Đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, trong đó có việc phát huy tính tích cực học tập của học sinh, giúp các em học tốt, yêu thích môn học là một trong những vấn đề được giáo viên quan tâm hiện nay.
Tích cực chuẩn bị đồ dùng, sưu tầm tư liệu, tranh ảnh
Để có tiết dạy tốt, đạt hiệu quả cao thì giáo viên cần tích cực tự bồi dưỡng; thường xuyên học tập, nghiên cứu và ghi chép lại những sự kiện, câu chuyện, hình ảnh, sự vật, sự việc, nhân chứng lịch sử có liên quan đến các bài dạy học lịch sử.
Sưu tầm tư liệu, tài liệu hỗ trợ giảng dạy và tự làm đồ dùng dạy học lịch sử đặc biệt chú ý đến các sơ đồ, lược đồ. Đối với các bản đồ, lược đồ lịch sử phải bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Các bản đồ hoặc lược đồ đưa ra phải thực sự mẫu mực đạt yêu cầu chính xác, to, rõ để mọi đối tượng học sinh đều quan sát được.
+ Giáo viên phải nghiên cứu kĩ bản đồ hoặc lược đồ đưa ra, tập trình bày trước ở nhà để khi trình bày trước học sinh được mạch lạc hơn, chính xác và lôi cuốn người nghe.
+ Đối với tranh ảnh về lịch sử, giáo viên cần chọn lọc những tranh có nội dung phù hợp, thiết thực, tránh việc quá lạm dụng tranh ảnh, làm lệch đi nội dung tiết học.
+ Đối với những bài dạy cần cung cấp các tư liệu lịch sử, giáo viên nên soạn bằng giáo án điện tử. Giáo viên cần chuẩn bị các đoạn phim tư liệu tiêu biểu, vừa phải, phù hợp thời gian nội dung bài dạy và trình độ của học sinh tiểu học.
Ví dụ: Khi dạy bài 10: Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, có thể chuẩn bị đoạn phim tư liệu Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trong thời gian 3 phút.
Học sinh cũng phải sưu tầm những tài liệu lịch sử, sự kiện lịch sử trên các kênh thông tin; mượn một số sách, truyện thiếu nhi về nhân vật lịch sử có ở thư viện. Ví dụ khi dạy bài 3: “Cuộc phản công ở kinh thành Huế”, giáo viên có thể yêu cầu học sinh sưu tầm hình ảnh của Vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết và hình ảnh các nhân vật lịch sử của phong trào Cần Vương; Tìm hiểu các đường phố, trường học nào mang tên các nhân vật lịch sử của phong trào Cần Vương như: Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng.
(Sơ đồ 1) |
Khai thác kiến thức từ bản đồ, lược đồ lịch sử
Lược đồ, bản đồ chủ yếu được bố trí ở các loại bài về các cuộc khởi nghĩa, các chiến dịch, các trận đánh cách bố trí lực lượng hai bên và diễn biến của cuộc khởi nghĩa, chiến dịch, trận đánh.
Ví dụ: Bài 14: Thu - Đông 1947, Việt Bắc “mồ chôn giặc Pháp”
Giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm việc với lược đồ theo định hướng sau:
+ Quân địch tấn công lên Việt Bắc theo mấy đường? Nêu cụ thể từng đường và chỉ trên lược đồ.
+ Quân ta đã tiến công chặn đánh quân địch ở đâu?
+ Sau hơn một tháng tấn công Việt Bắc, quân địch rơi vào tình thế như thế nào?
+ Sau 75 ngày đêm chiến đấu, quân ta thu được kết quả ra sao?
+ Xác định vị trí của đường số 4 và các địa danh Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, đèo Bông Lau, Bình Ca, Đoan Hùng, sông Lô trên lược đồ.
Khai thác kiến thức từ tranh ảnh lịch sử
Trong quá trình giảng dạy giáo viên có thể hướng dẫn học sinh khai thác triệt để kênh hình trong sách giáo khoa, qua đó để các em hiểu rõ hơn nội dung bài học.
Ví dụ: Bài 8: “Xô viết Nghệ - Tĩnh”
Sau khi đã hướng dẫn các em khai thác nội dung bài, có thể tổ chức cho các em quan sát nội dung hình 2 trong sách giáo khoa và nêu cảm nhận “hình 2 phản ánh điều gì của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh?”
Dựa vào hình ảnh các em đã nêu được: Ở những nơi nhân dân giành được chính quyền cách mạng, người dân được cày trên thửa ruộng của chính mình, còn trước đây sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, người nông dân không có ruộng, họ phải cày thuê, cuốc mướn cho địa chủ, thực dân hay bỏ làng đi làm ăn ở nơi khác.
Với cách khai thác như vậy, học sinh hứng thú hơn và nhớ bài tốt hơn.
Tổ chức tiết học với phần mềm Power Point và bài giảng tương tác với Active Inspire
Đối với môn Lịch sử, để phát huy năng lực học tập và hứng thú của học sinh thì việc thiết kế các tiết học bằng bài giảng điện tử là vô cùng quan trọng và cần thiết bởi kiến thức của môn học này rất trừu tượng và khá xa lạ với học sinh. Với các bài giảng điện tử có hình ảnh minh họa và các đoạn phim ngắn sẽ giúp học sinh dễ tiếp thu bài hơn và hứng thú hơn trong học tập.
Khi soạn các bài giảng điện tử giáo viên cần chú ý mở rộng nội dung bài học bằng cách tìm thêm các tư liệu, các hình ảnh để học sinh hứng thú và tích cực hơn trong các hoạt động. Các em thích trực quan sinh động, thích tìm tòi những điều mới lạ và khác biệt.
Giáo viên cần chú ý khi tìm thêm tư liệu, hình ảnh minh họa cho bài dạy cần phải xác định mục tiêu bài dạy; lựa chọn kiến thức cơ bản của bài, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm của bài, cấu trúc các kiến thức cơ bản theo ý định dạy học.
Đa dạng hoá và phối hợp linh hoạt các hình thức dạy học
Để tạo hứng thú cho học sinh, giáo viên có thể phối hợp các hình thức dạy học như: Học chung cả lớp, học theo nhóm, học cá nhân, đối thoại thầy – trò, chơi trò chơi, đóng vai…
Với hình thức học theo nhóm, khi chuẩn bị nội dung thảo luận nhóm, giáo viên cần chú ý:
+Chuẩn bị tình huống có thể xảy ra khi thảo luận nhóm.
+Tổ chức học sinh thảo luận nhóm sôi nổi, tiết kiệm thời gian, đúng trọng tâm.
+Phân phối đúng, đủ thời gian cho từng hoạt động phù hợp với nội dung và yêu cầu về thời gian của một tiết học.
Ví dụ: Bài 7: “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời”
- Tổ chức cho học sinh thảo luận với các câu hỏi định hướng:
* Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra ở đâu? Do ai chủ trì?
* Hãy trình bày kết quả của hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam?
- Giáo viên chia lớp thành các nhóm 4 học sinh, sau đó phát phiếu học tập cho các nhóm.
- Nêu yêu cầu, giao nhiệm vụ, phát phiếu học tập, quy định thời gian hoàn thành hoạt động. Các nhóm tự cử nhóm trưởng, thư ký. Dự kiến thời gian thích hợp cho hoạt động nhóm: 5 phút.
- Giáo viên đi quan sát hoạt động của từng nhóm để hỗ trợ kịp thời.
- Mời đại diện một số nhóm trình bày kết quả thảo luận của nhóm mình.
- Yêu cầu học sinh nhóm này nhận xét kết quả thảo luận của nhóm bạn.
- Các ý kiến bổ sung giáo viên ghi tóm tắt nhanh lên bảng. Sau khi các nhóm trình bày xong và học sinh không còn ý kiến, giáo viên treo kết quả hoàn chỉnh và đối chiếu lại với kết quả thảo luận của từng nhóm để nhận xét, khen ngợi những ý kiến bổ sung đúng.
Vận dụng các kỹ thuật dạy học hợp tác
Dạy học theo góc
Học theo góc là một hình thức tổ chức hoạt động học tập theo đó học sinh thực hiện các nhiệm vụ khác nhau tại các vị trí cụ thể trong không gian lớp học; Kích thích học sinh tích cực học thông qua hoạt động; Đa dạng về nội dung và hình thức hoạt động. Mục đích là để học sinh được thực hành, khám phá và trải nghiệm qua mỗi hoạt động.
Ví dụ:
3 góc cùng thực hiện một nội dung và mục tiêu học tập nhưng theo các phong cách học khác nhau và sử dụng các phương tiện/ đồ dùng học tập khác nhau. Đọc tài liệu, xem băng, làm thí nghiệm, áp dụng (trải nghiệm), (quan sát), (phân tích), (áp dụng).
Giáo viên cần nắm vững các bước dạy học theo góc, cụ thể:
Bước 1: Lựa chọn nội dung bài học phù hợp.
Bước 2: Xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng góc.
Bước 3: Thiết kế các hoạt động để thực hiện nhiệm vụ ở từng góc bao gồm phương tiện/tài liệu (tư liệu nguồn, văn bản hướng dẫn làm việc theo góc; bản hướng dẫn theo mức độ hỗ trợ, bản hướng dẫn tự đánh giá…)
Bước 4: Tổ chức thực hiện học theo góc – HS được lựa chọn góc theo sở thích – HS được học luân phiên tại các góc theo thời gian quy định (ví dụ 10’ – 15’ tại mỗi góc) để bảo đảm học sâu.
Bước 5: Tổ chức trao đổi/chia sẻ
Ví dụ: Bài 17: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”
Mục tiêu bài học:
- Học sinh biết một số sự kiện của chiến dịch Điện Biên Phủ, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ và tinh thần chiến đấu anh dũng của bộ đội ta, tiêu biểu là anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.
Giáo viên tổ chức cho lớp học theo 3 góc
Góc 1: Phân tích
- Học sinh đọc tài liệu trong sách giáo khoa để tìm hiểu và trả lời câu hỏi:
* Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm mấy đợt?
* Hành động của anh Phan Đình Giót thể hiện điều gì?
* Nêu ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Góc 2: Xem phim
- Ở góc này, học sinh được xem các đoạn phim ngắn chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
- Sau khi xem phim xong, học sinh trả lời các câu hỏi Đúng – Sai trong phiếu học tập.
Góc 3: Trải nghiệm.
- Học sinh làm việc trên lược đồ.
- Học sinh quan sát lược đồ kể lại các đợt tấn công của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau khi học sinh học tập ở 3 góc, các em sẽ trở về vị trí của nhóm mình để cùng thảo luận, trao đổi.
- Các nhóm cử đại diện trình bày, nhóm khác nhận xét,
bổ sung.
- Giáo viên chốt lại các ý đúng, khen ngợi, tuyên dương
các nhóm.
Học sinh khai thác nội dung hình minh họa trong sách giáo khoa |
Đổi mới cách củng cố bài bằng sơ đồ tư duy và vận dụng kiến thức liên môn
Củng cố bài học là một bước vô cùng quan trọng trong tiết dạy bởi nó giúp học sinh thống kê lại một cách đầy đủ nội dung bài học hay nói cách khác giúp các em nắm được trọng tâm bài học, để từ đó khắc sâu kiến thức cho các em. Có nhiều hình thức để củng cố bài nhưng trong quá trình giảng dạy tôi thường củng cố bằng cách dùng sơ đồ tư duy và tôi thấy nó khá hiệu quả.
Ví dụ: Bài: “Bình Tây Đại nguyên soái” Trương Định
Tôi sử dụng sơ đồ sau: (sơ đồ 1)
Ở một số bài trong phần củng cố kết thúc tiết học giáo viên có thể kết hợp vận dụng kiến thức văn học vào để tạo cho học sinh hứng thú hơn, yêu thích môn học hơn.
Ví dụ: Bài: “Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước”
Giáo viên đọc cho học sinh nghe một đoạn trong bài thơ: “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên. Như vậy từ cách vào bài, tiến trình bài dạy và cách kết thúc đều hướng học sinh tập trung vào học sinh. Ngay từ đầu học sinh đã có cảm nhận yêu thích môn học. Trong suốt tiết học các em được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và rút ra kiến thức. Cuối tiết học các em được củng cố bằng các trò chơi học tập vui và bổ ích. Chính những điều đó đã giúp các em học tốt phân môn Lịch sử này.
Tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử cụ thể
Nhân vật lịch sử được đưa vào sách giáo khoa (bằng ảnh chụp hoặc tranh vẽ), nhưng có những nhân vật lịch sử không có ảnh chân dung trong sách giáo khoa. Như vậy học sinh sẽ khó hình dung nhân vật đó như thế nào. Vì vậy để tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử giáo viên có thể sử dụng công nghệ thông tin để tìm được chân dung nhân vật (ảnh chụp, tranh vẽ, truyền thần...). Trong quá trình trình tìm hiểu bài, giáo viên nêu lên những đặc điểm có tính hình tượng của nhân vật kết hợp với miêu tả và sử dụng đồ dùng trực quan như tranh ảnh, hình vẽ... để làm nổi bật những đặc điểm cơ bản của nhân vật. Từ đó học sinh sẽ hiểu tính cách, tâm hồn, phẩm chất bên trong của nhân vật Lịch sử.
Ví dụ: Bài 6: “Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước”
Để khắc hoạ hình ảnh Bác Hồ về cuộc sống đầy khó khăn của Bác khi trên tàu La-tut-sơ-tê-lê-vin, có thể dùng hình ảnh con tàu cho học sinh quan sát và trích một đoạn tư liệu miêu tả hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trên tàu như sau:
“Hàng ngày, Thành phải cọ rửa gian bếp lớn trên tàu, sau đó nhóm lò, rồi khuân than, kéo những sọt rau quả, thịt cá nước đá từ dưới hầm tàu lên. Có lần trong lúc trời dông bão, Thành đang kéo sọt nặng trên boong thì một đợt sóng lớn chồm tới cuốn lấy thân thể mảnh dẻ của anh suýt lôi anh xuống biển. Thật may mắn, vào khoảng khắc cuối cùng thì anh bám được vào dây cáp và từ đó thoát chết”.
Sau khi tiếp nhận biểu tượng về hình ảnh Bác Hồ học sinh sẽ rất xúc động trước hành trình gian khổ mà Bác đã phải trải qua để giành lại độc lập tự do cho đất nước ngày hôm nay. Từ đó các em càng yêu mến, kính trọng và biết ơn Bác nhiều hơn. Đặc biệt từ hình ảnh Bác Hồ các em còn thấy được trách nhiệm của mình với quê hương đất nước.
Việc tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử xen kẽ với nội dung bài học để bài dạy phong phú, hấp dẫn hơn, đồng thời gây hứng thú học tập cho học sinh và để giờ học lịch sử đạt kết quả cao.
1. Chiến thắng Điện Biên Phủ được chia thành 3 đợt.
2. Anh La Văn Cầu là anh hùng tiêu biểu trong chiến dịch này.
3. Ngày 1/5/1954, ta mở đợt tấn công thứ ba.
4. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, góp phần kết thúc thắng lợi chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.