Phát triển chăn nuôi ở Hoàng Su Phì

GD&TĐ - Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo trên địa bàn. Bằng nhiều hình thức giảm nghèo khác nhau, huyện đã tạo công ăn việc làm, giúp cải thiện đời sống cho người dân. Trong đó, phát triển chăn nuôi là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.

Nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thôn Na Vang, xã Pờ Ly Ngài
Nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thôn Na Vang, xã Pờ Ly Ngài

Tăng cả lượng và chất

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi được huyện Hoàng Su Phì chú trọng phát triển; từng bước hình thành chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ theo hướng sản xuất hàng hóa. Tỷ trọng ngành chăn nuôi đã chuyển dịch mạnh, chiếm 20,6% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp. Thu nhập của người chăn nuôi cũng được nâng lên đáng kể.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn trâu của huyện Hoàng Su Phì có 22.986 con, bò 6.372 con, dê 22.654 con, lợn 70.481 con và đàn gia cầm 369.280 con; ngày càng có nhiều hộ đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại. Trong đó, có 520 mô hình nuôi trâu, bò với quy mô từ 5- 20 con; 20 mô hình nuôi lợn từ 30 - 80 con; 142 mô hình nuôi dê từ 10 - 100 con… Thực hiện phương án hỗ trợ sản xuất, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí mua 300 con bò giống cho các hộ nghèo; chỉ đạo thực hiện 24 mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Trong đó có 4 mô hình nuôi trâu, bò từ 50 con trở lên; 5 mô hình nuôi dê từ 100 con trở lên, còn lại là các mô hình nuôi lợn và gia cầm.

Thực hiện Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc của tỉnh Hà Giang, trong 9 tháng năm 2018, tổng đàn trâu, bò của huyện đã tăng 528 con; trong đó, tăng tự nhiên là 185 con, tăng cơ học 343 con, đưa tổng đàn trâu, bò toàn huyện lên 29.358 con. Đồng thời hình thành 7 gia trại chăn nuôi trâu, bò với số lượng 205 con (quy mô trung bình từ 15 con trở lên).

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Chúng tôi đến xã Pờ Ly Ngài, nơi có Nhóm cùng sở thích (CIG) chăn nuôi bò của bà con nông dân thôn Na Vang. Nhóm CIG chăn nuôi bò thôn Na Vang được thành lập từ tháng 4/2016, ban đầu có 15 thành viên với mục tiêu từng bước vận động nhân dân thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, sang tập trung hàng hóa, qua đó nâng cao giá trị kinh tế cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống và giảm nghèo hiệu quả

Trước khi đây, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ để lấy sức cày, kéo. Phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên, chuồng trại tạm bợ, không đủ giữ ấm cho đàn bò vào những ngày giá rét. Ngoài ra, người dân chưa chú trọng đến việc phòng, chống dịch bệnh hay thụ tinh nhân tạo, cải thiện tầm vóc, thể trạng cho đàn bò; vì vậy đàn bò của địa phương có vóc dáng thấp bé, thể trạng yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Từ khi thành lập, nhóm đã xây dựng nội quy hoạt động, bầu Ban Quản lý. Các thành viên được tiếp cận vốn vay mở rộng quy mô và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, làm chuồng trại đúng cách… Hàng tháng, các thành viên đều tổ chức họp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhóm thành lập quỹ cho vay quay vòng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình, liên kết với nhau để mua con giống và bán bò thịt cho các thương lái và cơ sở giết mổ, vì thế chi phí giảm, thu nhập của các hộ thành viên được nâng lên rõ rệt.

Hiện nay, Hoàng Su Phì có hơn 20 mô hình kinh tế nông nghiệp được tổng kết, đánh giá đạt hiệu quả cao; 18 trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi quy mô lớn và trên 300 mô hình phát triển kinh tế hộ đạt hiệu quả, cần được nhân rộng... Hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua đó, nhiều hộ dân đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế và đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa. Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, từ đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển các mô hình kinh tế không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương; góp phần vào xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy mối liên kết, tiêu thụ hàng hóa một cách bền vững tại địa phương.

Thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ cho người chăn nuôi theo đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, duy trì và mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi để góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, nâng cao thu nhập, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu bằng tiềm năng kinh tế địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.