Đánh giá cao sự tham gia của thanh niên trên tuyến đầu chống dịch
Năm 2021, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đối với thanh niên và công tác thanh niên. Đặc biệt, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng tiếp tục ghi nhận, đặt ra nhiệm vụ, giải pháp đối với thanh niên, công tác thanh niên. Cụ thể là ban hành các Nghị định triển khai Luật Thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tạo cơ chế chính sách để chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021, thanh niên Việt Nam hiện có hơn 22 triệu người, chiếm 22,5% dân số cả nước. Trong đó tại khu vực nông thôn chiếm 59,8%, thanh niên khu vực thanh thị chiếm 40,2%. Thanh niên có trình độ THPT chiếm tỷ lệ cao nhất 48,1%. Tỷ lệ thanh niên có đủ việc làm trong tổng số thanh niên ở độ tuổi lao động chiếm 98,7%. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên có dấu hiệu tăng nhẹ từ 5% lên 5,2%.
Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất sau khi kiện toàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã kịp thời xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để giải quyết nhiều vấn đề sát thực tiễn đối với thanh niên.
Cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình hành động cụ thể, sự phát triển của khoa học - công nghệ, trực tiếp là giáo dục, các thế hệ thanh niên hôm nay có hiểu biết xã hội sâu rộng, trong nhiều lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Trung ương Đoàn để triển khai hiệu quả chương trình cụ thể, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Phó Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao sự tham gia của thanh niên trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, công tác hậu cần, hỗ trợ người bị ảnh hưởng...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình chống dịch, nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy. Đồng thời đề nghị trong giai đoạn sắp tới, các chương trình, kế hoạch về công tác của thanh niên cần quán triệt tinh thần, yêu cầu phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của đất nước. Cần chú ý hơn nữa đến kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Đoàn Thanh niên, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cần xác định một số nhiệm vụ cụ thể, trọng điểm, phù hợp với định hướng chủ trương của Đảng, chương trình hành động, “đặt hàng” của Chính phủ. Lực lượng thanh niên cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ, phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các bộ, ngành để công tác phong trào thực chất hơn, hoạt động hợp tác quốc tế triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
“Vinh dự càng to lớn, trách nhiệm càng to lớn. Do đó, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cần triển khai các hoạt động không chỉ chăm lo tốt thanh niên mà còn phát huy sức trẻ, sức sáng tạo, sự cống hiến thanh niên Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo
Báo cáo kết quả công tác năm 2021, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tập trung thực hiện và cơ bản hoàn thành 3 nhiệm vụ cơ bản. Đó là công tác phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên. Thực hiện Kế hoạch kiểm tra, điều tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên năm 2021. Tổ chức hoạt động đối ngoại Nhà nước về thanh niên.
Công tác phối hợp đề xuất, xây dựng chính sách về thanh niên được tập trung đầu tư. Nhất là phối hợp tham gia đề xuất xây dựng các Nghị định triển khai Luật Thanh niên năm 2020, Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Cùng với đó là Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Các bộ, ngành thành viên Ủy ban đã tập trung triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020. Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến Luật, các hoạt động đối thoại thanh niên và xây dựng Kế hoạch thực hiện Luật Thanh niên.
Đồng thời xây dựng kế hoạch công tác thanh niên năm 2021 theo ngành, lĩnh vực. Hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn, Tháng Thanh niên năm 2021. Tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã ban hành.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị tiếp tục duy trì, phục vụ tốt công tác tổng kết, đề xuất xây dựng chính sách thanh niên. Các hoạt động đối ngoại Nhà nước về thanh niên được đầu tư sâu về nội dung, đa dạng hình thức, tiếp tục chủ động thích ứng với điều kiện dịch bệnh.
Các giải pháp về phát huy ý kiến chuyên gia, tăng cường đối thoại, tuyên truyền pháp luật, chính sách, phát huy thanh niên trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật đối với thanh niên đã có kết quả nhất định.
Công tác phối hợp giữa Trung ương Đoàn và các bộ, ngành theo năm, giai đoạn ngày càng chặt chẽ, phát huy thế mạnh của mỗi ngành trong thực hiện công tác thanh niên. Việc chia sẻ thông tin và gửi văn bản về Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam của các địa phương được quan tâm và thường xuyên hơn.
Về một số nhiệm vụ năm 2022, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tập trung triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên; tổ chức diễn đàn, đối thoại chính sách thanh niên. Phối hợp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Tổ chức rà soát, điều tra, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và một số lĩnh vực khác. Tổ chức hoạt động đối ngoại Nhà nước về thanh niên.
Một số đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho thanh niên. Theo đó, thanh niên phải đi đầu bắt kịp thời đại, cần tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo...