Bí kíp học Tiếng Anh cho “dân không chuyên"

GD&TĐ - Trần Đức Mười – Sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) là một chàng trai không chỉ giỏi Tin học mà còn giỏi tiếng Anh. Với nhiều học bổng và thành tích cao trong học tập, đặc biệt là điểm 7.0 IELTS, Mười chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh cho “dân” không chuyên

Bí kíp học Tiếng Anh cho “dân không chuyên"

Hiểu rõ tầm quan trọng của Tiếng Anh

Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới và hiện nay cũng đã dần đi sâu vào từng khía cạnh cuộc sống ở Việt Nam. Trong rất nhiều ngành học kỹ thuật nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, việc trang bị tiếng Anh là cần thiết để có thể đón đầu những tri thức mới của nhân loại. 

Nếu bạn là dân IT và bạn ngại tiếp xúc với tiếng Anh thì hãy nghĩ lại, vì việc học tiếng Anh và biến nó thành thứ vũ khí của riêng mình không hề khó như bạn nghĩ.

Học từ trải nghiệm thực tế

Tiếng Anh có ở mọi nơi, ví dụ như ngôn ngữ của máy tính, điện thoại, dòng chữ quảng cáo bên đường, trong trò chơi điện tử mà bạn mê đắm hay thậm chí là trong phần ... cài đặt của Facebook. 

Hãy để ý và ghi tâm những từ tiếng Anh đơn giản nhất mà bạn gặp hàng ngày, như vậy, vốn tiếng Anh của bạn sẽ đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.

Học bằng tình yêu và niềm đam mê

Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy tiếng Anh có ở xung quanh ta chứ không gì riêng trong sách vở. Có nhiều người thích chơi game và học tiếng Anh từ chính trò chơi này.

Mỗi trò chơi đều có phần thông tin dày dặn và đáng tự hào: Đế chế với lịch sử các nền văn minh xưa, Warcarft với câu chuyện về các tộc người hay Call of Duty với đặc sản chỉ có trong quân đội... Và tất nhiên, tất cả chữ viết, âm thanh trong game đều bằng tiếng Anh!

Hãy tập làm quen với việc học tiếng Anh thông qua những thứ mà bạn đam mê, kể cả đó là một thứ “nghe có vẻ” vô bổ đi chăng nữa, như nghe nhạc, xem phim hay chơi video game như câu chuyện kể trên, vì đó chính là cách bạn yêu tiếng Anh một cách tự nhiên nhất.

Kĩ năng đọc chuẩn

Đặc thù của sinh viên các ngành tin học hay kỹ thuật là phải đọc tài liệu, tìm kiếm thông tin rất nhiều và đa số là bằng tiếng Anh. Do ngành công nghệ thông tin của Việt Nam còn khá non trẻ và bản chất của công nghệ thông tin là biến đổi và phát triển không ngừng, sẽ rất khó để tìm tài liệu cập nhật nhất được viết bằng tiếng Việt.

Khi đọc, cần phải luyện nhuần nhuyễn hai kĩ năng: Skim (đọc tổng thể để nắm ý chính của đoạn), Scan (đọc nhanh và lọc ra các thông tin quan trọng). Trong khi đọc, tránh việc dừng lại tra nghĩa của từ vì nó khiến cho việc đọc bị chậm và ngắt quãng.

Cần rèn luyện kĩ năng dự đoán nghĩa của từ, việc này giúp bạn chủ động hơn trong việc đón nhân thông tin. 

Hãy gạch chân nhanh những từ mới, chỉ tra nghĩa sau khi đã scan xong và chỉ tra nghĩa của những từ mới quan trọng (mang thông tin mấu chốt) hoặc những từ mới có tần suất xuất hiện cao (Lặp lại nhiều hoặc đã gặp trong các tài liệu khác). Cuối cùng, nên có một cuốn sổ tay ghi những từ mới học và ôn lại trong những lúc rảnh rỗi.

Kĩ năng viết cần cẩn thận và phong phú

Trong tiếng Anh, văn viết luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính quy (formal) cao độ nhưng sự đa dạng trong cấu trúc ngữ pháp và từ ngữ học thuật cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Các đoạn văn cần phải rõ ý và mạch lạc, câu chữ tránh dịch từng từ từ tiếng Việt sang. Bài viết càng có nhiều cấu trúc phức tạp, câu càng dài, từ ngữ càng đa dạng càng được đánh giá cao. 

Nếu trong trường hợp phải diễn tả những ý trùng lặp, hãy cố gắng biến đổi câu từ trực tiếp sang gián tiếp, thêm các mệnh đề quan hệ hoặc biến đổi các từ đồng nghĩa... Giữa các câu nên sử dụng linh hoạt các liên từ để tăng độ tự nhiên cho bài viết.

Trong khi bạn đọc tài liệu, bài báo khoa học,... chính là bạn đang đọc văn viết của người khác. Vì vậy hãy chủ động học hỏi cách trình bày, triển khai ý, cách dùng từ, các cụm từ hay và từ vựng chuyên ngành của người viết để bổ sung kiến thức cho bản thân. Ngoài ra, mỗi người cũng nên trau dồi một số cụm từ, cấu trúc tủ để có thể sử dụng trong nhiều trường hợp.

Cuối cùng, hãy thay đổi tư duy về cách học tiếng Anh, hãy luyện tập chăm chỉ mỗi ngày, hãy gắn tiếng Anh với những gì bạn thích và sẽ sớm thôi, chính tiếng Anh sẽ trở thành niềm đam mê của bạn từ lúc nào không hay.