Phần lớn các ý kiến thể hiện sự không đồng tình, hoặc chỉ trích, giễu nhại một cách hài hước, hoặc gọi hẳn tên nữ nhà văn với thái độ thiếu thiện chí, suy diễn, quy kết. Thậm chí có không ít bình luận phản cảm, thô tục, xúc phạm tới danh dự và nhân phẩm của chị.
Trước hết, ở góc độ tiếp nhận ngôn ngữ, ở đây có sự hiểu khác, thậm chí hiểu nhầm. Người nói, người viết thì có một, nhưng người đọc, người nghe thì có nhiều. Ngôn ngữ “phản bội” lại chính người phát ngôn là điều thường thấy trong cuộc sống.
Song điều đáng nói trong câu chuyện này là thái độ, văn hóa tranh luận của các facebooker.
Từ lâu, mạng xã hội là không gian mở để những người tham gia có thể tương tác, trao đổi, bình luận về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Sự tương tác này khá tự do, bình đẳng. Dư luận mạng đã trở thành thước đo độ nóng của một câu chuyện, một vấn đề.
Cũng chính bởi bầu không khí tự do nên những ứng xử thiếu chừng mực, những màn cãi vã nảy lửa, block nhau diễn ra thường xuyên, phổ biến.
Trở lại với những tranh luận xung quanh phát ngôn của nhà văn trẻ. Nếu không đồng quan điểm, chúng ta có thể trao đổi, bình luận với thái độ đúng mực, văn minh, từ đó sẽ mở ra nhiều vấn đề thú vị về vị thế của nhà văn, về ý nghĩa của trang viết, về giá trị của lao động sáng tạo, về hiện thực văn chương nước nhà…
Nhưng một số facebooker đã chọn cách khác: Cười cợt, mỉa mai, xúc phạm, đẩy nhau vào thế đối lập.
Đáng nói là trong các facebooker đó, nhiều người có trình độ học vấn cao, có công việc liên quan đến chữ nghĩa, có khả năng sử dụng ngôn ngữ rất tốt. Các bài đăng và bình luận của họ ít nhiều thể hiện sự thao túng về mặt tâm lý tiếp nhận. Và hậu quả, đã có rất nhiều người “té nước theo mưa”, làm tổn thương tinh thần đối với nữ nhà văn.
Việc xúc phạm nhân phẩm của người khác là việc làm vi phạm pháp luật, vi phạm tiêu chuẩn đạo đức xã hội, đạo đức cộng đồng.
Đáng tiếc thay, việc đó vẫn thường xảy ra hàng ngày, trong đời sống, trên mạng xã hội.
Đáng tiếc hơn nữa, ngay chính những người “chữ nghĩa đầy mình” cũng bị cuốn vào vòng sóng đó.
Thực chất, chế giễu và làm tổn thương người khác chỉ làm lộ rõ cái tôi ích kỷ, tầm thường. Cái tôi ấy không thể lắng nghe, không thể mở lòng tiếp nhận cái mới cái khác, không thể nhìn nhận vấn đề một cách điềm đạm, bao dung, cởi mở. Cái tôi ấy “ái kỷ” quá mức, lấy mình làm trung tâm của giá trị, của ứng xử, thường quay về tự mãn với chính mình.
Cuộc đời của mỗi cá nhân đang bị rút ngắn lại qua từng ngày. Hãy dành thời gian để tạo ra những thành quả vật chất và tinh thần cho chính mình và cho cộng đồng. Yêu thương không bao giờ là đủ. Có như thế, sự tồn tại của chúng ta trên cõi đời này mới ý nghĩa.