Cần giải pháp đủ mạnh hạn chế lạm thu đầu năm học

GD&TĐ - Các địa phương đã có chỉ đạo sát sao trong công tác thu, chi ở các trường học; kiên quyết chống tình trạng lạm thu nhưng đâu đó vẫn diễn ra.

Trường Tiểu học Tân Lợi (huyện Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: V. Hữu
Trường Tiểu học Tân Lợi (huyện Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: V. Hữu

Chấn chỉnh lạm thu

Bước vào năm học 2022 - 2023, phụ huynh có con theo học Trường Tiểu học Tân Lợi (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau) phản ánh nhà trường dự kiến huy động các khoản thu như: Mua 18 máy lạnh 162 triệu đồng; mua 26 tivi khoảng 360 triệu đồng; trong khi huy động cho công tác khen thưởng, hoạt động giáo dục của nhà trường chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng. Ngay sau khi triển khai, các khoản thu này lập tức vướng phải phản ứng của phụ huynh.

Không chỉ Trường Tiểu học Tân Lợi, một số trường học ở huyện Thới Bình đưa ra phương án huy động các khoản thu theo hướng xã hội hóa và được phòng GD&ĐT đồng ý. Tuy nhiên, văn bản đồng ý của phòng GD&ĐT khẳng định phải đảm bảo đúng quy định…

Sau khi nắm được thông tin phản ánh của phụ huynh, Phòng GD&ĐT huyện Thới Bình đã chỉ đạo các trường có phương án xã hội hóa dừng ngay việc huy động, nếu thu thì trả lại cho phụ huynh. Ngày 12/10, Sở GD&ĐT Cà Mau có báo cáo gửi UBND tỉnh kết quả xác minh thông tin các khoản thu đầu năm của Trường Tiểu học Tân Lợi. Nhà trường đã hoàn trả lại cho phụ huynh hơn 282 triệu đồng vận động trước đó. Đây là khoản tiền vận động mua tivi, nhưng không quy định mức tiền cố định.

Tại tỉnh Bạc Liêu, Trường Tiểu học A xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) không nhận được sự đồng tình của phụ huynh khi thu các khoản phí một lần vào đầu năm học lên tới 1.760.000 đồng/học sinh và phải đóng trong vòng 1 tuần. Ngay khi nhận được phản ánh, UBND huyện, ngành Giáo dục vào cuộc. Theo ông Lê Văn Tần, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, huyện chỉ đạo phòng GD&ĐT phối hợp UBND xã Vĩnh Thanh trực tiếp làm việc với phụ huynh và nhà trường. Phòng GD&ĐT sau đó xin lỗi phụ huynh; Hiệu trưởng Trường Tiểu học A xã Vĩnh Thanh cũng bị kiểm điểm.

Theo đại diện Sở GD-KH&CN tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm học 2022 - 2023, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu”. Đối với khoản thu bảo hiểm y tế học sinh, các cơ sở giáo dục cần chủ động phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương thực hiện thu nhiều lần (3 tháng, 6 tháng, 12 tháng); không thu cùng một lúc nhằm giảm bớt gánh nặng, chia sẻ khó khăn với phụ huynh.

Ngành Giáo dục cũng yêu cầu cơ sở giáo dục quán triệt đến ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và chỉ được phép thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban. Sở GD-KH&CN đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu - chi trong cơ sở giáo dục, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng “lạm thu” và các khoản thu trái với quy định của Nhà nước.

Ảnh minh họa/ Internet.

Ảnh minh họa/ Internet.

Sửa đổi điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh

Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện các khoản thu đầu năm học. Các đơn vị, trường học thực hiện đầy đủ văn bản này. Tuy nhiên, qua theo dõi và ghi nhận phản ánh từ dư luận, một số đơn vị, trường học có dấu hiệu gợi ý thu, dự kiến thu một số khoản chưa đúng quy định hiện hành.

Để chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Thanh Luận đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản thu, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của ban đúng quy định.

Lưu ý ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu những khoản: Bảo vệ (sửa chữa) cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường lớp học, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường cùng những nội dung có liên quan.

Riêng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, các đơn vị, trường học phải thực hiện nghiêm túc theo quy định hiện hành. “Thủ trưởng đơn vị, trường học tuyệt đối không tự đặt ra hoặc để giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh gợi ý và ép buộc phụ huynh học sinh đóng góp các khoản thu trái quy định tại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau nhấn mạnh.

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang cũng có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu, chi ở các trường học, kiên quyết chống tình trạng lạm thu. Theo đó, sở hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục về các khoản thu theo đúng quy định, chỉ đạo sâu sát và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng lạm thu. Đầu năm học, sở GD&ĐT tổ chức các cuộc họp với hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT để chỉ đạo, thông báo về các khoản được thu. Nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa tự nguyện để thu ngoài quy định; xử lý nghiêm trường hợp xảy ra tình trạng lạm thu...

Trao đổi về các khoản thu trong trường học, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cho biết, hiện ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều nơi biến tướng, thành lập ra để thu tiền là chủ yếu, thay vì chăm lo cho học sinh.

Cũng theo ông Nhân, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng. Đây là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh; góp phần truyền tải thông tin chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục đến phụ huynh. Ngược lại, ban đại diện thu thập thông tin ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh đến nhà trường, phối hợp, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức này dần chệch hướng so với mục tiêu ban đầu.

Điều này cho thấy cần phải quy định rõ trách nhiệm, quản lý hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh cho phù hợp. Ông Nguyễn Hữu Nhân nhìn nhận đồng thời đề xuất, tốt nhất là chính quyền địa phương ra quyết định thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh theo phân cấp quản lý. Trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là vận động xã hội hóa giáo dục, chăm lo cho học sinh, chứ không thu tiền như một số nơi đang thực hiện.

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 55, ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thời gian thực hiện Thông tư 55 đến nay đã hơn 10 năm nên xuất hiện một số bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ