Phát huy lợi ích học bạ số

GD&TĐ - Học bạ số giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm áp lực sổ sách, nhà trường quản lý dữ liệu học tập thống nhất, khoa học, nâng cao hiệu quả điều hành.

Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NC.
Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NC.

Giảm thủ tục hành chính, áp lực hồ sơ sổ sách

Lạng Sơn triển khai học bạ số trên phạm vi toàn tỉnh từ năm học 2021 - 2022 với các cấp học. Thực tế cho thấy, học bạ số đã giúp thầy, cô giáo giảm áp lực, thủ tục hành chính; tiết kiệm được thời gian trong quá trình làm hồ sơ, sổ sách... Các trường thực hiện được đổi mới quản lý, quản trị trong trường học.

Học bạ số cũng giúp ban giám hiệu dễ theo dõi, quản lý hồ sơ; tăng tính công khai minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Về phía phụ huynh, học bạ số khá thuận tiện khi tra cứu kết quả học tập, qua đó công tác phối hợp với giáo viên, nhà trường để nhắc nhở, đôn đốc con em học tập hiệu quả.

Theo ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, đa số cán bộ quản lý, giáo viên trong đó có cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thành thạo việc nhập thông tin, thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh (nhập dữ liệu học tập, kết quả các môn học và hoạt động giáo dục, mức đạt được, điểm kiểm tra định kỳ … theo quy định tại phụ lục 1 kèm theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quy định đánh giá học sinh tiểu học) vào sổ liên lạc điện tử, học bạ số trên phần mềm quản lý giáo dục Việt Nam (VnEdu) và sổ liên lạc điện tử (SMAS). Thực hiện đồng bộ nhận xét học bạ học sinh từ bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp, duyệt và ký học bạ trên phần mềm VnEdu, SMAS.

Hằng tháng, giáo viên cập nhật thông tin, gửi nhận xét tình hình học tập, rèn luyện của học sinh. Phụ huynh có thể truy cập phần mềm để nắm bắt, từ đó phối hợp với nhà trường, giáo viên quản lý, giáo dục các em kịp thời.

Sở GD&DT Lạng Sơn thường xuyên cập nhật thông tin, kiểm tra giám sát, tư vấn hỗ trợ chuyên môn đối với phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục tiểu học trong quá trình triển khai hồ sơ số (trong đó có học bạ số) nói riêng và công tác chuyển đổi số nói chung.

Tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề riêng về công tác quản lý, sử dụng hồ sơ, học bạ số, chuyển đổi số cấp tiểu học hoặc lồng ghép nội dung trong các kỳ kiểm tra định kỳ theo kế hoạch về triển khai nhiệm vụ cấp tiểu học hằng năm.

Yêu cầu các đơn vị báo cáo, rà soát cập nhật thông tin dữ liệu về hồ sơ, học bạ số, tổng hợp kết quả giáo dục học sinh thường xuyên và định kỳ; đồng thời đánh giá tính hiệu quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị với sở và các đơn vị cung ứng dịch vụ liên quan trong quá trình thực hiện.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, quá trình triển khai học bạ số, ngành Giáo dục Lạng Sơn phải đối mặt với một số khó khăn như: Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, thống nhất, kết nối đường truyền Internet chậm, tỷ lệ phủ sóng mạng 3G, 4G chưa đảm bảo đến tất cả vùng miền trong tỉnh. Trong cùng địa bàn huyện, thành phố đôi khi sử dụng 2 phần mềm khác nhau dẫn đến bất cập trong công tác quản lý.

Việc chưa có nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung thống nhất cho các nhà trường nên chỉ có thể sử dụng, lưu hành và quản lý nội bộ, chưa thể kết nối với trường sử dụng phần mềm khác hoặc đơn vị trường học bên ngoài tỉnh. Vì vậy, dù đã triển khai học bạ số được thời gian dài nhưng thầy, cô các nhà trường còn phải in ra giấy để lưu trữ, khi chuyển hồ sơ học sinh vẫn sử dụng học bạ giấy.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương chia sẻ tại Hội triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Ảnh NC.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương chia sẻ tại Hội triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Ảnh NC.

Cần sớm ban hành hướng dẫn sử dụng thống nhất toàn quốc

Tại Bình Dương triển khai học bạ số từ năm học 2022 - 2023, lớp 1 đối với tiểu học, lớp 6 đối với THCS và lớp 10 đối với THPT.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi cũng được Ban cơ yếu Chính phủ cấp 100% chữ ký số cho giáo viên để sử dụng xác thực học bạ số. Trong quá trình thực hiện, đơn vị phối hợp chặt chẽ với một số nhà cung cấp dịch vụ để tập huấn, hướng dẫn cho tất cả giáo viên các lớp đầu cấp.

Bình Dương đang xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Trên hệ thống nền tảng cơ sở dữ liệu này, các đơn vị cung cấp giải pháp có sự thống nhất về lưu trữ học bạ số. Dự kiến khoảng 2 -3 tháng nữa, chúng tôi sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung.

Quá trình triển khai học bạ số có nhiều thuận lợi, song Bình Dương gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Văn bản hướng dẫn chưa có dẫn thiếu đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh đối với việc phát sinh một số hồ sơ chuyển trường. Học sinh đang học ở Bình Dương khi gia đình chuyển đến tỉnh khác sinh sống nếu không sử dụng học bạ số thì thủ tục khó khăn, phải giải trình rất nhiều.

"Thực trạng trên cho thấy, cần thực hiện đồng bộ hệ thống học bạ số để kiểm soát các biểu mẫu, thuận tiện trong việc chuyển trường cho học sinh nhằm tạo sự liên tục trong đánh giá và lưu trữ kết quả học tập. Đặc biệt, có cơ chế để tích hợp dịch vụ thực hiện dữ liệu dùng chung giữa các nhà mạng.

Chúng tôi cũng mong Bộ GD&ĐT sớm ban hành hướng dẫn học bạ số thống nhất trên toàn quốc để các địa phương có đủ cơ sở pháp lý thực hiện tại cơ sở giáo dục", ông Phong chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.