt một phần khi phụ huynh tìm được cho con một trường khác tốt hơn”.

Tình trạng “ế” HS, không tuyển đủ chỉ tiêu không chỉ xảy ra ở các trường TH mà ngay cả một số trường THCS cũng “chia sẻ” chuyện này. Ví dụ Trường THCS Rạng Đông (Bình Thạnh), chỉ tiêu năm học 2012-2012 là 288 HS, nhưng số đăng ký hồ sơ chỉ có 182, tức chỉ khoảng hơn 60%.

Nguyên nhân?

Ghi nhận ý kiến từ các giáo viên và phụ huynh, đa số cho rằng nguyên nhân tình trạng trường “ăn” không hết, trường “lần” không ra là do tâm lý phụ huynh muốn chạy cho con em mình được vào học những trường tốt, trường điểm. Sự chênh lệch cơ sở vật chất đi kèm sự cách biệt kinh tế của người dân (giữa các phường trong tuyến) là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Thầy Dương Minh Thư – hiệu trưởng Trường TH Điện Biên thừa nhận: “Sự phân hóa về kinh tế của người dân ở P.11 khá lớn. Người giàu thì rất giàu, người nghèo lại quá nghèo. Chính vì vậy, những người giàu khi đến trường nhìn thấy cơ sở vật chất tuềnh toàng thì tìm đủ mọi cách để “chạy” cho con sang các trường điểm ở Q.10, Q.3. Còn người nghèo, vì không thể “chạy” được nên đành để con học tại trường”. 

Chị Lan A. có hộ khẩu thường trú ở phường Tân Định (Q.1). Theo đúng tuyến thì con gái của chị sẽ vào trường TH Đuốc Sống, tuy nhiên muốn cho con mình có chỗ tốt để học, chị đang tận dụng các mối quan hệ để xin cho con vào học trái tuyến ở trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo chị, trường này có tiếng từ lâu, cơ sở vật chất tốt, giáo viên dạy giỏi… Tương tự, vợ chồng nhà anh T. có hộ khẩu ở phường 3, Gò Vấp, con anh sẽ học đúng tuyến tại trường TH Trần Văn Ơn, nhưng anh đang định “chạy” cho con sang trường TH Kim Đồng ở phường 10. Dù trường TrầnVăn Ơn cơ sở vật chất khá tốt, có lớp bán trú nhưng theo anh, “trường không có danh tiếng”! 

Giải thích về nguyên nhân trường mình tuyển không đủ chỉ tiêu, thầy Lê Công Minh - hiệu trưởng Trường TH Trần Quang Khải (Q.1) nói: “Tại phường Tân Định có tới 3 trường TH (Đuốc Sống, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải) nên cơ hội… “chạy trường” của phụ huynh là rất lớn, thành thử trường tôi nghèo, bị… rớt”! 

Với quận Gò Vấp, lãnh đạo phòng GD&ĐT nói gọn lỏn: Do cơ sở vật chất yếu kém! Đặc biệt Trường TH Lam Sơn có tới 3 cơ sở mà số phòng học ở mỗi cơ sở lại quá ít, có nơi chỉ có 2 phòng học, tản mác như vậy, phụ huynh ngại cũng phải!

Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách?

Để cải thiện tình trạng nghịch lý trên, nhiều năm qua, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT cùng BGH các trường (bị ế) đã thực hiện một số biện pháp như đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, tiếp thị hình ảnh nhà trường, đặc biệt là tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa các trường thông qua việc đầu tư hợp lý cho trường “nghèo”. “Xác định được khó khăn của trường, chúng tôi đã cố gắng nâng cao chất lượng dạy, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Ngoài ra, cứ đến mùa tuyển sinh, nhà trường lại phối hợp với chính quyền địa phương gửi thư mời trẻ ra lớp tới tận hộ dân. Tuy nhiên tình hình cải thiện vẫn chưa đáng kể”, thầy Minh - Trường TH Trần Quang Khải, tâm sự.

Một cán bộ Phòng GD&ĐT quận 5 nhận định: Có tình trạng trường bị “chê”, trường được “ưu ái”, dễ hiểu là do phụ huynh tín nhiệm trường này, trường kia. Cái đó không trách họ được. Để khắc phục, buộc phải đầu tư cơ sở vật chất cho đồng đều giữa các trường. Ngoài ra tự thân mỗi trường phải nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng thương hiệu cho trường mình. Một khi khoảng cách giữa các trường không còn, trình độ giáo viên ngang ngửa nhau thì chuyện “trường thiếu, trường dư” sẽ dần được cải thiện và đi đến kết thúc. 

Trong danh sách phường có hàng trăm trẻ trong độ tuổi ra lớp 1, song đợt tuyển sinh năm qua, nhà trường chỉ nhận được trên 90 hồ sơ. Đã vậy không phải tất cả các hồ sơ đều “thực” bởi có nhiều trường hợp nộp vào là “ảo”,   là để giữ chỗ, phòng hờ “chạy trường” khác không được thì quay về. (Thầy Lê Công Minh - Hiệu trưởng Trường TH Trần Quang Khải)

Thái Khuê

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.