“Phát lộ” nhiều sai phạm tại các dự án của Công ty Lã Vọng

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận về 9 dự án do Công ty CP thương mại và dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên đầu tư. Tại các dự án này, TTCP đã chỉ ra hàng loạt “vấn đề” trong việc chỉ định đầu tư dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng). Các khu đất đối ứng ở đô thị và các khu đô thị có vị trí đắc địa, giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Dự án Louis City.
Dự án Louis City.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thanh tra các dự án của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên (tập đoàn Lã Vọng) trên địa bàn TP. Hà Nội.

Nhà đầu tư được "ưu ái" bất thường

Theo TTCP, năm 2010 công ty thành viên Công ty CP thương mại Ngôi Nhà Mới đã chi 30 tỷ đồng đầu tư cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, quận Long Biên theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp này được Hà Nội ưu ái chỉ định đầu tư dự án BT cải tạo, xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng - hồ Tư Đình theo hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư là 610 tỷ đồng.

Quá trình thanh tra cho thấy, tổng vốn đầu tư được xác định chỉ khoảng 400 tỷ đồng, vì vậy Công ty Ngôi Nhà Mới phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước khoảng 125 tỷ đồng. Đổi lại, công trình BT trên, Hà Nội bố trí cho Công ty Ngôi Nhà Mới 14,5ha đất xây dựng Khu đô thị mới Tây Nam đường 70, quận Nam Từ Liêm. TCCP chỉ rõ quỹ đất bố trí tăng gần 1ha so với diện tích đất cam kết trong hợp đồng BT.

TTCP cho rằng, việc Hà Nội thanh toán quỹ đất cho Công ty Ngôi Nhà Mới khi chưa hoàn thành công trình BT xây dựng 1,85km cống nối 3 hồ này là chưa đủ cơ sở.

Tại dự án Khu đô thị Quốc Oai, theo kết luận TTCP chỉ rõ: Hà Nội giao 27,5ha đất Khu đô thị Quốc Oai cho Công ty Ngôi Nhà Mới xây dựng khu nhà ở cao cấp không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đã vậy, dự án còn được cho phép chuyển 2ha diện tích đất xây trường mầm non, tiểu học, trạm y tế sang xây nhà ở thấp tầng; chuyển 2,6ha đất xây dựng chung cư, văn phòng sang đất xây nhà ở thấp tầng, thương mại, dịch vụ, trường mầm non, trạm y tế, khiến diện tích đất ở tăng lên.

Liên quan đến các khu đất vàng DX1, DX2, DX3, DX4, CX2 diện tích khoảng 10.000m2 tại Khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng, kết luận của TTCP cũng cho biết, quá trình Hà Nội giao 5 khu đất vàng có nhiều sai phạm như không thông qua đấu giá, làm tăng mật độ xây dựng.

Cụ thể: khi giao 5 ô đất cho Công ty Lã Vọng, Hà Nội căn cứ vào đơn giá đất sản xuất nông nghiệp để cho thuê đất với mức giá khoảng 187.000 đồng/m2 làm mặt bằng kinh doanh thương mại, kinh doanh nhà hàng, ẩm thực và bãi đỗ xe, gây thất thu tiền sử dụng đất. Sau khi thuê đất, Công ty Lã Vọng tự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng công trình sai phép trên đất, nhưng các cơ quan chức năng của Hà Nội đã làm ngơ, không xử lý dứt điểm sai phạm.

Đấu thầu, chỉ định dự án BT

Theo TTCP tháng 2/2017, để tham gia dự án BT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, Công ty Lã Vọng đã thông qua Công ty Ngôi Nhà Mới góp vốn cùng Công ty CP Sông Đà Hà Nội và 2 công ty lập ra Công ty CP Louis Group để thực hiện dự án, cũng theo hình thức BT.

Công ty Louis đã được chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án BT có chiều dài 20,9km, tổng vốn đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng, đổi lại Hà Nội dự kiến thanh toán cho Công ty Louis 39 ô đất, diện tích khoảng 343ha khi làm dự án BT này.

TTCP cho rằng, việc chỉ định Công ty Louis thực hiện dự án là vi phạm quy định về đấu thầu dự án, đồng thời Hà Nội cũng "phớt lờ" chỉ đạo của Thủ tướng, không tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị thủ tục đàm phán trực tiếp với Công ty Louis. Sở Kế hoạch - đầu tư, cơ quan tham mưu cho TP, lại căn cứ vào danh mục các ô đất theo đề xuất của Công ty Louis để trình TP quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

TTCP chỉ rõ, việc Sở Kế hoạch - đầu tư TP tham mưu cho TP Hà Nội không đúng quy định pháp luật có nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước. Dù các đề xuất của Sở này chưa được Hà Nội chấp thuận, chưa thực hiện nên không gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, nhưng là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín chính quyền Hà Nội.

Thông qua các công ty thành viên là Công ty Louis và Công ty Ngôi Nhà Mới, Công ty Lã Vọng cũng góp vốn cùng Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) để thực hiện dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, rộng 23,8ha tại quận Hoàng Mai. 3 nhà đầu tư này đã góp 300 tỷ đồng thành lập ra Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai để thực hiện Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ.

Kết luận thanh tra cho biết, việc giao UDIC thực hiện dự án không qua đấu thầu là sai quy định pháp luật. Hơn nữa, đến thời điểm thanh tra, TP. Hà Nội đã giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai 7,61ha để thực hiện dự án nhưng chưa thu tiền sử dụng đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ