Nhiều hoạt động quan trọng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”.

Bản 'Đề cương Văn hóa Việt Nam' do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.
Bản 'Đề cương Văn hóa Việt Nam' do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.

Mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”.

Đẩy nhanh tiến độ, bám sát nội dung

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ VH,TT&DL, Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề: “Văn hóa - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển” do Nhà hát Đương đại Việt Nam xây dựng nội dung.

Dự kiến chương trình nghệ thuật đặc biệt có thời lượng hơn 70 phút, gồm 3 chương. Chương đầu tiên mang tên “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” với các tác phẩm: Liên khúc “Ngọn đuốc soi đường”, “Lá cờ Đảng” và “Đoàn lữ nhạc”.

Chương hai có tựa đề “Văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa” với một số ca khúc đã đi cùng nhiều thế hệ người Việt Nam như “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh”, “Người Hà Nội”, “Trường ca sông Lô”, liên khúc “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”.

Chương ba là “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, với phần trình diễn các tiết mục như liên khúc “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Bay qua biển Đông”, liên khúc “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Việt Nam ơi, ta bước tiếp”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây không chỉ là chương trình nghệ thuật, mà còn là chương trình chính trị văn hóa. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu ê kíp thực hiện cần bám sát nội dung của Đề cương về Văn hóa Việt Nam để thể hiện những giá trị lịch sử của Đề cương bằng những tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật.

Cùng chương trình nghệ thuật là Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển”. Hội thảo sẽ có khoảng 150 đại biểu tham dự trực tiếp gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo, Bộ VH,TT&DL, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các văn nghệ sĩ…

Hội thảo được chia thành 2 phiên với các nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Phim tài liệu đặc biệt

Trong phim tài liệu đặc biệt, khán giả sẽ được gặp một dòng chảy văn hóa xuyên suốt từ thời điểm văn hóa Việt Nam gặp nhiều thách thức, những người làm văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ bị mất định hướng.

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam, để từ đó nền văn hóa Việt tiếp tục trải qua nhiều chặng đường, vượt qua nhiều thách thức, luôn thể hiện sức mạnh, bản lĩnh và sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”.

Theo Bộ VH,TT&DL, đơn vị đã giao Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện bộ phim tài liệu đặc biệt nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam.

Dự kiến phim sẽ được chiếu trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 27/2.

“Xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Hãng đã khẩn trương triển khai, chọn đạo diễn và ê-kíp nhiều kinh nghiệm, xây dựng kịch bản, khai thác nguồn tài liệu, lựa chọn nhân vật phỏng vấn… Hiện, phim đang trong quá trình quay từ Nam ra Bắc để có đủ đại diện các vùng miền, tiếng nói các chuyên gia, nhà khoa học uy tín cùng đội ngũ văn nghệ sĩ qua các thế hệ”, Đạo diễn - NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết.

Phim gồm 4 phần: Phần 1 khẳng định những giá trị của bản Đề cương trong thời gian 80 năm qua, khẳng định tầm nhìn xa trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đây là văn kiện có giá trị lịch sử vô cùng to lớn và sâu sắc của Đảng, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng.

Phần 2 đề cập nội dung Đề cương về văn hóa Việt Nam và các Nghị quyết của Đảng 80 năm qua về phát triển văn hóa; nêu cao truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; khẳng định sự kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn; khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn các bậc tiền nhân, danh nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Phần 3 là nội dung Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng. Một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong khói lửa của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo nên nhiều tác phẩm giá trị. Việc vận dụng, tiếp thu và bổ sung, hoàn thiện những quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 được thể hiện trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đạt được dưới ánh sáng của Đảng.

Nội dung cuối cùng là quyết tâm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị, Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.