Phạt “loa kẹo kéo” được không?

GD&TĐ - Một “loại hình nghệ thuật giải trí” gì mà ai cũng phản đối (trừ người hát karaoke), thế nhưng không những không dẹp được mà nó còn thách thức những người thực thi nhiệm vụ, thử hỏi có còn luật pháp nữa không?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mới đây, Công an xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã xử phạt vi phạm hành chính một thanh niên trong xã về hành vi hát karaoke bằng loa kẹo kéo, gây ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng xóm. Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Quảng Ngãi, cơ quan chức năng của một xã đã tỏ ra “cứng rắn” trong việc xử phạt chuyện hát karaoke bằng loa kẹo kéo này.

Ai cũng biết, việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo đã thành “dịch”. Nó tra tấn người già, trẻ em và những người cần yên tĩnh sau một ngày lao động mệt nhọc bằng thứ âm thanh chát chúa thâu đêm suốt sáng mà không biết làm cách nào để dẹp được.

Bây giờ, chỉ cần đưa lên Facebook một status phàn nàn về chuyện hát karaoke bằng loa kẹo kéo là lập tức có hàng trăm người nhảy vào bình luận, đa số đều phản đối, thậm chí rủa sả bằng những lời cay độc nữa. Điều đó có nghĩa, cái gọi là “món ăn tinh thần” bằng loa kẹo kéo ấy, đa số người dân không đồng tình.

Ngay cả những đại biểu Quốc hội, hoặc  những vị lãnh đạo cấp cao khi đi tiếp xúc cử tri, nghe dân phản ánh, kiến nghị, cũng tỏ ra không đồng tình với kiểu hát karaoke như tra tấn này. Ấy vậy mà nó vẫn cứ tồn tại. Đây quả là điều khó hiểu.

Năm 2020, HĐND TP Hồ Chí Minh đã ra hẳn một nghị quyết để xử lý về vấn đề này sau khi có nhiều ý kiến của cử tri phàn nàn về sự bất lực của chính quyền cơ sở trước nạn hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Thế nhưng để dẹp hẳn chuyện loa kẹo kéo vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Do chính quyền và ngành chức năng còn thiếu kiên quyết trong xử lý nên những nạn nhân của hát karaoke bằng loa kẹo kéo họ có cách hành xử riêng. Cách hành xử ấy đã dẫn đến việc tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ, thậm chí máu đã đổ quanh chiếc loa kẹo kéo. Đấy là điều thật đau xót cho một đất nước vẫn luôn kêu gọi mọi người hãy thượng tôn pháp luật.

Cũng cần phải nói rõ là, không ai cấm hát karaoke cả. Người ta chỉ cấm hát karaoke làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng xóm mà thôi. Cứ xây phòng cách âm cho đàng hoàng đi, hoặc kéo nhau đến các quán có dịch vụ karaoke, tha hồ gào thét, chả ai nói đến nửa lời.

Thế nhưng, đa số những người hát karaoke bằng loa kẹo kéo có một sở thích rất buồn cười, nếu không nói là rất bệnh hoạn, đó là cứ lôi loa kẹo kéo ra giữa sân nhà, gào thét một cách to nhất có thể. Có cảm giác như những kẻ ấy lấy việc phiền hà của hàng xóm làm niềm vui của mình vậy.

Đã có quy định về việc xử phạt hành chính khi gây tiếng ồn bằng loa kẹo kéo rồi thì không hà cớ gì chính quyền địa phương không vào cuộc cả. Hát karaoke cả đêm lẫn ngày, ồn ào đinh tai nhức óc cả xóm, cả làng, cả khu phố chứ không phải là chuyên bí mật gì mà chính quyền không biết.

Dẹp karaoke bằng loa kẹo kéo đâu có khó khăn như dẹp dịch Covid-19 mà sao ai cũng tránh né thì thật khó hiểu. Không nên vin vào cớ là không có máy đo tiếng ồn nên khó xử phạt. Đó là một cách chối bỏ trách nhiệm trước dân mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.