Phát huy vai trò nhà trường, phụ huynh để loại bỏ lạm thu

GD&TĐ - Để loại bỏ suy nghĩ “đi họp là đóng góp” trong phụ huynh thì cần phải tăng cường trách nhiệm, minh bạch trong các khoản thu.

Đầu tư cơ sở vật chất để học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất.
Đầu tư cơ sở vật chất để học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất.

Nâng cao vai trò hiệu trưởng

Cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Các khoản thu đầu năm học đều được nhà trường thông báo tới phụ huynh rõ ràng. Trong cuộc họp đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm giúp phụ huynh phân biệt được đâu là thu theo quy định, thỏa thuận, tự nguyện… Đồng thời dán thông báo ở bảng tin nhà trường để phụ huynh quan tâm, theo dõi, đối chiếu thực hiện.

Đối với khoản xã hội hóa, cô Liên cho biết trường thực hiện theo quy định với chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ví như, bước vào triển khai chương trình GDPT mới, đòi hỏi việc ứng dụng CNTT khá nhiều. Trong khi đó cơ sở vật chất của trường đầu tư xây dựng từ năm 2013 nên khá bất cập.

Mỗi năm nhà trường tiết kiệm thu chi chỉ sắm được 1-2 máy chiếu. Nhưng để phục vụ thiết bị đồng loạt cho các lớp thì cần nhiều hơn và nằm ngoài khả năng của nhà trường. Do đó trường kêu gọi xã hội hóa từ phụ huynh.

Trên chủ trương đó, phụ huynh lớp cùng bàn bạc, thống nhất. Sự đồng ý hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng. Trường chỉ nhận vật phẩm, không nhận tiền, không tham gia vai trò mua sắm. Đồng thời cam kết sau 4 năm học sinh học tập, trước khi ra trường thiết bị sẽ trả về về phụ huynh.

“Không để xảy ra lạm thu vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng, phải minh bạch trước mọi vấn đề của trường, lớp để giáo viên, phụ huynh tin tưởng. Với các khoản xã hội hóa được triển khai minh bạch và trong khả năng hỗ trợ của gia đình, phụ huynh. Hiệu trưởng cần làm việc bằng lương tâm, trách nhiệm…”, cô Liên chia sẻ.

Hiện đã có 7 lớp (khối 6, 7) đã triển khai theo đúng quy định. “Lớp nào dù chỉ 1 phụ huynh không đồng thuận chủ trương thì trường cũng không tiếp nhận dù phụ huynh khác tự nguyện ủng hộ”. Trường hợp phụ huynh không đồng ý đóng góp bởi hoàn cảnh khó khăn thì giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh của lớp có thể hỗ trợ...

Nhiều năm làm quản lý, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm để các khoản thu đầu năm học được phụ huynh hiểu và đóng góp với tinh thần thông suốt đó là: Mức thu và khoản thu đều phải được sự thông qua của UBND Quận. Các khoản thu chi đều được công khai trên website của trường và thông báo tới từng phụ huynh học sinh.

Nhà trường và phụ huynh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm để loại bỏ lạm thu. Ảnh minh họa.

Nhà trường và phụ huynh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm để loại bỏ lạm thu. Ảnh minh họa.

Việc xã hội hóa cơ sở vật chất trường lớp, quan điểm của cô Ngọc đó là phải làm đúng quy trình. (Hồ sơ gửi lên Quận/huyện; được sự đồng ý của lãnh đạo về ủng hộ bao nhiêu tiền, nguồn nào; Đảm bảo có đủ 4 chữ ký 3 con dấu…). Hiệu trưởng cần tránh tùy hứng, tự phát, không công khai trong hồ sơ, không giấy tờ minh bạch… Sau khi học sinh học xong, trả lại lớp để tự quyết định ủng hộ lại nhà trường hoặc thanh lý.

Cô Ngọc cũng cho rằng, khi xã hội hóa giáo dục cần tuyệt đối tránh “bổ đầu” theo học sinh; Phụ huynh có điều kiện ủng hộ tới đâu tiếp nhận tới đó. “Có gia đình đóng 500.000 đồng, người đóng 50 nghìn là bình thường và đúng tinh thần tự nguyện. Kể cả phụ huynh không đóng góp nhưng đồng thuận chủ trương cũng cần thiết…”.

“Nếu để có cơ sở vật chất cho nhà trường mà đưa ra những chủ trương mà phụ huynh “tặc lưỡi” phải đóng vì con đang đi học, việc đóng góp không thoải mái và để lại dư luận không tốt cho ngành giáo dục thì không nên làm. Xã hội hóa cần để phụ huynh thật sự tự nguyện, đồng thuận…”, cô Ngọc bày tỏ.

Cô Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường (Lào Cai) cũng cho biết, các khoản thu phục vụ học sinh; Khoản thu hộ, thu tài trợ… nhà trường hoàn toàn tuân theo những quy định của UBND tỉnh; Bộ GD&ĐT.

Các khoản tài trợ, ủng hộ hoàn toàn dựa trên sự tùy tâm của phụ huynh, không cào bằng. Trên cơ sở nhu cầu thực tế, nhà trường đề xuất thống nhất với phụ huynh và báo cáo với địa phương những nội dung cần triển khai.

Xây dựng các văn bản liên quan và trình lên cấp trên và khi được phê duyệt, thẩm định mới vận động phụ huynh trên tinh thần tự nguyện. Công tác vận động do nhà trường, giáo viên triển khai chứ phụ huynh không được đứng ra vận động.

Theo quan điểm của cô Chung, tránh lạm thu trong nhà trường thì vai trò của Hiệu trưởng mang tính quyết định. Cần xác định nhu cầu thực tế trường lớp và bám sát điều kiện thực tế, điều kiện của phụ huynh ra sao mới xây dựng kế hoạch huy động.

Xã hội hóa giáo dục cần được làm đúng quy định để tạo ra cơ sở vật chất cần thiết cho dạy và học. Ảnh minh họa

Xã hội hóa giáo dục cần được làm đúng quy định để tạo ra cơ sở vật chất cần thiết cho dạy và học. Ảnh minh họa

Mặt khác, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tới giáo viên chủ nhiệm để hiểu và chia sẻ với nhà trường. Làm sao để bình ổn được suy nghĩ và tư tưởng của nhân dân, ổn định về chính trị. “Làm tốt được 2 vấn đề trên sẽ tránh được lạm thu. Song điều tiên quyết cần có là các văn bản hướng dẫn từ cấp trên. Cần xác định rõ nhu cầu trong nhà trường để cho phép huy động. Linh hoạt với một số nhu cầu cần huy động để phù hợp với nhu cầu của nhân dân, thực tế của người học...”, cô Chung trao đổi.

Phát huy dân chủ, minh bạch trong các khoản thu xã hội hóa

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) khẳng định việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Song nhiều trường hợp, người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.

Theo TS Vũ Việt Anh “Đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng nhưng Ban đại diện phụ huynh phải căn cứ vào tình hình chung của lớp để đưa ra mức thu đồng thuận. Nếu đề xuất mức thu quá cao hoặc cào bằng theo đầu người sẽ khó cho những gia đình khó khăn, có mức thu nhập trung bình. Cần tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh…”

Theo TS Vũ Việt Anh, để ngăn chặn tình trạng thu tràn lan, thu bừa bãi gây bức xúc trong dư luận, có 3 vấn đề lớn cần siết chặt.

Trước hết, tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh. Tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành giáo dục.

Cùng đó, trả lại chức năng và nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ phụ huynh trong trường học, bởi đây là tổ chức gắn kết các thành viên trong phụ huynh lại với nhau, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của gia đình học sinh. Do vậy phải kết hợp với nhà trường hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục. Đừng biến hội phụ huynh thành cánh tay nối dài của ban giám hiệu để tránh những hệ lụy về sau.

Cuối cùng, phải có văn bản hướng dẫn rõ ràng ngay từ đầu năm học để các trường nắm được việc gì được làm, điều gì không được làm, thông tin nào cũng cần được phổ biến cho phụ huynh học sinh cùng biết.

Đặc biệt cũng cần có khoảng thời gian cho các gia đình để chuẩn bị sẵn khoản dự trù, tránh các trường hợp đến hôm họp phụ huynh mới công bố hàng loạt các khoản thu sẽ dễ gây nên tình trạng phản cảm, hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành giáo dục.

“Ở tất cả các trường, đều có sự trao đổi họp bàn về các khoản thu giữa phụ huynh và nhà trường nhưng sự đồng tình không phải là tất cả. Vì thế, vai trò cấp thiết đặt ra là trách nhiệm của cán bộ quản lý. Việc chỉ đạo, xử phạt vi phạm phải nghiêm minh. Cần tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh...”, TS Vũ Việt Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ