Khơi dậy khát vọng cống hiến của thanh niên

GD&TĐ - Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng cống hiến của thanh niên.

Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Ảnh: Internet.
Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Ảnh: Internet.

Bà Tôn Ngọc Hạnh – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước nhiệm kỳ 2012 – 2017 đã có cuộc trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề này.

Chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ

- Bà nhìn nhận thế nào về công tác chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ thời gian qua?

- Những năm qua, công tác thanh niên do Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện bằng các Chỉ thị, Nghị quyết và chủ trương, chính sách. Theo đó, chính sách phát triển thanh niên được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện dựa trên căn cứ chủ trương của Đảng.

Cụ thể: Luật Thanh niên năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong chăm lo và công tác thanh niên, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về thanh niên. Từ ngày 1/1/2021, Luật này được thay thế bằng Luật Thanh niên năm 2020, có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho chính sách phát triển thanh niên. Đồng thời, quy định và mở ra nhiều chính sách cho thanh niên.

Có thể nói, chăm lo, bồi dưỡng thanh niên được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, nghị quyết và chính sách, cùng nhiều hành động thiết thực như: Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn từ cán bộ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều Quyết định, Chỉ thị để thực hiện chính sách dành cho thanh niên. Đặc biệt, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 là cơ sở để các cơ quan Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển thanh niên...

Hệ thống chính sách phát triển thanh niên Việt Nam thời gian qua được xây dựng khá toàn diện ở nhiều lĩnh vực. Qua đó tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên trau dồi đạo đức, lý tưởng, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước.

- Thực tế, có nhiều thanh niên sống hời hợt, thiếu lý tưởng và khát vọng cống hiến. Điều này có khiến bà trăn trở?

- Tôi cho rằng, đại đa số thanh niên Việt Nam có ý chí phấn đấu, rèn luyện tốt. Tuy nhiên, trong xã hội, sẽ có những người tốt và chưa tốt. Dưới tác động của cơ chế thị trường, cộng với nhận thức chưa đúng đắn nên nhiều bạn trẻ sống hời hợt, buông thả, thiếu lý tưởng và khát vọng. Chúng ta cần phê bình nhưng cũng cần giúp đỡ, lôi kéo họ trở về với những điều tốt đẹp, sống tích cực, có ích và có lý tưởng.

Theo đó, các cấp ủy Đảng, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần dang rộng vòng tay, tuyên truyền vận động và bỏ qua những lỗi lầm, giúp họ sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; giúp họ phấn đấu lập thân, lập nghiệp trở thành công dân tốt. Song, chúng ta cũng cần nghiêm khắc, lên án những thói hư, tật xấu, sai phạm nghiêm trọng, thậm chí phải dùng đến phạm luật để điều chỉnh. Bởi mọi công dân Việt Nam đều phải sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. 

Bà Tôn Ngọc Hạnh
Bà Tôn Ngọc Hạnh

Giáo dục qua những bài học, trang sách

- Từ thực tế trên, theo bà, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, khát vọng cống hiến cho thanh niên có cần làm thường xuyên và liên tục?

- Chúng ta cần thường xuyên bồi dưỡng lý tưởng và bồi đắp nhiệt huyết, khát vọng cống hiến của thanh niên cho quê hương, đất nước. Thậm chí việc này cần được triển khai thực hiện từ khi còn nhỏ (từ bậc mầm non cho đến khi các em trưởng thành). Trong nhà trường, có thể giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh thông qua những bài học Lịch sử, Giáo dục công dân, Văn học... Đặc biệt, giáo dục cho học sinh bằng câu chuyện lịch sử, với những tấm gương thanh niên đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Từ đó, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng cống hiến của thanh niên ngay từ khi còn là HSSV.

Trên con đường phía trước, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, “trải hoa hồng”, mà chắc chắn có nhiều chông gai. Khi đã có mục tiêu, lý tưởng phải phấn đấu đến cùng. Tuổi trẻ phải dám dấn thân, đương đầu với khó khăn thử thách, thậm chí chấp nhận thất bại để đứng lên đi tiếp. Không vội vàng buông xuôi nếu vô tình “vấp ngã”. Cần xác định, dù là thành công, hay thất bại, các bạn hãy rút cho mình bài học có giá trị.

Giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, thúc đẩy phong trào thanh niên tình nguyện, xung kích, sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay là một trong những giải pháp quan trọng, để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của cách mạng, góp phần thực hiện mục tiêu, tầm nhìn của Đảng đến năm 2030 và khát vọng 2045. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, đã đầu tư nhiều giải pháp thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt là trong đổi mới nội dung, phương thức giáo dục thanh niên.

- Vậy trong nhà trường, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, khát vọng cống hiến cho thanh niên cần thực hiện thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Như tôi đã nói, thông qua nhiều hình thức khác nhau, các trường có thể lồng ghép giáo dục lý tưởng cho HSSV. Có thể qua tiết chào cờ, hay những bài học lịch sử. Tuy nhiên, việc cần làm là, các trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy. Chẳng hạn như: Với môn Lịch sử, nếu giáo viên “dạy chay”, chắc chắn học sinh sẽ không hứng thú với bài học. Thay vì chỉ phụ thuộc vào sách giáo khoa, giáo viên có thể bổ sung những hình ảnh hoặc thước phim tư liệu.

VD: Khi dạy – học bài về Cách mạng tháng 8/1945, giáo viên có thể sưu tầm những thước phim tư liệu về Bác Hồ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hay hình ảnh Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thậm chí, nếu có điều kiện, có thể dẫn học sinh đến những nơi gắn liền với nội dung bài học. Nói cách khác, nhà trường, giáo viên có thể thiết kế các chương trình dã ngoại và thăm trực tiếp địa điểm lịch sử để tăng ý nghĩa giáo dục. Qua đó, không chỉ giúp các em “học kỹ, nhớ lâu” kiến thức bài học, mà còn bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tuổi trẻ sẵn sàng tiến công vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Internet
Tuổi trẻ sẵn sàng tiến công vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Internet

Lực lượng nòng cốt

- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài… Theo bà, thanh niên có vai trò như thế nào trong định hướng phát triển này?

- Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Đảng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quan trọng về công tác thanh niên, khẳng định sự cần thiết phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với thanh niên. Quốc hội ban hành Luật Thanh niên, nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để các cấp, ngành và mỗi công dân chăm lo bồi dưỡng, giáo dục và phát huy tiềm năng to lớn của thanh niên.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định, thanh niên là lực lượng nòng cốt tiến công vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bởi thanh niên có nhiều ưu thế hơn so với các đối tượng khác. Tuổi trẻ là sức mạnh, họ luôn sáng tạo, đổi mới và không ngừng học hỏi, phấn đấu vươn lên, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Với những lợi thế trên, tôi cho rằng, thanh niên sẽ đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Tôi cũng mong Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương sẽ quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để đội ngũ thanh niên Việt Nam có thể phát huy lợi thế của mình, hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước giao phó.

- Vậy ở địa phương bà đang công tác đã có chương trình, hành động gì để hỗ trợ thanh niên, đồng thời sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống?

- Chúng tôi mạnh dạn giao cho thanh niên nhiều phần việc, đồng thời tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện cần và đủ để các bạn có thể phát huy năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chẳng hạn như, Tỉnh ủy Bình Phước giao cho Tỉnh Đoàn triển khai thực hiện đề án: Xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử; Thanh niên tiến quân vào thực hiện cuộc cách mạng 4.0; trong đó có việc ứng dụng cuộc cách mạng này vào việc làm, lao động, học tập...

Tại thành phố Đồng Xoài, chúng tôi thí điểm xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh, hiện đại. Theo đó, chúng tôi giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên tham gia xây dựng đội thanh niên tình nguyện, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ thông tin; sử dụng các phần mềm ứng dụng để nhân dân có thể phản ánh thông tin đến chính quyền địa phương...

- Xin cảm ơn bà!

Mỗi giai đoạn lịch sử, thanh niên có ước mơ, hoài bão và khát vọng khác nhau. Nhưng tựu chung lại là khát vọng lập thân, lập nghiệp và cống hiến, phụng sự Tổ quốc. Mong rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên để những năm tháng thanh xuân của họ thực sự có ý nghĩa với bản thân, gia đình, xã hội. Từ đó có thêm nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. - Bà Tôn Ngọc Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.