"Phát kiến" sáng tạo của cô giáo mầm non

GD&TĐ - Sau khi tham gia các khóa học và tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, cô Trần Thị Quyết đã xây dựng thành công bộ công cụ kiểm tra phát âm và sửa ngọng cho trẻ.

Cô Trần Thị Quyết (đứng giữa) vui cùng trẻ thơ và đồng nghiệp.
Cô Trần Thị Quyết (đứng giữa) vui cùng trẻ thơ và đồng nghiệp.

Sau một thời gian áp dụng, cô Quyết được đồng nghiệp và phụ huynh mệnh danh là “chuyên gia” sửa tật phát âm cho trẻ cũng như một số GV trong trường.

Những trăn trở

Trường Mầm non Phù Lỗ, nơi cô Trần Thị Quyết công tác nằm trên địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có gần 800 HS theo học ở 22 nhóm lớp. 

Cô Quyết cho biết: Theo kết quả khảo sát cách đây 3 năm, Trường Mầm non Phù Lỗ có tới 36% trẻ 5 tuổi và 28% GV nói ngọng với các lỗi thường gặp: Dấu hỏi thành dấu nặng, dấu ngã thành dấu sắc, hay các vần anh, inh, ang, at, trẻ phát âm sai các chữ cái d, d, t, c , th.... Điều này khiến cô không khỏi trăn trở, muốn tìm được những cách thức chữa cho HS và GV một cách dễ hiểu, dễ thực hiện và hiệu quả nhất. 

Sau khi tham gia các khóa học cùng với sự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, bài báo, cô Quyết đã xây dựng thành công bộ công cụ để kiểm tra phát âm và sửa ngọng cho trẻ. Bộ công cụ gồm có bảng test và các bảng tương tác. Bảng test rất dễ tiến hành, với các nội dung: Nguyên âm, dấu, phụ âm và vần. Chỉ cần dựa vào bảng test này, cô có thể kiểm tra trẻ có những biểu hiện nào sẽ tích vào đó để theo dõi trẻ sau này.

Từ kết quả của bảng test, cô Quyết phân nhóm HS theo các lỗi khác nhau và cũng có các bài luyện khẩu hình, luyện thanh, bài tập tương tác khác nhau để sửa cho trẻ. Mỗi bài tập sẽ giúp trẻ mở căng khẩu hình khi nói và sử dụng các bộ phận cấu âm: Môi, răng, lưỡi, lợi mềm dẻo, làm trẻ phát âm tròn vành, rõ chữ hơn.

Ví dụ, với trẻ ngọng dấu ngã, cô Quyết thiết kế bảng gồm các chữ có nghĩa trong tiếng Việt mang dấu ngã và hướng dẫn cách sửa cùng ví dụ minh họa để có thể cho trẻ sửa hàng ngày. Đặc biệt, phụ huynh có thể cùng con sửa ở nhà sau đó gửi video để cô kiểm tra. 

Với lỗi chữ cái như chữ kh có rất nhiều trẻ không nói được, cô có thể cho trẻ bắt chước tiếng ngáy trước khi phát âm chữ kh. Ví dụ: Khừ.... hay trẻ phát âm th thành t cô cho trẻ thi thổi nến để trẻ cảm nhận sự khác nhau về hơi phát ra khi nói t và th… Cứ như vậy, với tất cả lỗi, cô đều có bộ công cụ để tương tác hiệu quả.

Bên cạnh sự nỗ lực, sáng tạo của bản thân trong mỗi giờ chăm sóc, nuôi dạy trẻ, cô Quyết còn xác định việc sửa cho trẻ muốn thành công phải có sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh. Từ đó, cô xây dựng các bài tập, bài thơ, đồng dao để phụ huynh tương tác và phối hợp sửa cho con khi ở nhà dựa theo 4 nguyên tắc: Từ dễ đến khó; không vượt quá 5 phút mỗi lần; sửa ngay khi con nói sai; ôn lại các lỗi đã sửa được mỗi ngày. 

Sự đồng hành của cha mẹ

Cô Trần Thị Quyết tích cực trong các hoạt động của nhà trường.
Cô  Trần Thị Quyết tích cực trong các hoạt động của nhà trường.

Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nuôi dạy trẻ mầm non, cô Quyết thành lập riêng một trang thông tin để tất cả GV, phụ huynh có thể tương tác, chia sẻ những lỗi mà con mình mắc phải hay cách hướng dẫn sửa cho con. Trên trang, cô thường xuyên đăng tải các video do mình xây dựng để đồng nghiệp và phụ huynh tham khảo. Cô còn tranh thủ thời gian mở các lớp dạy sửa phát âm miễn phí cho trẻ và cả phụ huynh vào cuối mỗi buổi chiều và ngày cuối tuần. Nhiều phụ huynh đã đăng kí cho con và bản thân, hứng thú học theo những cách thức của cô Trần Thị Quyết.

Bền bỉ áp dụng các biện pháp sửa phát âm cho trẻ và GV của cô Quyết, từ năm 2017, đến nay, Trường MN Phù Lỗ đã giảm tỷ lệ trẻ nói ngọng từ 36% tại thời điểm khảo sát ban đầu xuống còn 2,8% năm 2020. Tỷ lệ GV nói ngọng giảm từ 28% xuống còn 1%.

Cô Quyết chia sẻ: Tật phát âm là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm chú trọng để nắn chỉnh cho đúng với ngữ điệu tiếng Việt. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục sáng tạo, đổi mới hơn nữa để hoàn thiện những bộ công cụ và phương pháp chữa cho HS, GV, phụ huynh HS của mình phát huy hiệu quả rõ rệt.  

Không ngừng đổi mới và sáng tạo trong dạy học, chăm sóc trẻ thơ, niềm vui nhân đôi đến với cô Trần Thị Quyết trong thời điểm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 khi cô được tín nhiệm bầu làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phù Lỗ, đồng thời  đón nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2020. Với cô, khi mỗi nhà giáo yêu thương trẻ như con mình thì mọi sự nỗ lực, sáng tạo sẽ có kết quả. Khó khăn, thách thức sẽ bị đẩy lùi khi thấy trẻ tiến bộ mỗi ngày...

 13 năm gắn bó với công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ mầm non, cô  Trần Thị Quyết đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận: Nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở; Giải Nhất GV dạy giỏi cấp thành phố; Giải Ba hội thi “Thiết kế đồ dùng - đồ chơi sáng thành phố Hà Nội”; Bằng khen của UBND TP, Liên đoàn Lao động, Thành đoàn Hà Nội…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ