Những lưu ý chung
Học sinh chủ động, sáng tạo, đó là yếu tố không thể thiếu cho chất lượng một giờ dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, để làm được điều này, cô Đỗ Thùy Chi cho rằng, giáo viên phải tuyệt đối tuân thủ phương châm giảng dạy: Người học là trung tâm.
Cùng với đó là việc phối hợp việc dạy từ vựng và ngữ pháp trong giờ đọc hiểu và sử dụng nhiều dạng bài tập phong phú, từ dễ đến khó; giáo viên cần có các loại bài tập phù hợp nhiều đối tượng học sinh: yếu, trung bình, khá, giỏi; có thể sưu tầm thêm một số bài tập trong các sách bài tập.
Theo cô Chi, giáo viên cũng có thể phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh bằng cách định hướng cho học sinh về nội dung bài, tạo tình huống để mỗi học sinh được làm việc với cường độ cao, tự giác nhưng vẫn thoải mái.
Các thầy cô cần lưu ý đến việc tạo không khí sôi nổi, sự hứng thú cho học sinh bằng các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, tình huống hội thoại, đồ vật, cassette, bài tập trò chơi ngôn ngữ…; tổ chức cho học sinh được thực hành nhiều bằng các hoạt động theo cặp, theo nhóm; đặc biệt, đừng quên khuyến khích, động viên các học sinh yếu, kém.
Tăng chất cho giờ dạy hội thoại
Đi sâu vào một giờ dạy hội thoại, cô Đỗ Thùy Chi, từ kinh nghiệm thực tế đã gợi ý các hoạt động cụ thể nhằm tăng chất lượng bài giảng.
Theo đó, phần Warm up nhằm tạo không khí sôi nổi, môi trường ngôn ngữ cho giờ học. Trong bước này, giáo viên trò chuyện với học sinh về sĩ số lớp, về thời tiết, về tin tức thời sự mới của lớp,... Giáo viên nên gọi nhiều học sinh khác nhau để trò chuyện , không nên chỉ gọi lớp trưởng.
Revision: Nhằm ôn lại kiến thức cũ, chuẩn bị và dẫn dắt vào nội dung bài mới. Giáo viên có thể sử dụng các dạng bài tập: Networks, jumbled words, hangman,… và kết hợp để yêu cầu học sinh trò chuyện theo chủ đề bài đã học.
Về các bước dạy một bài hội thoại, theo cô Đỗ Thùy Chi gợi ý các nội dung sau:
Presentation (giới thiệu): Mục đích phần này nhằm lôi cuốn sự chú ý của học sinh; tạo nhu cầu giao tiếp cho học sinh và kích thích học sinh tập trung vào chủ điểm bài học, suy nghĩ về chủ điểm của bài.
Các hoạt động của giáo viên trong phần này gồm:Giới thiệu chủ điểm của bài hội thoại, giới thiệu ngữ cảnh, nhân vật; dưa ra các câu hỏi gợi ý và giới thiệu từ mới.
Practice (luyện tập, thực hành), mục đích giúp học sinh hiểu nội dung các câu thoại; nắm vững cấu trúc câu thoại và luyện tập hội thoại theo bài mẫu. Bước này yêu cầu học sinh xây dựng được những bài hội thoại tương tự theo hướng dẫn của giáo viên; hội thoại tự do và vận dụng từ vựng, cấu trúc của bài mới học.
Production (sản sinh lời nói), mục đích giúp học sinh phát triển khả năng giao tiếp. Các hoạt động phần này gồm: Học sinh luyện tập hội thoại với nhau theo cặp, theo nhóm, với nội dung bám sát chủ đề và dựa theo tình huống thực tế.
Cô Đỗ Thùy Chi lưu ý, các hoạt động chính trong giờ thường gồm: Giới thiệu từ vựng, giới thiệu nhân vật và ngữ cảnh của bài thoại. Riêng về phần bài tập, ở mỗi giai đoạn của giờ học, nên lựa chọn dạng bài tập phù hợp với mục đích của của giai đoạn đó.
Với phần luyện tập (practice), mục đích giúp học sinh hiểu nội dung bài, nhuần nhuyễn phát âm, ngữ điệu. Phần này sẽ bao gồm các hoạt động: Bà tập lựa chọn; bài tập đúng - sai; chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống; trả lời câu hỏi; thực hành đọc hội thoại theo vai.
Tuy nhiên, để giờ dạy hội thoại tiếng Anh đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh việc giáo viên thường xuyên tự trau dồi, học hỏi, cô Chi cho rằng, với sự trợ giúp máy chiếu đa năng, giáo viên có thể chủ động dạy với powerpoint, từ đó giúp bài giảng sinh động và dễ hiểu hơn với học sinh.