Phạt nặng cho chừa!

GD&TĐ - Hôm 17/7, UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã xử phạt quán cơm bình dân bị người dân tố “chặt chém” suất cơm giá 160 nghìn đồng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Mức xử phạt là 13.250.000 đồng do vi phạm hai lỗi trong kinh doanh gồm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực (12,5 triệu đồng) và không niêm yết giá (750 nghìn đồng). Như vậy, mức phạt dành cho chủ quán cơm “chặt chém” này gấp gần 9 lần số tiền đĩa cơm mà chủ quán đã bán cho khách.

Thực ra lý do đưa ra mức phạt 12,5 triệu đồng cho việc “giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng hết hiệu lực” không thuyết phục, vì giấy này chả liên quan gì đến giá đĩa cơm nhưng nếu chỉ phạt mức 750 nghìn đồng vì lỗi “không niêm yết giá” thì lại nhẹ hều.

Dù “không thuyết phục” nhưng dư luận rất đồng tình với mức phạt trên vì có như vậy mới đủ sức răn đe những kẻ buôn bán “chặt chém”, làm xấu hình ảnh của một thành phố du lịch trong mắt du khách. Phạt nặng như thế cho chừa!

Trước đó, hôm mùng 4/7, một chị đi thăm người nhà đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có ghé quán cơm trước cổng bệnh viện, kêu một đĩa cơm sườn. Khi tính tiền, chị nọ mới tá hỏa khi xem giá đĩa cơm lên tới 160 nghìn đồng.

Vụ việc được chị ta đưa lên mạng xã hội, UBND phường Phương Mai đã cử người xác minh và kết luận việc phản ánh của khách về giá tiền một đĩa cơm như trên là chính xác và đề nghị quận Hoàng Mai ra quyết định xử phạt.

Phần lớn quán ăn trước cổng các bệnh viện đều treo bảng “bình dân”. Phổ biến mức giá của các quán cơm “bình dân” chỉ khoảng từ 30.000 - 50.000 đồng/đĩa. Vì mặc định trong suy nghĩ như vậy nên những thực khách chẳng bao giờ hỏi giá trước khi ăn. Chính “kẽ hở” này mà chủ quán cơm đã “chặt đẹp” với mức giá “không tưởng” cho một đĩa cơm trong một quán ăn được gọi là “bình dân” như thế.

Đi thăm người nhà đau ốm đang nằm viện, lại chọn quán “bình dân” đủ để hiểu rằng, thực khách này không giàu có, dư dả gì. Đa số những người chọn quán ăn “bình dân” ở các bệnh viện đều nghèo.

Các quán cơm bán cho những thành phần “thăm bệnh” ấy cũng ở mức thấp nhất có thể. Nhiều tổ chức từ thiện, biết khó khăn của người bệnh và người nhà đi nuôi bệnh nhân đã tổ chức các bữa ăn miễn phí hoặc ở mức… 2.000 đồng/suất, rất “tượng trưng”.

Không ít bệnh nhân đã chống chọi dài ngày với bệnh tật từ những tấm lòng từ thiện này. Không làm được như những “mạnh thường quân” ấy thì chớ, đằng này lại lấy với mức “quá tay” như thế vừa vi phạm luật trong kinh doanh lại vừa thất đức với người nghèo khó.

Việc “chặt chém” vẫn thường xảy ra đây đó, nhất là ở các thành phố du lịch. “Chặt chém” khách đi chơi, khách giàu có đã là một việc không nên, đằng này “trấn” cả người nghèo đi thăm bệnh như thế, thật đáng trách.

Đừng nghĩ kinh doanh theo kiểu chụp giật như thế sẽ tồn tại trong thời buổi mà mỗi thực khách đều có một “diễn đàn” riêng bằng mạng xã hội. Sự xấu xí trong kinh doanh mua bán như thế, chỉ cần đưa lên mạng xã hội là có hiệu ứng ngay.

Các quán ăn, những người buôn bán “có địa chỉ” cũng nên lấy đó làm bài học cho mình. Mọi trò trí trá, gian lận, ăn chặn, chặt chém thực khách nói riêng và khách du lịch nói chung sẽ không có đất sống nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ