Phát hiện vấn đề sức khỏe qua đồng hồ thông minh

GD&TĐ - Trong hơn ba năm, những người tham gia đã đeo một chiếc đồng hồ thông minh để đo nhịp tim, chuyển động, nhiệt độ da và kích hoạt tuyến mồ hôi.

Thiết bị đeo tay mang lại kết quả tương tự xét nghiệm máu.
Thiết bị đeo tay mang lại kết quả tương tự xét nghiệm máu.

Theo các kỹ sư y sinh và nhà nghiên cứu gen tại Đại học Duke cùng Đại học Y khoa Stanford (Mỹ), đồng hồ thông minh và các thiết bị đeo khác có thể được sử dụng để phát hiện bệnh, tình trạng mất nước và số lượng hồng cầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết, với sự trợ giúp của máy học, thiết bị có thể được sử dụng để giám sát các vấn đề về sức khỏe - vốn chỉ được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu. Trong quá trình khám, các bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu hoặc máu của bệnh nhân.

Nhờ đó, giúp thu thập thông tin cụ thể để đưa ra các chẩn đoán về sức khỏe. Các phép đo quan trọng và xét nghiệm lâm sàng có thể thông báo về những thay đổi cụ thể đối với sức khỏe của một người.

Song, những phương pháp này thường có hạn chế. Bởi, các bác sĩ cần khám trực tiếp. Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh nhân cũng dễ dàng sắp xếp thời gian. Ngoài ra, các thủ tục như lấy máu có thể gây khó chịu.

Jessilyn Dunn - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Có một sự thay đổi theo chu kỳ sinh học (hằng ngày) trong nhịp tim và nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, những xét nghiệm đơn lẻ này tại các phòng khám không nắm bắt được sự biến đổi tự nhiên đó.

Các thiết bị như đồng hồ thông minh có khả năng theo dõi các phép đo này, cũng như những thay đổi tự nhiên trong một khoảng thời gian dài”.

Các nhà khoa học đã khám phá xem dữ liệu dài hạn được thu thập từ các thiết bị đeo có khớp với những thay đổi được quan sát trong quá trình kiểm tra lâm sàng không. Nghiên cứu bắt đầu vào năm 2015 với sự tham gia của 54 bệnh nhân.

Họ cũng tham gia khám định kỳ - nơi các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp truyền thống để theo dõi nhịp tim, nhiệt độ, số lượng tế bào hồng cầu, tiểu cầu, đường và sắt. Thử nghiệm cho thấy, có nhiều tương đồng giữa dữ liệu từ đồng hồ thông minh và xét nghiệm máu.

“Các phương pháp học máy áp dụng sự kết hợp độc đáo giữa dữ liệu lâm sàng và thế giới thực này cho phép chúng tôi xác định các mối quan hệ chưa từng biết trước đây giữa đồng hồ thông minh và xét nghiệm máu lâm sàng”, Ukasz KidziSki - đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ.

Dữ liệu về thiết bị đeo được không đủ cụ thể để dự đoán số lượng chính xác các tế bào hồng cầu, bạch cầu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu bày tỏ lạc quan rằng, phương pháp này là một cách không xâm lấn và có thể nhanh chóng phát hiện các vấn đề về sức khỏe.

Theo Science daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ