Nhiều người thường có thói quen là một khi trong người có chút hơi men vào thì họ rất thích tổ chức ca hát. Không những thế, có người còn quan niệm là nhà của họ, họ có quyền tổ chức ca hát là quyền của họ (?!). Đặc biệt, khi sử dụng đều mở volume (âm lượng) hết công suất, chơi bất kể thời gian nào, không màng gì đến những người xung quanh.
Còn đối với những người xung quanh, mặc dù họ có cảm giác rất khó chịu khi bị người khác “tra tấn”, nhưng họ cũng phải cắn răng chịu đựng. Bởi, phần lớn những người dự tiệc tùng, ca hát đều trong trạng thái say xỉn. Nếu họ lên tiếng thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn, cãi vã rồi sinh sự. Vì thế, họ đành phải chọn cách im lặng và cố gắng chịu đựng để cho qua.
Một người bạn của tôi tâm sự: Vừa qua, khi anh đi làm vừa về đến nhà thì thấy ở nhà hàng xóm kế bên có vài người tổ chức ăn nhậu và dùng “loa kẹo kéo” ca hát um xùm. Đáng nói là cuộc ca hát kéo dài đến hơn nửa đêm khiến cả gia đình anh chẳng ai nghỉ ngơi gì được. Cảm thấy rất bực mình, nhiều lần anh định sang góp ý, nhưng vợ anh can ngăn không cho anh đi vì sợ xảy ra chuyện không hay…
Sử dụng “loa kẹo kéo” thiếu văn hóa sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của những người xung quanh, làm mất trật tự ở địa phương. Chúng ta thử nghĩ xem, đối với những người lao động, họ đi làm lụng vất vả suốt cả ngày, tối về mong được nghỉ ngơi lấy sức để ngày mai còn tiếp tục với công việc. Còn những người lớn tuổi thì có thói quen là chỉ ngủ được vào thời điểm đầu hôm. Nếu như hôm nào trong xóm có tổ chức dùng “loa kẹo kéo” để ca hát thì tất cả họ phải chịu cảnh “tra tấn” như thế.
Để “loa kẹo kéo” phục vụ tốt cho nhu cầu đời sống tinh thần của người dân, thì khi sử dụng mọi người phải nâng cao ý thức tự giác. Tuyệt đối không nên vì quá “đam mê” ca hát mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của những người xung quanh, góp phần đảm bảo trật tự ở địa phương.