Phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị xây dựng xã hội học tập

GD&TĐ - Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục làm nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại lễ phát động.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại lễ phát động.

Tại lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”, đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố đã có phát biểu hưởng ứng Phong trào thi đua.

Nòng cốt thúc đẩy khuyến học, khuyến tài

Vui mừng chào đón sự kiện đầy ý nghĩa này, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục làm nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời, góp phần hoàn thành tốt những nội dung thi đua do Thủ tướng phát động.

Cụ thể, 5 nhiệm vụ cụ thể Hội Khuyến học Việt Nam sẽ thực hiện để hưởng ứng Phong trào thi đua. Trước hết là xây dựng kế hoạch và phát động Phong trào thi đua này trong toàn hệ thống Hội với nội dung, tiêu chí, giải pháp cụ thể; định kỳ có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời.

Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn về Phong trào thi đua trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần làm chuyển biến nhận thức trong cộng đồng, từ đó thực hiện tốt các chỉ tiêu thi đua đã đề ra.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đã ký kết, đặc biệt với Bộ GD&ĐT, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện tốt các mô hình: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, huyện học tập, tỉnh học tập và công dân học tập đã được Chính phủ giao. Thực hiện tốt các mô hình học tập nêu trên chúng ta sẽ có xã hội học tập như mong muốn.

Tiếp tục duy trì, phát triển các hình thức thi đua, phát triển quỹ khuyến học nhằm khuyến khích người lớn ở mọi lĩnh vực và học sinh các bậc học tích cực học tập, học có kết quả tốt, thông qua trao học bổng “Học không bao giờ cùng” và các hình thức khuyến khích phù hợp khác. Phát huy giải thưởng “Nhân tài đất Việt”, trong đó có giải “Tự học thành tài”. Hội cũng sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện Phong trào thi đua này.

Chúng tôi coi cuộc thi đua do Thủ tướng phát động là dấu ấn quan trọng, là động lực thúc đẩy toàn dân thi đua học tập nhằm nâng cao dân trí, bồi đắp tri thức để phát triển bền vững, đưa đất nước phát triển bằng tri thức và bằng sức sáng tạo của tất cả nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới.

GS.TS Nguyễn Thị Doan

Toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam từ trẻ đến già nguyện đoàn kết nhất trí, tích cực học tập, học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại, nâng cao trình độ mọi mặt nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, nhu cầu cuộc sống và quyết tâm thực hiện Phong trào thi đua do Thủ tướng phát động, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội khẳng định sự đúng đắn trong phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, về xây dựng xã hội học tập, góp phần phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” theo từng giai đoạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động phong trào thi đua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động phong trào thi đua.

Hưởng ứng lời phát động của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Phạm Anh Tuấn, hệ thống Mặt trận tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội xác định cần làm tốt hơn với vai trò đoàn kết, tập hợp các cá nhân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.

Trong đó, Mặt trận các cấp Thành phố, các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích to lớn của Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”. Vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân hưởng ứng, tham gia công tác khuyến học, khuyến tài theo nguyên tắc tự học là chính, để việc học tập là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa nội dung thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động… Phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực đề xuất những sáng tạo, những ứng dụng công nghệ số để góp phần vào sự thay đổi phương thức học tập, mô hình học tập

Tăng cường công tác giám sát vai trò nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ quản lý trong nhà trường và các cơ sở giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng… trong tổ chức thực hiện xây dựng xã hội học tập. Gắn kết mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình “Xã hội học tập”, ‘Gia đình học tập”, “Dòng học học tập”…

Kịp thời biểu dương gương sáng tự học, tự học thành tài để lập thân, lập nghiệp; tuyên dương và nhân rộng các mô hình hay; phong trào hoạt động tốt trong việc thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh việc học tập suốt đời ở địa phương, đơn vị…

Lễ phát động kết nối tới 63 điểm cầu các tỉnh/thành phố.

Lễ phát động kết nối tới 63 điểm cầu các tỉnh/thành phố.

Đưa tham gia xây dựng xã hội học tập là tiêu chí đánh giá thi đua

Thay mặt nhân dân TP Hồ Chí Minh hưởng ứng Phong trào thi đua, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân, toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh quán triệt nội dung Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn Thành phố đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Xây dựng xã hội học tập vừa là một nhiệm vụ cấp bách, vừa là một yêu cầu chiến lược, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của nền giáo dục nước ta trong giai đoạn hiện nay, quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quyết định trong việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế tri thức, góp phần đưa xã hội Việt Nam thành một xã hội trí tuệ, hiện đại, hội nhập kinh tế thế giới.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội

Cùng với đó, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố đối với việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh việc phối hợp của các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm triển khai hiệu quả và từng bước đạt mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn Thành phố. Đưa nội dung tham gia xây dựng xã hội học tập vào kế hoạch hàng năm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và là tiêu chí đánh giá thi đua đối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể.

Ông Dương Anh Đức cũng cho biết sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Tăng cường phối hợp, liên kết giữa các ngành, tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa thể thao để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, phát triển công nghệ đào tạo mở, từ xa. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong huy động nguồn lực để tổ chức các chương trình, hoạt động, tạo cơ hội học tập cho mọi người…

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An bày tỏ thống nhất cao và hưởng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” với 4 nội dung cụ thể.

Trong đó có việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho công nhân, người lao động được tham gia học tập, bồi dưỡng, hình thành thói quen tự học, tích cực học tập suốt đời, nâng cao trình độ mọi mặt... Đồng thời, nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật, luật lao động, luật an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội, kỹ năng sống… cho công nhân, người lao động; tăng cơ hội có việc làm và thu nhập tốt hơn cho bản thân người lao động.

Thực hiện tốt giải pháp huy động các nguồn lực (ngân sách nhà nước, xã hội hóa), sự đóng góp của tổ chức, cá nhân về công sức, trí tuệ, vật chất… để xây dựng xã hội học tập ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Xây dựng, phát triển các mô hình, phong trào thi đua lao động sáng tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tham gia hỗ trợ người lao động phát triển tay nghề, rèn luyện và phát triển kỹ năng lao động…

Tăng cường hợp tác lao động với các địa phương, với quốc tế, tạo động lực, cơ hội cho các cấp, các ngành, các đơn vị, người lao động được tham gia, học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao kỹ năng nghề và kỹ năng làm việc.

Để Phong trào thực sự có chiều sâu, ông Vi Mạnh Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Phú Thọ cam kết thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong tư duy và hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc học tập thường xuyên, học suốt đời theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; kiểm tra giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phối hợp tham mưu giúp Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND có cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng xã hội học tập. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Hội Khuyến học các cấp, làm nòng cốt trong Phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Ông Vi Mạnh Hùng cũng nhắc đến việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Chú trọng hoạt động học tập suốt đời cho người lớn với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Động viên các tầng lớp nhân dân tự học, học thường xuyên, học suốt đời nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình gắn với phát triển kinh tế, xã hội cộng đồng.

Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức.

Tham dự sự kiện có Thủ tướng Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội...

Tại 63 điểm cầu của các tỉnh/thành có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh/thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ