Sơn Hà là huyện nghèo thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ từ năm 2009 và các dự án hỗ trợ khác với 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Diện tích tự nhiên của huyện rộng hơn 72.816 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 14.000 ha. Địa bàn từ lâu đã có các nông sản đặc trưng (đặc sản) như rau rừng, ớt xiêm, chuối rừng, các loại gia súc, gia cầm...
Do điều kiện canh tác, nuôi trồng dựa vào tự nhiên là chính, nên các nông sản này đã mang đặc tính hữu cơ, chất lượng tốt, nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt sạch và an toàn, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, nhất là người miền xuôi, người thành phố. Tuy nhiên, khó khăn của các sản phẩm này là sản lượng ít, thiếu tập trung và không ổn định; chưa được chế biến, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch; chỉ bán thô, nên thời gian sử dụng ngắn và ít kích thích thị hiếu tiêu dùng.
Xuất phát từ vấn đề đó, UBND huyện Sơn Hà, Ban Quản lý dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho nông sản địa phương. Huyện đã tích cực truyền thông, quảng bá các sản phẩm trên mạng internet, mạng xã hội, tích cực tham gia các hội chợ, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm Sơn Hà, tìm kiếm cơ hội thị trường, như: Phiên chợ Hàng Việt, Hội chợ OCOP và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Hội chợ Liên minh HTX Việt Nam, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Hội nghị kết nối cung - cầu của các tỉnh... Ngoài ra, huyện cũng làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, các nhà phân phối, bán lẻ, các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch,… để giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác trong sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Sau rất nhiều nỗ lực thực hiện tìm kiếm thị trường cho nông sản Sơn Hà, đặc biệt là các sản phẩm của dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, ngày 6/9/2017, huyện đã tìm được đối tác là Tập đoàn Central/BigC Việt Nam. Hai bên đã ký kết hợp tác liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản phẩm. Đây là các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng, tự nhiên hoặc nuôi trồng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, có đặc trưng cao và khác biệt về chất lượng. BigC cũng đã hỗ trợ các nhóm hộ nông dân, hướng dẫn, tập huấn về quy trình chuẩn bị hàng hóa, cách đóng gói bao bì, nhãn mác. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 5 nhóm hợp tác, với hơn 50 hộ nông dân tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Ngày 6/12, lãnh đạo huyện Sơn Hà cho biết, UBND Quảng Ngãi đã đồng ý cho phép sử dụng tên huyện để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Ớt xiêm Sơn Hà". Sở Khoa học Công nghệ được giao hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Đây là bước ngoặt trong chiến lược quảng bá, tìm đầu ra cho nông sản đặc thù của địa phương gần một năm qua.
Việc tìm kiếm được thị trường cho nông sản Sơn Hà bước đầu đã tạo ra được chuỗi giá trị cho sản phẩm; không chỉ riêng sản phẩm các xã dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên mà đã lan tỏa mở rộng ra tất cả các xã trên địa bàn huyện. Đây cũng là bước góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân tham gia sản xuất; tạo khí thế phấn khởi và niềm tin của người dân vào thị trường để yên tâm hơn trong đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Phùng Tô Long, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết địa phương cần được nhà nước hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm; đồng thời đầu tư hạ tầng chế biến, bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng, nhằm cân đối cung cầu trên thị trường".