Làm giàu từ trồng cây dược liệu

GD&TĐ - Không chỉ là tấm gương sáng trong công tác hoạt động ở chính quyền địa phương, ông Lý Văn Phủ - người dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) còn được người dân biết đến là một người làm kinh tế giỏi góp phần xây dựng nông thôn mới nơi đây…

Ông Lý Văn Phủ chia sẻ niềm vui trên con đường mới khang trang sạch sẽ của thôn Yên Sơn
Ông Lý Văn Phủ chia sẻ niềm vui trên con đường mới khang trang sạch sẽ của thôn Yên Sơn

Tìm hướng đi riêng

Với địa hình vùng núi, đất đai cằn cỗi, nguồn nước không chủ động, mùa mưa lũ quét, mùa đông khô cạn, đi lại khó khăn nên người dân quanh năm làm lụng vất vả nhưng nhiều khi vẫn thiếu ăn, ông Phủ ngày đêm trăn trở tìm lối đi riêng để phát triển kinh tế gia đình và tạo điều kiện giúp bà con trong thôn có việc làm, tăng thu nhập.

Nhận thấy Yên Sơn có tiềm năng về đất đai, lại có truyền thống làm và trồng cây thuốc Nam, nên ý nghĩ phát triển kinh tế thành khu vườn thuốc Nam kết hợp với kinh tế đồi rừng đã giúp ông Phủ cùng nhiều bà con vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Nói về quá trình phát triển kinh tế, ông Phủ kể, ngoài các khu vườn thuốc Nam được trồng gần nhà, ông còn trồng xen các loại cây thuốc Nam với cây nguyên liệu như bạch đàn, keo, luồng… để tận dụng nguồn đất và đảm bảo sự đa dạng cây trồng cung ứng cho thị trường.

Từ năm 2008, với nguồn vốn tích lũy được trong khai thác cây nguyên liệu và cây thuốc Nam, ông Phủ bắt đầu chuyển sang hướng cung cấp thuốc Nam cho thị trường, tham gia các hội chợ, phát triển các mô hình kinh tế về sản phẩm cây thuốc Nam gia truyền mang lại hiệu quả cao. “Những năm gần đây, mỗi năm gia đình tôi thu được 350 đến 400 triệu đồng từ việc trồng và làm thuốc Nam từ đó nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Phủ cho biết.

Với những đóng góp của mình, ông Phủ đã nhiều lần được cấp ủy chính quyền địa phương giới thiệu tham dự hội nghị về người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố và trung ương.

Hiến đất làm đường

Ông Phủ tâm sự, hiến đất làm đường giao thông nông thôn là một việc làm rất có ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới. Trong gia đình, ngoài ông từng làm trưởng thôn, vợ và các con của ông đều tham gia công tác xã hội. Cả gia đình cùng chung suy nghĩ làm những gì tốt nhất có thể vì tương lai phát triển chung của thôn xóm, mong muốn cho quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh.

Nhận thấy một số đoạn đường ngõ trong thôn rất hẹp, khuất tầm nhìn nên người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, gia đình ông Phủ đã hiến hơn 400m2 đất thổ cư để mở rộng đường mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Gia đình ông còn chủ động tạo điều kiện thuận lợi để đội thi công sớm hoàn thành con đường.

Ông Phủ cho biết thêm: “Tôi đã vận động nhân dân đóng góp và xây dựng được tuyến đường giao thông tại thôn và các ngõ xóm. Đất đúng là quý thật, nhà tôi cũng không giàu có gì, nhưng cứ nghĩ đến việc đóng góp của mình là để cho dân làng thuận lợi giao thông, tránh tai nạn, bất an nên chúng tôi cũng chẳng tiếc. Đường làng rộng rãi, thông thoáng, sạch sẽ hơn, vậy là vui rồi...”.

Giao thông thuận lợi đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, từng bước giúp người dân thôn Yên Sơn vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo. Riêng thôn Yên Sơn đã tạo thành phong trào hiến đất làm đường, phát triển nghề thuốc Nam gia truyền, góp phần đưa diện mạo nông thôn đổi mới.

Ông Lý Sinh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, gần 100% người dân của xã là người dân tộc Dao. Ông Lý Văn Phủ được xem là tấm gương sáng trong cộng đồng người Dao ở địa phương về uy tín và phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Việc làm tự nguyện của ông Phủ cũng đã tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân, biết hi sinh lợi ích riêng để hướng tới sự phát triển chung của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.